Phiên đấu giá cổ phần cả lô 3,64 triệu cổ phiếu, chiếm 52,43% vốn điều lệ của Công ty CP Du lịch Kim Liên đã diễn ra kịch tính và kết thúc đầy bất ngờ vào ngày 22/12.
Trong buổi đấu giá, 36 nhà đầu tư (19 tổ chức và 17 cá nhân) đưa ra nhiều mức giá khác nhau và mức giá liên tục được đẩy lên cao. Số tiền cuối cùng người thắng cuộc phải bỏ ra lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương 274.200 đồng một cổ phiếu). Mức này gấp gần 9 lần con số khởi điểm là 112 tỷ đồng (30.600 đồng một cổ phiếu).
Phía thắng cuộc đã được nắm quyền chi phối tại Công ty CP Du lịch Kim Liên, đơn vị đang quản lý trực tiếp khách sạn Kim Liên trên khu đất đắc địa 3,5 ha tại trung tâm Hà Nội.
Hiện danh tính chính thức của nhà đầu tư mua số cổ phần trên chưa được các bên công bố. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, đây là một nhà đầu tư tổ chức.
1.000 tỷ đồng để sở hữu khách sạn Kim Liên. " src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/uopuoka/2015_12_23/anh_1.jpg" /> |
Theo nguồn tin riêng của Zing.vn, đơn vị thắng trong buổi đấu giá cổ phần Công ty CP Du lịch Kim Liên là một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: BestPrice. |
Trong số những tổ chức tham gia đấu giá, chỉ có 8/19 đơn vị có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, được cho là đủ tiềm lực tài chính để thâu tóm khách sạn Kim Liên.
Những doanh nghiệp này bao gồm Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist), Tổng công ty Cơ điện lạnh Hà Nội (REE), Văn Phú Invest, Thaigroup, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Tập đoàn Phúc Lộc, GP Invest, Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Tập đoàn Trường Thịnh.
Theo phân tích của giới đầu tư, với vốn điều lệ chỉ dừng ở mức quanh 1.100 tỷ đồng thì Trường Thịnh, Cường Thịnh Thi và GP Invest hầu như không đủ khả năng và tiềm lực để chiến thắng trong cuộc đấu giá này. Trong khi đó, Tập đoàn Xây dựng miền Trung và Tập đoàn Phúc Lộc là những đơn vị tập trung thi công đường quốc lộ đòi hỏi mức đầu tư vốn dài hơi. Do đó, việc doanh nghiệp bỏ cả 1.000 tỷ đồng tiền mặt để sở hữu khách sạn Kim Liên gần như là không thể.
Văn Phú Invest là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng hiện tại Văn Phú cũng đang là chủ đầu tư của rất nhiều dự án khác như KĐT Văn Phú, Home City Trung Kính. Ngoài ra, tháng 7/2015 Văn Phú Invest đã bỏ ra khoảng 700 tỷ đồng để thâu tóm mảnh đất “kim cương” tại 138B Giảng Võ của Trường ĐH Y tế công cộng. Vì vậy, một chuyên gia chứng khoán đưa dự đoán, doanh nghiệp này sẽ không mạo hiểm để chi ra cả nghìn tỷ đồng cho một thương vụ lớn tiếp theo như vậy.
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh được giới đầu tư đánh giá rất cao về tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, việc bỏ ra cả nghìn tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 2.691 tỷ đồng vào một thương vụ như vậy cần phải xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông. Do đó, chuyên gia nói trên bình luận, chuyện không thể quyết trong ngày một, ngày hai được.
Còn lại 2 ứng cử viên nặng ký nhất tham được đồn đoán cho việc chi ra cả nghìn tỷ đồng là Hanoi Tourist và Thaigroup của bầu Thụy.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn tại phiên đấu giá thì mức giá của Hanoi Tourist bỏ ra thấp hơn khá nhiều so với mức giá đấu thành công là 274.200 đồng/cổ phiếu.
Vì vậy, nhà đầu tư đấu giá thành công Khách sạn Kim Liên được dự đoán là Tập đoàn Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy. Vốn điều lệ hiện tại của Thaigroup là 2.500 tỷ đồng.
Bầu Thụy được đánh giá là đại gia táo bạo trong kinh doanh, ông đã từng lấn sân sang lĩnh vực bóng đá, đầu tư vào công ty chứng khoán…Vì vậy, nếu ông sẵn sàng bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để thâu tóm khách sạn Kim Liên cũng không phải là quá bất ngờ.