Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai đã ám sát ông Abe và tại sao?

Ở quốc gia vốn rất hiếm khi xảy ra bạo lực súng đạn như Nhật Bản, việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn dẫn tới tử vong làm dấy lên những câu hỏi lớn về người xả súng và động cơ.

Shinzo Abe, người có tầm ảnh hưởng vượt xa một cựu thủ tướng, bị ám sát ở tuổi 67 hôm 8/7.

Dẫn nguồn tin từ quan chức đảng cầm quyền LDP, NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe đã tử vong tại bệnh viện ở tỉnh Nara. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản - dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu - bị ám sát kể từ thập niên 1930.

Shinzo Abe bi am sat anh 1

Khẩu súng xuất hiện trên tay nghi phạm trong bức ảnh tại hiện trường cho thấy dấu hiệu nó được lắp ghép. Nghi phạm khai với cảnh sát rằng hung khí được sử dụng trong vụ ám sát ông Abe là một khẩu súng tự chế. Ảnh: AP.

Chuyện gì đã xảy ra?

Ông Abe vừa bắt đầu bài phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía tây Nhật Bản hôm 8/7 thì bị bắn từ phía sau, ở khoảng cách 3 m. Tay súng mặc áo thun màu xám, quần kaki và đeo khẩu trang.

Trong một video do nhân chứng quay lại tại hiện trường và được Asahi công bố, cựu thủ tướng không ngã gục sau phát súng đầu tiên. Có thể thấy khói bốc lên từ khẩu súng.

Tay súng là ai?

Nghi phạm ám sát được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường. NHK đưa tin Yamagami từng là thành viên lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong giai đoạn 2002-2005.

Tay súng nói gì?

Lời khai của nghi phạm đang cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn.

Đài NHK đưa tin cảnh sát cho biết sau khi bị bắt giữ, Yamagami khai rằng ông ta “thất vọng” với ông Abe và lên kế hoạch giết cựu thủ tướng. Tuy nhiên, nghi phạm lại khẳng định rằng không tấn công ông Abe vì niềm tin chính trị.

Nghi phạm cũng nói thêm ông ác cảm với một tổ chức cụ thể và tin rằng ông Abe nằm trong tổ chức này, theo cảnh sát Nara.

Trong khi đó, báo Mainichi đưa tin Yamagami khai với cảnh sát rằng mục tiêu ông ta nhắm tới không phải ông Abe. Nghi phạm khẳng định mục tiêu thực sự là thủ lĩnh một nhóm tôn giáo (tên cụ thể chưa được công bố). Tuy nhiên, quan chức thuộc nhóm tôn giáo mà nghi phạm nhắc tới không có mặt ở hiện trường ở thành phố Nara trong vụ ám sát ngày 8/7.

Ngoài ra, nghi phạm cũng cung cấp những lời khai vô nghĩa khác. Nhà chức trách đang điều tra để xác nhận nghi phạm có đủ năng lực hành vi để bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Tay súng dùng vũ khí gì?

Cảnh sát Nhật Bản ngày 8/7 thông tin nghi phạm Yamagami khai rằng ông đã sử dụng một khẩu súng tự chế trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe, AFP đưa tin.

Cảnh sát ở thành phố Nara nói với các phóng viên rằng khẩu súng rõ ràng là tự chế và họ đang tiếp tục phân tích.

Trước đó, các nhà chức trách đã thu được một khẩu súng hai nòng tự chế tại hiện trường. Một bức ảnh chụp cận cảnh vũ khí vụ ám sát trên nền đường cho thấy dấu hiệu khẩu súng được lắp ráp.

Nhật Bản vốn có chính sách kiểm soát súng rất chặt chẽ và là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất trong các nước thuộc nhóm G7.

Lần gần nhất một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật Bản bị bắn là cách đây 90 năm.

Cảnh sát đang làm gì?

Cảnh sát Nhật Bản ngày 8/7 khám xét nhà ở của nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Abe, đài truyền hình NHK cho hay.

Theo các đoạn phim được NHK công bố, cảnh sát mặc áo giáp, đội mũ phòng hộ và mang theo lá chắn bảo hộ xông vào một tòa nhà được cho là nơi ở của nghi phạm.

Cảnh sát đã phát hiện ra thứ mà họ tin là chất nổ khi khám xét nhà nghi phạm. BBC dẫn tin từ phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết cảnh sát cũng phát hiện ra một số thiết bị có thể gây nổ. Đài truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin các kỹ thuật viên xử lý bom đang chuẩn bị thực hiện một vụ nổ có kiểm soát trong khuôn viên ngôi nhà.

Các bác sĩ nói gì?

Giáo sư chuyên ngành cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Nara Hidetada Fukushima cho biết ông Abe có hai vết thương cách nhau 5 cm ở vùng cổ. Bên cạnh đó, một viên đạn đã đi trúng vào tim của ông. Tuy các bác sĩ đã truyền máu khẩn cấp cho ông Abe nhưng đã không thể cầm máu kịp thời cho các vết thương của ông.

Các bác sĩ cho biết tuy ông Shinzo Abe không còn dấu hiệu sự sống khi tới bệnh viện ngày 8/7, các nhân viên y tế vẫn tiến hành quy trình hồi sức cấp cứu.

"Ông Shinzo Abe được chuyển tới bệnh viện vào lúc 12h20. Khi tới nơi, ông Abe đã ở trong trạng thái ngừng tim phổi" giáo sư Fukushima thông tin trong cuộc họp báo tại bệnh viện ở Nara.

Vị bác sĩ nói thêm rằng ông Abe có hai vết thương nặng ở vùng ngực và bị chảy máu trong. Ông Abe sau đó được xác nhận đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương).

Các lãnh đạo thế giới tiếc thương

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông đã cầu nguyện để ông Shinzo Abe có thể vượt qua nguy kịch, nhưng lại đón nhận tin người tiền nhiệm qua đời.

"Tôi đã cầu nguyện các bác sĩ có thể cứu sống ông ấy, nhưng sau đó lại hay tin ông Abe qua đời. Đây là điều rất đáng buồn. Tôi không nói nên lời. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành và cầu chúc linh hồn ông được an nghỉ", Thủ tướng Kishida nói ngày 8/7.

Thủ tướng Kishida cho biết ông rất tôn trọng những di sản của người tiền nhiệm Abe. Ông xem ông Abe là một người bạn quan trọng đã song hành một thời gian dài cùng nhau. “Ông Abe điều hành đất nước này bằng tài lãnh đạo tuyệt vời”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của ông Abe. Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới chính phủ, nhân dân Nhật Bản và gia quyến ông Abe.

Thủ tướng cũng bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ông Abe dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông "choáng váng, tức giận và đau buồn" trước cái chết của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

“Trên tất cả, ông Abe quan tâm sâu sắc đến người dân Nhật Bản và cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ họ. Ngay cả tại thời điểm ông ấy bị tấn công, ông ấy vẫn tham gia vào công việc của nền dân chủ”, ông Biden viết trong một tuyên bố, theo CNN.

“Trong khi có nhiều chi tiết mà chúng tôi chưa biết, chúng tôi biết rằng các cuộc tấn công bạo lực không bao giờ được chấp nhận và bạo lực súng đạn luôn để lại vết sẹo sâu cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Mỹ sát cánh cùng Nhật Bản trong thời khắc đau buồn này. Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông ấy”.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ rằng bà rất sốc khi nghe tin ông Abe bị ám sát. Nữ lãnh đạo nói: "Ông ấy là một trong những lãnh đạo đầu tiên tôi gặp chính thức khi được bầu. Ông ấy tận tụy với công việc, hào phóng và tốt bụng".

"Ông ấy đã hỏi thăm tôi khi gia đình mất một con thú cưng, đó là cử chỉ nhỏ nhưng cho thấy sự tốt bụng của ông ấy. Tôi xin cầu nguyện cho gia đình ông và người dân Nhật Bản".

Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi điện chia buồn tới gia đình ông Abe, trong đó ca ngợi cựu thủ tướng Nhật là "chính khách xuất chúng", người đã đóng góp rất lớn phát triển "quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước chúng ta", theo AFP.

"Tôi chúc gia đình sức mạnh và lòng dũng cảm để vượt qua nỗi mất mát không thể bù đắp này", ông Putin viết trong điện tín.

Trong khi đó, Điện Kremlin ca ngợi cựu Thủ tướng Abe là "một nhà ái quốc" sau khi thông tin ông Abe qua đời được xác nhận.

"Chúng tôi đau buồn tột độ trước tin tức từ Nhật Bản. Ông Abe thực sự là một người yêu nước”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ngay sau khi bệnh viện xác nhận cựu Thủ tướng Abe đã qua đời, AFP đưa tin.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trải lòng: “Ông Abe là một người bạn tốt của Singapore. Tôi chỉ vừa mời ông ấy ăn trưa hồi tháng 5 trong chuyến thăm Tokyo”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước Anh sát cánh bên Nhật Bản trong thời khắc đen tối khi cựu Thủ tướng Abe qua đời.

"Đây là một tin rất buồn về ông Shinzo Abe. Khả năng lãnh đạo toàn cầu của ông ấy sẽ được rất nhiều người ghi nhớ. Tôi xin chia buồn với gia đình, bạn bè của ông Abe cũng như người dân Nhật Bản", Thủ tướng Johnson cho biết.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông "buồn và chấn động" trước thông tin cựu Thủ tướng Abe qua đời. Nhà lãnh đạo khẳng định nước Đức đoàn kết bên Nhật Bản "trong thời khắc khó khăn này".

Ngày rúng động của nước Nhật vì cái chết của ông Shinzo Abe Vụ ám sát một cựu thủ tướng có ảnh hưởng lớn như ông Shinzo Abe, và tại một đất nước với tỷ lệ bạo lực súng đạn thấp như Nhật Bản đã tạo nên một cơn "địa chấn" đối với người dân.

Thư nước Nhật: 'Chị ơi, em bật khóc khi nghe tin ông Abe qua đời'

“Cả nước Nhật sẽ thương nhớ ông Shinzo Abe”, bạn bè và đồng nghiệp của tôi ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ.

Cuộc đời của ông Abe qua ảnh

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị, trở thành thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất với tầm ảnh hưởng vượt quá hai nhiệm kỳ của ông.

An Bình - Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm