Cover |
Các đặc vụ từ Mỹ và một số nước khác đang tham gia điều tra vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise tại tư dinh của ông ở thủ đô Port-au-Prince vào ngày 7/7.
Bộ trưởng Truyền thông Haiti Frantz Exantus cho biết một đơn vị đặc biệt của lực lượng cảnh sát Colombia đã đến Haiti hôm 10/7 để hỗ trợ điều tra vụ ám sát.
Một số nhân viên thuộc Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cũng được chỉ định phối hợp với lực lượng đặc biệt của Colombia đến Haiti tham gia điều tra, theo CNN.
Chỉ huy quân đội Colombia, Tướng Luis Fernando Navarro, phát biểu về cáo buộc nhóm sát thủ giết hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise là cựu binh Colombia. Ảnh: Reuters. |
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, các đặc vụ cấp cao của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng sẽ được cử đến Haiti “càng sớm càng tốt” để hỗ trợ xác định động cơ và phương thức ám sát Tổng thống Moise.
Lực lượng trên được điều phối đến Haiti để tìm lời giải cho những chi tiết chưa rõ ràng liên quan đến cái chết của nhà lãnh đạo 53 tuổi. Haiti đang chìm vào hỗn loạn vì sự bất nhất giữa các nguồn tin, làm dấy lên những thuyết âm mưu xoay quanh vụ sát hại Tổng thống Moise.
Thông tin mâu thuẫn
Nhiều luồng thông tin mâu thuẫn được lan truyền ở Haiti xuất phát từ cả giới chức nước này lẫn những video và hình ảnh chưa được kiểm chứng.
Dù hàng chục hình ảnh và thước phim đăng tải trên Internet ghi lại quang cảnh bên ngoài tư dinh Tổng thống Moise sau khi vụ ám sát xảy ra, hầu như không nguồn tư liệu nào cho thấy thi thể nhà lãnh đạo 53 tuổi.
Thẩm phán Carl Henri Destin, một trong những nhân chứng đầu tiên nhìn thấy thi thể Tổng thống Moise, giải thích rằng ông đã cấm những người có mặt tại hiện trường chụp ảnh vì sự tôn trọng đối với nhà lãnh đạo quá cố.
Hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ ám sát hôm 7/7 và với động cơ gì. Cách thức nhóm sát thủ xâm nhập vào tư dinh tổng thống vẫn chưa được giải đáp. Các vệ sĩ của ông Moise sẽ bị thẩm vấn vào tuần tới.
Nhóm nghi phạm ám sát Tổng thống Jovenel Moise bị cảnh sát Haiti bắt giữ. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin từ chính phủ Haiti với người đứng đầu là Thủ tướng lâm thời Claude Josep, Tổng thống Moise bị bắn chết bởi 28 lính đánh thuê nước ngoài. Ông León Charles, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Haiti, nói trong một cuộc họp báo rằng 26 người trong nhóm 28 sát thủ nói trên là công dân Colombia và hai người còn lại là người Mỹ gốc Haiti.
Hôm 9/7, giới chức Colombia cũng xác nhận 13 cựu binh của nước này nằm trong nhóm nghi phạm ám sát ông Moise.
Trong khi đó, cựu Nghị sĩ Haiti Alfredo Antoine nghi ngờ vụ giết người có liên quan đến các nhà tài phiệt Haiti.
Cựu Thượng nghị sĩ Haiti Steven Benoit cũng nói với đài phát thanh Magik9 của Haiti hôm 9/7 rằng “nhóm sát thủ giết hại Tổng thống Moise không phải là người Colombia” song thừa nhận với CNN rằng ông không thể cung cấp bằng chứng về tuyên bố của mình.
Cùng ngày, Jenny Capador, em gái một nghi phạm ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise, cho rằng anh trai mình đến Haiti để “bảo vệ một người đàn ông quan trọng” chứ không phải sát thủ.
Jenny Capador không tin anh mình là sát thủ. Cô Capador nói với CNN: "Hồi tháng 4, anh ấy (Capador) nói rằng mình sẽ nhận việc ở nước ngoài và làm vệ sĩ cho một nhân vật quan trọng ở Haiti".
"Vào sáng 7/7, anh ấy gọi cho tôi, nói rằng nhóm vệ sĩ đã đến nhà của người đàn ông quan trọng kia nhưng quá trễ. Ngôi nhà bị vây kín bởi ngọn lửa và sự hỗn loạn. Nhưng anh ấy bảo tôi đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi nên đừng nói với mẹ về việc này", cô Capador kể lại.
Tạp chí Colombia Semana trích nguồn giấu tên, cũng cho rằng các cựu binh sĩ Colombia đến Haiti sau khi được thuê để bảo vệ ông Moise thay vì ám sát.
Tờ El Tiempo cho hay đoạn phim an ninh từ dinh tổng thống cho thấy cựu binh Colombia đến đây vào khoảng 2h30 sáng ngày 7/7.
“Điều đó có nghĩa là họ đến nơi sau khi vụ ám sát tổng thống xảy ra được một tiếng rưỡi đồng hồ”, nguồn tin cho biết.
Dẫu vậy, giả thuyết nhóm cựu binh Colombia tới bảo vệ Tổng thống Moise có phần mâu thuẫn với lời khai của James Solages, một trong hai nghi phạm người Mỹ bị cảnh sát Haiti bắt giữ.
Solages, người nói rằng mình là thông dịch viên cho nhóm lính đánh thuê, khai nhận ông “tìm được công việc này trên Internet”.
“Hai nghi phạm nói rằng họ là thông dịch viên. Nhiệm vụ của nhóm lính đánh thuê là bắt sống Tổng thống Jovenel Moise”, thẩm phán Clément Noël nói với Nouvelliste.
Jovenel Moise, cựu binh Colombia, bị cảnh sát Haiti bắn chết hôm 7/7. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, theo lời của cựu Thủ tướng Laurent Lamothe, luôn có khoảng 100 sĩ quan từ đơn vị vệ sĩ của tổng thống làm nhiệm vụ bảo vệ tư gia của ông Moise.
Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách thức nhóm sát thủ đột nhập tư dinh Tổng thống Moise.
Bên cạnh đó, một số đoạn video được ghi hình cùng lúc từ các tòa nhà gần nơi ở của Tổng thống Moise cho thấy các tay súng di chuyển chậm rãi và bình tĩnh, làm dấy lên giả thuyết nhóm sát thủ có tay trong.
Ông Paul Raymond, một giáo viên 41 tuổi ở Port-au-Prince, cho hay ông tin rằng tổng thống đã bị sát hại bởi các thành viên trong đội an ninh.
“Điều này đã được lên kế hoạch bởi những người biết rõ ông ấy và căn biệt thự”, ông Raymond nói và bày tỏ hoang mang khi không có vệ sĩ nào của Tổng thống Moise bị thương trong vụ tấn công.
Công tác điều tra cũng gặp khó khăn khi một đám đông phẫn nộ vì cái chết của Tổng thống Moise đã phóng hỏa đốt một số chiếc ôtô có nhiều vết đạn mà họ tin rằng thuộc về các nghi phạm. Những chiếc xe không có biển số, đậu gần tư dinh tổng thống, bên trong một chiếc chứa một hộp đạn rỗng và một ít nước.
Tại một cuộc họp báo hôm 8/7, cảnh sát trưởng Charles kêu gọi người dân bình tĩnh và để cảnh sát điều tra. Ông nói rằng các nhà chức trách sẽ gặp khó khăn khi người dân tiêu hủy bằng chứng, bao gồm cả những chiếc xe đã bị đốt cháy.
Sự bất nhất trong thông tin cũng đến từ những nhân vật cấp cao trong giới chức Haiti. Thủ tướng Joseph ngày 10/7 cho biết Tổng thống Moise đã phải chịu tra tấn trước khi bị giết: "Một nhóm lính đánh thuê đã ập vào tư dinh của tổng thống, tra tấn sau đó sát hại ông ấy".
Tuy nhiên, Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise cùng ngày lại tiết lộ trong một đoạn ghi âm trên Twitter rằng vụ ám sát Tổng thống Moise diễn ra quá nhanh khiến chồng bà "không kịp nói lời nào" trước khi bị bắn chết. Bà Moise có mặt tại hiện trường và bị thương nặng.
Nguy cơ bất ổn gia tăng
Vụ ám sát chưa được điều tra rõ ràng đã làm dấy lên lo ngại về các đợt bùng phát bạo lực ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Chính phủ lâm thời Haiti đã yêu cầu cả Mỹ và Liên Hợp Quốc chi viện binh sĩ để thực thi an ninh tại các điểm cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay và bến dầu.
Nhiều câu hỏi sau cái chết của Tổng thống Moise vẫn chưa được trả lời, như từ khi nào lễ tang của tổng thống được tổ chức, ai sẽ là người kế nhiệm, hay liệu đất nước có chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào tháng 9 không. Sự bất ổn khiến nhiều đường phố ở Port-au-Prince vắng vẻ lạ thường.
Người dân Port-au-Prince đổ xô tích trữ hàng hóa sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Ảnh: Reuters. |
Joseph Lambert, Chủ tịch Thượng viện Haiti, đã tự bổ nhiệm bản thân làm tổng thống lâm thời tiếp theo. Tám thượng nghị sĩ Haiti đã ký một bản ghi nhớ ủng hộ việc bổ nhiệm nói trên. Tuy nhiên, tính chính danh và hợp hiến của quyết định này vẫn chưa được kiểm chứng.
Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre lo sợ ông và các quan chức hàng đầu khác có thể là mục tiêu bị ám sát tiếp theo. Ông lo ngại bản thân sẽ gặp nguy hiểm vì vẫn tiếp tục các chương trình nghị sự được vạch ra bởi tổng thống quá cố.
Ông Moise bị ám sát trong bối cảnh phe đối lập ở Haiti gây áp lực và buộc tổng thống phải chịu trách nhiệm cho tình hình hỗn loạn của nền kinh tế nước này.
Phe đối lập đòi chọn tổng thống từ một trong số các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, thay vì đợi đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 9.
Tổng thống Moise từng khẳng định sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, nhưng ông cho biết bản thân sẽ không từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.