Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Ai dám tự tin làm tốt hơn Ole Solskjaer tại MU?

Những quan điểm chê bai Ole Solskjaer vẫn tồn tại nhưng không phải ai cũng hiểu áp lực tại Old Trafford lớn ra sao, và nhà cầm quân người Na Uy đã chinh phục chúng như thế nào.

Những quan điểm chê bai Ole Solskjaer vẫn tồn tại nhưng không phải ai cũng hiểu áp lực ở Old Trafford lớn ra sao, và nhà cầm quân người Na Uy đã chinh phục chúng như thế nào.

Sau khi đưa Manchester United cán đích Premier League ở vị trí thứ ba, Ole Gunnar Solskjaer tỏ rõ sự hài lòng: “Việc chơi bóng tại Manchester United là không hề dễ dàng. Hãy thử đọc báo mà xem: toàn những điều ‘bla, bla, bla’. Chúng tôi được dự đoán sẽ kết thúc ở vị trí thứ sáu, nhưng rồi chúng tôi vẫn về thứ ba. Chính những chỉ trích ấy đã khiến tôi mạnh mẽ hơn. Làm ơn đừng khen ngợi tôi nhiều quá để khiến tôi tự mãn”.

Câu trả lời giống như lời phản kháng của Solskjaer đối với những người đã không tin tưởng ông. Trong hơn một năm nắm quyền tại Manchester United, Solskjaer đã vấp phải đủ những hoài nghi từ truyền thông lẫn gièm pha từ người tiền nhiệm. Nhưng chí ít đến lúc này, họ đang ra dáng một đội bóng nhất kể từ sau khi Sir Alex Ferguson giải nghệ.

Đó cũng có thể xem là điểm mù trong cuộc chinh phục của nhà cầm quân người Na Uy: Ông vẫn đang làm tốt công việc của mình, nhưng tất cả chỉ chọn cách nhìn vào phần kia của cốc nước vơi mà đặt mọi thành tựu Ole đang tạo ra vào điểm mù.

Ai làm tốt hơn Solskjaer?

Để đánh giá thành quả ngày hôm nay, có thể so sánh Solskjaer với ba HLV tiền nhiệm - những người đều từng bình luận về Solskjaer một cách thiếu thiện chí. Chẳng đâu xa, mới đây David Moyes đã lên tiếng như thể oán than cách Manchester United đối xử với ông sáu năm trước.

Trước khi đụng độ MU ở vòng áp chót Premier League, HLV West Ham đăng đàn khẳng định: “Ole đã có một khởi đầu khó khăn. Sự khác biệt duy nhất giữa tôi và Ole là anh ấy được trao nhiều thời gian hơn tôi”. Đó là một nhận định... hoàn toàn sai lầm.

Thứ nhất là việc "Ole có một khởi đầu khó khăn". Trái lại, khi lên thay Jose Mourinho vào tháng 12/2019, Solskjaer đã thắng tám trận đầu liên tiếp, tổng cộng 14/17 trận đầu tiên và thậm chí còn lập kỷ lục Premier League về số điểm một HLV giành được trong 10 trận đầu tiên.

Những gì Solskjaer đem tới là hy vọng về một sự hồi sinh của Quỷ đỏ, đặc biệt là sau chiến thắng oanh liệt 3-1 trước Paris Saint-Germain tại vòng 16 đội Champions League 2018-19. Người hâm mộ Quỷ đỏ đều nhớ không khí đầu năm 2019 ra sao, và Rio Ferdinand đã kêu gọi "trao ngay hợp đồng chính thức" cho HLV tạm quyền Solskjaer như thế nào.

Người duy nhất có khởi đầu khó khăn ở đây là Moyes, người chỉ thắng tám trong 17 trận đầu tiên. Tháng 4/2014, MU tuyên bố sa thải Moyes chỉ sau 10 tháng dẫn dắt, sau khi MU chính thức không còn cơ hội dự Champions League mùa sau đó.

Đây là một thành tích đáng hổ thẹn đối với đội bóng lúc bấy giờ vẫn đang là đương kim vô địch Premer League với nguyên dàn trụ cột Robin Van Persie, Wayne Rooney hay David De Gea. Từ "Người được chọn", Moyes trở thành "Lựa chọn sai lầm" như cách cổ động viên thuê máy bay chạy banner mỉa mai.

Theo Daily Mail, tỷ lệ chiến thắng của Moyes tại MU là 52,94%, chỉ thua kém chút đỉnh so với tỷ lệ 54,12% của Solskjaer. Nhưng nếu như Moyes được thừa hưởng một đội hình vừa vô địch nước Anh thì Solskjaer phải xắn tay xây dựng lại đội bóng "thiếu trên, hụt dưới" và bất ổn trong phòng thay đồ.

Thành tích của Solskjaer với các đội bóng lớn tại Premier League cũng khả quan hơn Moyes – người để thua Liverpool và Manchester City cả hai lượt, bị West Brom, Newcastle, Everton và Tottenham Hotspurs đánh bại trên sân nhà.

Về mặt chuyển nhượng, Moyes xếp dưới Solskjaer một bậc. Suốt cả mùa hè 2013, Moyes đã đàm phán để đưa những ngôi sao Gareth Bale, Toni Kroos và Cesc Fabregas về sân Old Trafford. Nhưng rốt cuộc, chẳng ai về khoác áo MU và bản hợp đồng duy nhất mùa hè đó của Moyes là cậu học trò cũ tại Everton Marouane Fellaini - người được nhớ tới bởi chiều cao, cái đầu xù và sự nhiệt huyết nhiều hơn khả năng chơi bóng.

Sau quãng khởi đầu thảm hoạ, Moyes buộc phải chữa cháy vào kỳ chuyển nhượng mùa đông với bản hợp đồng kỷ lục của Manchester United vào thời điểm đó là Juan Mata. Dù là một thương vụ thành công như Fellaini, song Mata cũng chỉ dừng lại ở mức khá và hiếm khi thể hiện được sự xuất sắc như trong màu áo Chelsea.

Trong khi đó, cả năm bản hợp đồng Daniel James, Aaron Wan-Bissaka, Harry Maguire, Odion Ighalo và đặc biệt là Bruno Fernandes của Solskjaer đều phát huy tác dụng.

Dù chưa thực sự tương xứng với cái giá 80 triệu bảng, Maguire vẫn là trung vệ tốt nhất MU và được trao băng đội trưởng chỉ sau vài tháng có mặt tại Old Trafford. Wan-Bissaka là hậu vệ cánh phải thuộc nhóm đầu Premier League, Ighalo và James là những cầu thủ xoay tua hữu dụng trong khi Fernandes là người xoay chuyển cả mùa giải của MU.

Về thuật thu phục lòng người, Solskjaer cũng trên tài Moyes. Cựu HLV Everton khiến các cựu binh MU mếch lòng bởi những hành động như chỉ công bố đội hình ra sân trước khi ra trận khiến các cầu thủ "hồi hộp, băn khoăn cả ngày như muốn phát điên". Điểm sáng hiếm hoi về nhân sự của Moyes có lẽ việc phát hiện cầu thủ trẻ Adnan Januzaj – người giờ đây cũng đã rời khỏi MU.

Trong khi đó, Solskjaer phải tiếp quản một phòng thay đồ với bầu không khí nặng nề dưới thời Jose Mourinho. Theo một nguồn tin nội bộ MU, rất nhiều trụ cột MU mâu thuẫn với Mourinho và thông tin ông bị sa thải đem lại sự nhẹ nhõm.

Những tháng cuối tại sân Old Trafford của “Người đặc biệt” gắn liền với chuỗi những đồn đoán về mâu thuẫn với Anthony Martial và Paul Pogba, cũng như những lời than phiền về việc không được mua sắm như ý muốn.

Giai đoạn hậu Mourinho ghi nhận sự khởi sắc của nhiều cầu thủ MU. Solskjaer dẹp yên phòng thay đồ và chia tay những cầu thủ không còn muốn cống hiến hay phù hợp để chơi cho MU như Romelu Lukaku, Alexis Sanchez, Ashley Young hay Chris Smalling.

Pogba từ vị thế nhấp nhổm chuyển đến Real Madrid hoặc Juventus dường như cũng đã bị Solskjaer thuyết phục. Cầu thủ người Pháp trở lại sân cỏ sau quãng thời gian nghỉ vì chấn thương cũng như đại dịch Covid-19 và tạo nên sự phối hợp ăn ý với Bruno Fernandes.

Phát biểu mới đây của Pogba về việc tận hưởng niềm vui chơi bóng trở lại có thể xem như thành quả của Solskjaer: “Bạn có thể thấy đội bóng đang cải thiện rất nhiều. Chúng tôi chơi tập thể hơn, tận hưởng bóng đá hơn, cùng nhau phòng ngự, cùng nhau tấn công và mạnh hơn trước đây. Ngay cả các cầu thủ dự bị không được vào sân nhiều vẫn đóng góp cho đội bóng.

Tâm lý của cả đội đều rất tốt và giúp chúng tôi có được vị trí ngày hôm nay. Tôi rất thích xem Bruno, Rashford, Martial và Mason chơi bóng và ghi bàn. Không thể ngừng vỗ tay thán phục trước vẻ đẹp mà họ tạo ra. Họ khiến tôi được tận hưởng bóng đá”.

Khó có thể tưởng tượng được một phát ngôn tương tự từ Pogba 18 tháng trước, khi Mourinho còn tại vị. Không chỉ vượt qua Moyes về nhiều mặt và được lòng phòng thay đồ hơn Mourinho, Solskjaer còn mang lại nhiều cảm xúc hơn hẳn trong lối chơi so với Louis Van Gaal.

Thời gian đầu HLV người Na Uy lên nắm quyền, Van Gaal từng trả lời phỏng vấn: “HLV sau tôi (Mourinho) chơi chiến thuật ‘dựng xe buýt’ và chơi phản công. Và giờ một HLV khác lại chơi tương tự. Khác biệt duy nhất giữa Mourinho và Solskjaer là Solskjaer giành chiến thắng. Tuy nhiên, thứ bóng đá MU đang chơi không phải là thứ bóng đá của Ferguson”.

Có một quãng thời gian hàng công của MU thể hiện sự bế tắc, song điều này đã được thay đổi với ngòi nổ Bruno Fernandes. Tới thời điểm hiện tại, cả Martial và Rashford đều đã có cho mình hơn 20 bàn, trong khi phát hiện mới của Solskjaer là Mason Greenwood cũng chỉ kém cột mốc trên ba bàn.

Và xét về mặt hiệu quả tấn công, MU mùa giải trọn vẹn đầu tiên với Solskjaer ghi được tổng cộng 66 bàn tại Premier League, xếp trên MU của Van Gaal trong cả hai mùa 2014-15 (62 bàn) lẫn 2015-16 (49 bàn).

Đường dài còn phía trước

Một năm rưỡi nắm quyền Manchester United của Ole Gunnar Solskjaer không phải chỉ toàn màu hồng. Giai đoạn thất vọng cuối mùa giải 2018-19 hay sự bất ổn từ tháng 12/2019 cho tới khi có được Bruno Fernandes cho thấy MU vẫn cần nhiều điều phải làm.

Ngay cả ở cuối mùa giải này, Solskjaer cũng gần như phải giữ nguyên đội hình ra sân trong mọi trận đấu do thiếu sự thay thế tương xứng. Những bước chạy của nhiều trụ cột MU uể oải như thể “hết pin”, khiến đội trưởng Maguire cũng phải thừa nhận “chúng tôi đá ba phút lại phải nghỉ một phút”. Bản thân Maguire dù mắc một số sai lầm sau khi nghỉ dịch vẫn cày ải không ngừng và là người đầu tiên của MU không phải thủ môn chơi đủ 38 trận Premier League kể từ Gary Pallister của mùa giải 1994-95.

Bên cạnh việc tinh lọc đội ngũ với những cầu thủ không có nhiều đóng góp như Phil Jones hay Marcos Rojo, MU cần tiếp tục đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng. Họ cần bổ sung một trung vệ có tốc độ đá cặp cùng Maguire khi Victor Lindelof và Eric Bailly đều thiếu đi sự ổn định cần thiết, một tiền vệ trụ dần thế chỗ Nemanja Matic đã 32 tuổi và một cầu thủ chạy cánh phải chất lượng.

Không phải ngẫu nhiên mà các mục tiêu tin đồn chuyển nhượng của MU xoay quanh Kalidou Koulibaly, Declan Rice, Wilfred Ndidi và Jadon Sancho – những cầu thủ chơi đúng những vị trí MU đang cần bổ sung.

Theo cựu danh thủ Gary Neville, MU cần bỏ ra ít nhất 170 triệu bảng cho kỳ chuyển nhượng hè sắp tới để nâng cấp đội hình. Chỉ cần ba trong số bốn cái tên kể trên cũng có thể ngốn hơn khoản tiền đó, bởi mục tiêu hàng đầu Jadon Sancho đang được Dortmund hét giá 110 triệu bảng. Đó là chưa kể tới những vị trí dự phòng cho hậu vệ trái và tiền đạo, hay bài toán thủ môn nếu David De Gea tiếp tục đánh mất phong độ như hai mùa giải trở lại đây.

Solskjaer cần tính trước kịch bản sẽ không thể có được toàn bộ những mục tiêu dự kiến bởi sự khan hiếm của thị trường chuyển nhượng cũng như tình hình tài chính bị ảnh hưởng do Covid-19. Và ngay cả khi có được Sancho hay gọi về Dean Henderson, Solskjaer sẽ phải đối đầu với những câu hỏi hóc búa mới: Sử dụng tài năng trẻ Greenwood ra sao để anh tiếp tục phát triển mà không bị thui chột?

Tin dùng Henderson hay công thần hưởng lương cao bậc nhất đội De Gea? Đó là lý do tại sao Gary Neville nhận định Solskjaer cần "có sự tàn nhẫn" khi đưa ra các quyết định.

Và ngay cả khi Ole Gunnar Solskjaer đã vượt qua được những người tiền nhiệm ở một vài khía cạnh, đến giờ này ông vẫn trắng tay về danh hiệu. Moyes có được siêu cúp nước Anh, Van Gaal giành cúp FA trong khi Mourinho có siêu cúp Anh, League Cup và Europa League trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt MU.

Việc có được vị trí thứ ba và một suất dự Champions League chỉ là yêu cầu tối thiểu với đội bóng có bề dày lịch sử, thương hiệu và giá trị thương mại trên toàn cầu lớn như Manchester United.

Mùa giải này chưa hẳn đã khép lại với Solskjaer và các học trò, khi họ vẫn còn cơ hội tại đấu trường Europa League với một nhánh đấu tương đối dễ thở. Chức vô địch Europa League sẽ là cái kết mỹ mãn cho mùa giải của MU, nhưng những cổ động viên lâu năm của Quỷ đỏ chắc chắn kỳ vọng hơn thế.

Europa League dù sao cũng chỉ là đấu trường hạng hai của châu Âu, và tầm vóc MU cần được cạnh tranh tại Champions League cũng như thi đấu vì chức vô địch Premier League. Chỉ tại đấu trường trong nước thôi, việc bắt kịp hai HLV đang ở đỉnh cao Jurgen Klopp và Pep Guardiola đã là chuyện khó khăn chứ chưa nói tới những anh tài châu Âu như "chân mệnh thiên tử" Zinedine Zidane.

Chỉ cần điểm qua thôi cũng thấy một núi công việc Solskjaer và các cộng sự phải đối mặt trong thời gian tới. Chiếc ghế huấn luyện của ông vẫn vững đến thời điểm này, nhưng chỉ cần một vài kết quả không tốt thôi, những HLV có tài và đang thất nghiệp như Mauricio Pochettino và Max Allegri sẽ được truyền thông nhắc đến.

Mới đây, BLV Craig Burley của ESPN đã kêu gọi sa thải ông bởi "MU không hề tiến bộ so với một năm trước và đứng thứ ba ở thời điểm Spurs, Arsenal vô vọng trong khi Chelsea bị cấm chuyển nhượng".

Đó là một ý kiến cực đoan, bởi ít nhất đến thời điểm này, MU của Solskjaer vẫn đang đi đúng hướng. Nhưng đã tới lúc những kỳ vọng được đặt cao hơn. Để sống sót và thành công tại Old Trafford, Solskjaer cần sự cương quyết của người thầy huyền thoại Ferguson - nhà cầm quân đã trực tiếp dìu dát ông 11 năm khi còn là cầu thủ. Vậy Solskjaer - người có gương mặt được ví như "trẻ thơ" - có hiền lành và nhu nhược hay không?

Chắc chắn là không, nếu nhìn vào cách ông lạnh lùng tống khứ những cầu thủ không nằm trong kế hoạch, liều lĩnh đặt niềm tin vào Greenwood và không mua tiền đạo mới hay công khai phẫn nộ với Jesse Lingard sau một pha bóng hỏng trận gặp Manchester City.

Trong giờ nghỉ "Cooling-break" trận MU gặp Bournemouth, Solskjaer đã trao cho Harry Maguire ánh nhìn chết chóc tựa ông trùm Michael Corleone trong "Bố Già" nhìn địch thủ, sau khi trung vệ này để đối phương xỏ háng và ghi bàn mở tỷ số. Đừng quên rằng, đứng trước chữ "Gương mặt trẻ thơ" trong biệt danh của Solsa là "Sát thủ".

Thầy trò Solskjaer mơ về danh hiệu khi có vé dự Champions League Sau khi thắng Leicester 2-0 ở vòng cuối Premier League hôm 26/7, HLV Ole Solskjaer và trung vệ Harry Maguire của MU cùng chia sẻ tham vọng nâng cúp trong thời gian tới.

6 điều HLV Solskjaer cần làm để đưa MU trở lại đỉnh cao

Vị trí thứ 3 khi Premier League hạ màn là thành công lớn của Man Utd mùa này, song thầy trò HLV Ole Solskjaer không được phép ngủ quên trên chiến thắng.

MU đạt thỏa thuận mua Sancho với giá kỷ lục

Truyền thông xứ sở sương mù cho biết Man Utd tiến sát việc sở hữu ngôi sao Jadon Sancho từ Dortmund.

Thịnh Joey

Bạn có thể quan tâm