Hôm 9/8, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo khí hậu dài hàng nghìn trang, trong đó làm rõ hiện trạng và tác động của biến đổi khí hậu với nhân loại.
Là công trình của hàng trăm nhà khoa học trong nhiều năm, báo cáo khẳng định hoạt động của con người đang gây nên cuộc khủng hoảng khí hậu chưa từng có trong lịch sử. Đến lượt mình, cuộc khủng hoảng này lại tác động đến mọi mặt của đời sống con người.
Mối nguy chưa từng có
Con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Mật độ các trận mưa lớn liên tục gia tăng kể từ những năm 1980, ảnh hưởng tới hơn 90% dân số thế giới.
Băng tan khiến nước biển tiếp tục dâng cao, đe dọa sự tồn vong của nhiều khu dân cư ven biển, thậm chí của một số quốc gia. Mật độ oxy trong nước biển đang sụt giảm trong khi độ acid đang có chiều hướng tăng.
Tần suất xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan đang có chiều hướng tăng trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters. |
Lượng khí nhà kính sản sinh từ nhiên liệu hóa thạch, đốt rừng và hoạt động của con người làm thay đổi sự cân bằng trong môi trường sống, điều giúp nền văn minh loài người phát triển trong hàng nghìn năm. Hàm lượng khí carbonic trong không khí đang ở mức cao nhất trong 2 triệu năm qua.
Ít nhất 2.000 năm qua, Trái Đất không nóng lên nhanh như bây giờ.
Ít nhất 3.000 năm qua, mực nước biển không tăng nhanh như ngày nay.
Ít nhất 6.500 năm qua, nhiệt độ Trái Đất không cao như lúc này.
Ít nhất 2 triệu năm qua, nồng độ acid trong nước biển không cao như hiện tại.
Các nhà khoa học nhận định nhiệt độ Trái Đất chắc chắn vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, kể cả khi chúng ta hành động mạnh mẽ ngay từ hôm nay.
Nếu lượng phát thải khí nhà kính không giảm trong 10 năm tới, mức tăng nhiệt độ có thể lên tới 3 độ C. Nếu loài người mất nhiều thời gian hơn, Trái Đất thậm chí có thể nóng lên tới 4-5 độ C.
Khi Trái Đất tiếp tục nóng lên, tự nhiên sẽ dần mất đi khả năng tự hấp thụ khí nhà kính, khiến tình hình thêm tồi tệ. Nếu các biện pháp cắt giảm phát thải được thực hiện nhanh chóng, tỷ lệ hấp thụ của tự nhiên là 70%. Nếu không cắt giảm, tỷ lệ này chỉ còn 40%.
Đáng sợ hơn, một số hệ quả của biến đổi khí hậu không thể đảo ngược. Một khi các lớp băng dày ở Greenland hay phía Tây Nam Cực vỡ ra, con người không thể làm được gì ngoài chống chọi với tác động của nước biển dâng.
Giới khoa học dự báo, từ nay đến năm 2100, nước biển sẽ dâng từ 28 cm đến 100 cm. Tuy vậy, báo cáo nhận định mực nước biển có thể tăng đến 200 cm vào năm 2100 và 500 cm vào năm 2150, nếu chúng ta không hành động.
Tự nhiên có thể không còn là "lá phổi xanh" mạnh mẽ của Trái Đất. Ảnh: Reuters. |
Khí nhà kính đến từ đâu?
Theo nghiên cứu của Trung tâm Rhodium, Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới năm 2019. Nước này chiếm 27% tổng lượng phát thải toàn cầu. Mỹ xếp thứ hai với tỷ lệ 11%, trong khi Ấn Độ lần đầu tiên vượt Liên minh châu Âu (EU) để đứng thứ ba với 6,6%.
Đáng chú ý, năm 2019 là lần đầu tiên lượng phát thải của Trung Quốc vượt qua tổng lượng phát thải của 30 nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy vậy, lượng phát thải khí nhà kính theo đầu người của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhóm OECD (10,1 tấn/người so với 10,5 tấn/người) và thấp hơn nhiều so với Mỹ (17,6 tấn/người).
Về tổng thể, nhu cầu năng lượng của con người (bao gồm nhu cầu về điện, nhiệt và năng lượng cho giao thông vận tải) là nguyên nhân gây ra 73,2% lượng phát thải khí nhà kính, theo Our World in Data.
Trong số đó, lượng khí nhà kính sinh ra từ năng lượng phục vụ công nghiệp chiếm 24,7%, từ giao thông vận tải chiếm 16,2% (riêng đường bộ là 11,9%), trong khi từ hoạt động dân dụng và dịch vụ là 17,5%. Năng lượng phục vụ nông nghiệp và ngư nghiệp chỉ chiếm 1,7% lượng phát thải khí nhà kính.
Tuy vậy, hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất phát thải trực tiếp tới 18,4% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu, biến đây trở thành một trong những tác nhân phát thải lớn nhất. Trong số đó, 5,8% khí nhà kính đến từ lĩnh vực chăn nuôi, 4,1% từ đất, 3,5% từ đốt nương làm rẫy, 2,2% từ chặt phá rừng và 1,3% từ sản xuất lúa gạo.
Khí thải nhà kính trực tiếp từ hoạt động công nghiệp chiếm 5,2%, chủ yếu ở hoạt động sản xuất xi măng và hóa chất. Trong khi đó, các loại chất thải sản sinh ra 3,2% lượng khí thải toàn cầu.
Tuy nhiên, một báo cáo khác của Viện Trách nhiệm Môi trường (Mỹ) năm 2019 cho rằng 20 công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch - với các hoạt động khai thác tài nguyên dầu mỏ, ga và khí đốt - có liên hệ trực tiếp đến 1/3 lượng khí thải nhà kính trong thời hiện đại. Cụ thể, 20 công ty trong nhóm này đã thải ra 480 tỷ tấn CO2 tương đương (GtCO2e) kể từ năm 1965 đến nay.
Lượng khí nhà kính sinh ra từ năng lượng phục vụ công nghiệp chiếm 24,7% tổng lượng phát thải trên thế giới. Ảnh: AP. |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021 sẽ ghi nhận lượng gia tăng phát thải khí nhà kính cao thứ hai trong lịch sử loài người.
IEA dự báo lượng phát thải khí nhà kính sẽ tăng 1,5 tỷ tấn trong năm 2021, tương ứng với khoảng 5% của tổng lượng phát thải 33 tỷ tấn năm 2020. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn những gì ghi nhận khi thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm về trước.
IEA nhận định việc tăng sử dụng than để sản xuất điện là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng này. Sự trở lại của điện than gây ra quan ngại cho các nhà hoạt động môi trường khi giá thành năng lượng tái tạo cũng đang trên đà sụt giảm.
“Bản báo cáo của IPCC đã đánh lên hồi chuông báo tử với than và các loại nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy hoại hành tinh của chúng ta”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.