Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai đang có lợi ích tại dự án treo 14 năm ở quận 2 Sài Gòn?

Dự án liên quan đến lời kêu cứu của rapper Tiến Đạt đã treo hơn 14 năm và từng đổi chủ.

Thu hồi đất từ năm 2004 để làm dự án khu dân cư nhưng dự án vẫn chưa thấy đâu, người dân Thạnh Mỹ Lợi vẫn sống trong cảnh khó khăn và chờ ổn định cuộc sống.

Theo xác nhận từ UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM, dự án Khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi đã được UBND TP.HCM quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong cách đây hơn 14 năm, vào tháng 6/2004.

Từng bị thanh tra vì chậm trễ

Khu vực này được đánh giá rất thuận lợi về giao thông, là cửa ngõ chính của phía đông của TP.HCM, từ đây kết nối với đại lộ Mai Chí Thọ đi qua bán đảo Thủ Thiêm, vào trung tâm thành phố.

Cầu Phú Mỹ cũng giúp kết nối dễ dàng từ quận 2 sang quận 7. Chưa kể đây là một trong những khu đất rộng ít ỏi còn sót lại nằm ngay cạnh sông Sài Gòn và gần trung tâm thành phố.

TP.HCM kỳ vọng sẽ xây dựng ở đây một khu trung tâm đô thị lớn tập trung. Các khu nhà ở cao tầng được bố trí trên các lô đất giáp chân cầu Phú Mỹ và đường vành đai ngoài phía Đông, xung quanh các khu trung tâm đô thị của khu vực này.

TP.HCM cũng dành quỹ đất xây dựng nhà tái định cư (5-15 tầng) tiếp cận với lối vào chính gần khu trung tâm và gắn với cảnh quan công viên kết hợp mặt nước rạch Kỳ Hà.

du an treo 120 ha tai Thanh My Loi anh 1
Lối vào ấp Bình Lợi có nhiều ngôi nhà không có người sinh sống, con đường đã nhiều năm không được tu sửa. Ảnh: Hiếu Công.

Tuy nhiên, sau khi được tạm giao đất, Công ty đầu tư và xây dựng Thanh niên xung phong không thể triển khai dự án. Doanh nghiệp này sau đó đề nghị góp vốn cùng đơn vị khác là Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi để cùng triển khai.

Gần 10 năm sau khi triển khai, tháng 8/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM công bố quyết định thanh tra dự án này. Cơ quan này nhận định dự án 120 ha tại Thạnh Mỹ Lợi đã triển khai gần 10 năm nhưng tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng rất chậm, chưa triển khai đầu tư xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Cũng theo Sở TN&MT, dự án gây lãng phí cho sử dụng đất, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phát sinh việc tranh chấp, khiếu nại gay gắt của các hộ dân.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kiến nghị UBND thành phố cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án và yêu cầu giải phóng mặt bằng xong trong tháng 12/2014.

Gần 4 năm sau thời hạn trên, đến nay, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành giải tỏa mặt bằng. Nhiều hộ dân tại ấp Bình Lợi vẫn chưa được đền bù giải tỏa thỏa đáng. Chủ đầu tư mới chỉ san lấp một phần diện tích nhỏ nằm dọc đường Võ Chí Công, dẫn lên bờ bắc cầu Phú Mỹ.

du an treo 120 ha tai Thanh My Loi anh 2
Khu vực thực hiện dự án vẫn chưa được giải tỏa xong, nhiều hộ dân cho biết họ chưa chấp nhận vì mức bồi thường quá thấp. Ảnh: Hiếu Công.

Trong khi đó, tháng 5/2018, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B của Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi. Dự án được chia thành 10 phân khu khác nhau, với tổng diện tích lần này là 147 ha.

Tiến độ dự án cũng không vì thế mà khả quan hơn. Theo ghi nhận của Zing.vn, đến tháng 9, dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc san lấp mặt bằng ở khu vực dự kiến dành cho tái định cư. Tuy nhiên, tại khu vực này, có một số gia đình không chấp nhận giá đền bù quá thấp mà chủ đầu tư và chính quyền đưa ra.

Suốt 14 năm dự án trên giấy, theo lời ông Đặng Duy Tâm, người dân ở đây vì đợi được tái định cư mà phải sinh cảnh bần hàn, bán nhà chuyển đi nơi khác. 

“Dân cả ấp này mong dự án triển khai nhưng đến khi nào thì chúng tôi đâu biết được. Cả chục năm qua chờ đợi rồi, vị trí vàng nhưng dân khổ đến khi nào?”, anh Tâm tâm sự.

Vấn đề dự án chậm triển khai tại Thạnh Mỹ Lợi cũng gây bức xúc trong dư luận và nhiều lần được nhắc đến trong các lần tiếp xúc cử tri. Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội khóa XIII sau kỳ họp lần thứ 7, UBND quận 2 cho biết việc thực hiện công tác bồi thường phần diện tích còn lại của dự án tại Thạnh Mỹ Lợi gặp khó khăn.

du an treo 120 ha tai Thanh My Loi anh 3
Phối cảnh khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi trong tương lai. 

Tại thời điểm năm 2014, UBND TP.HCM chưa điều chỉnh pháp lý thu hồi đất cho chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi cũng như xác định ranh thu hồi và giao đất của dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B.

Quận 2 cũng cho biết một cách chung chung rằng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường khu tái định cư của dự án để giải quyết nhu cầu bố trí tái định cư của các hộ dân trong dự án.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đoàn Phước Lượng, Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, thừa nhận việc triển khai dự án khu dân cư trên địa bàn còn chậm. Vị này cho biết hiện mới chỉ có 80% hộ dân đã đồng ý phương án bồi thường giải tỏa, còn lại khoảng 20% hộ vẫn chưa giải tỏa hết.

Ông Lượng còn cho biết khu đất dành cho tái định cư nằm gần cầu Phú Mỹ vẫn chưa được giải tỏa xong, do đó nhiều hộ dân đồng ý di dời vẫn chưa thể đến nơi ở mới. Một trong những khu vực vẫn chưa giải tỏa là lô đất của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt. 

Chủ đầu tư của dự án treo Thạnh Mỹ Lợi là ai?

Hơn 14 năm trước, dự án Thạnh Mỹ Lợi được giao cho Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong.

Năm 2011, doanh nghiệp này xin phép UBND TP.HCM được thành lập doanh nghiệp cổ phần mang tên Thạnh Mỹ Lợi để tiếp tục dự án và được chấp thuận. Doanh nghiệp này có sự tham gia của 2 đối tác là Công ty dịch vụ và thương mại Mesa (Mesa Group), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đại Phước.

Trong đó, Mesa Group do bà Lưu Thị Tuyết Mai là người sáng lập và nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Doanh ngiệp hoạt động trong các lĩnh vực phân phối bán lẻ, nhà hàng, ẩm thực, bất động sản, viễn thông... Bà Lưu Thị Tuyết Mai cũng là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi.

du an treo 120 ha tai Thanh My Loi anh 4
Quy hoạch các phân khu của khu vực Thạnh Mỹ Lợi B. 

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Tập đoàn Novaland là đơn vị đứng sau dự án trên đất vàng này. Theo hồ sơ niêm yết của Novaland, tập đoàn đang sở hữu 99,9% cổ phần trong một dự án chưa được tiết lộ mang tên Dự án C ở khu đông TP.HCM.

Đây là dự án có giá trị lớn nhất trong quỹ đất của Novaland từ trước đến nay. Dự án căn hộ có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 104 ha. Hồ sơ của Novaland cũng cho biết vào thời điểm ngày 31/3/2016, dự án này được định giá là 8.550 tỷ đồng.

Dự án được mô tả trong hồ sơ niêm yết là một trong những khu đất trống. Doanh nghiệp cũng lưu ý trong hồ sơ tỷ lệ 99,9% sở hữu là con số mong muốn.

Thông tin rầm rộ trước thời điểm lên sàn nhưng sau đó Novaland không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về dự án này. 

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nói cho biết Novaland đã rót vốn vào dự án Thạnh Mỹ Lợi rộng 120 ha đã bị treo 14 năm qua, mà một phần khu đất hiện do gia đình rapper Tiến Đạt sở hữu. 

du an treo 120 ha tai Thanh My Loi anh 5

Bãi đất đã tiến hành san lấp mặt bằng để làm khu tái định cư ngay chân cầu Phú Mỹ vẫn chưa giải tỏa xong, những gia đình đồng ý di dời vẫn chưa nhận được đất để ổn định cuộc sống. Ảnh: Hiếu Công.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Novaland xác nhận việc doanh nghiệp này có liên quan đến dự án phát triển trên khu đất trong đó có phần đất do gia đình rapper Tiến Đạt sở hữu. Vị này cho biết Novaland liên quan thông qua các hợp đồng rót vốn, M&A.

Từ chối cung cấp thêm chi tiết về việc góp vốn của Novaland trong dự án khai thác quỹ đất Thạnh Mỹ Lợi, tuy nhiên đại diện này nhắc đến tên bà Lưu Thị Tuyết Mai, Chủ tịch HĐQT của Mesa Group, khi trao đổi về vụ việc của gia đình nghệ sĩ Tiến Đạt. 

Một động thái có liên quan là hồi tháng 2 năm nay, Novaland góp vốn gần 100 tỷ đồng cùng đối tác thành lập Công ty Thạnh Mỹ Lợi 234, do bà Dương Hồng Cẩm là người đại diện pháp lý. Doanh nghiệp này được cho là để bắt tay khai thác một phần quỹ đất tại khu vực khu Đông Sài Gòn.

Vừa qua, Novaland cũng đã góp thêm gần 5.500 tỷ đồng vào Công ty cổ phần địa ốc No Va Mỹ Đình. Một số nguồn tin cho biết No Va Mỹ Đình có nhiều quyền lợi tại dự án tại Thạnh Mỹ Lợi.

Rapper Tiến Đạt: 'Tiền đền bù đất không đủ cho tôi mua cánh cửa' Rapper Tiến Đạt cho rằng số tiền chủ dự án đền bù đất cho gia đình không đủ để anh mua một cánh cửa.

Lời kêu cứu của rapper Tiến Đạt và dự án treo 14 năm ở quận 2 Sài Gòn

Giữa tháng 8, trên mạng xã hội lan truyền video từ trang cá nhân của nghệ sĩ Tiến Đạt cùng lời mô tả “đến lượt rapper Tiến Đạt trở thành dân oan”.


Hiếu Công - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm