Khoa học chỉ là một phương tiện để tiếp cận đến tri thức về tự nhiên, xã hội và thực tại tâm lý. Nghệ sĩ sáng tạo, triết gia, nhà văn, hay thậm chí là thợ đào mương, cũng có thể là người khám phá ra chân lý, và cũng cần được khuyến khích nhiều như nhà khoa học.
Họ không nên được coi là loại trừ lẫn nhau hay thậm chí không nhất thiết phải tách biệt với nhau. Nhà khoa học, đồng thời là một nhà thơ, triết gia, và thậm chí là một người mơ mộng, gần như chắc chắn là một người tiến bộ so với các đồng nghiệp gò bó hơn của mình.
Nếu chúng ta được chủ nghĩa đa nguyên tâm lý này dẫn dắt để nghĩ về khoa học như một tập hợp các tài năng, động cơ và sở thích đa dạng, thì ranh giới giữa nhà khoa học và người không nghiên cứu khoa học sẽ trở nên mờ nhạt.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Vika Glitter/Pexels. |
Nhà triết gia về khoa học bận rộn với việc phê bình và phân tích các khái niệm của khoa học chắc chắn là gần gũi với nhà khoa học cũng quan tâm đến lý thuyết thuần túy, hơn là nhà khoa học công nghệ thuần túy.
Nhà viết kịch hay nhà thơ trình bày một lý thuyết có tổ chức về bản chất con người chắc chắn là gần gũi với nhà tâm lý học hơn là giữa nhà tâm lý học và kỹ sư. Sử gia khoa học có thể là một nhà sử học hoặc một nhà khoa học, điều đó không quan trọng.
Nhà tâm lý học lâm sàng hoặc bác sĩ, người nghiên cứu sâu một ca bệnh cụ thể, có thể nhận được nhiều thông tin quý từ một tiểu thuyết gia hơn là từ những đồng nghiệp thực nghiệm và lý thuyết hóa của họ.
Tôi thấy không có cách nào để phân biệt rõ ràng các nhà khoa học với những người không phải là nhà khoa học. Thậm chí không thể lấy việc theo đuổi nghiên cứu thực nghiệm làm tiêu chí, bởi vì rất nhiều người được ghi là nhà khoa học trong bảng lương, nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thực hiện một thử nghiệm thực sự.
Người dạy hóa học ở một trường cấp ba tự coi mình là nhà hóa học, mặc dù anh ta chưa bao giờ khám phá ra điều gì mới trong hóa học, mà chỉ đọc các tạp chí hóa học và lặp lại các thí nghiệm của người khác theo kiểu làm theo sách dạy nấu ăn.
Khoảng cách của anh ta đến nhà khoa học còn xa hơn so với một học sinh 12 tuổi thông minh và ham hiểu biết một cách có hệ thống trong tầng hầm nhà mình, hay một bà nội trợ hoài nghi kiểm tra những tuyên bố đáng ngờ của các nhà quảng cáo.
Liệu có thể gọi chủ tịch viện nghiên cứu là nhà khoa học không? Thời gian của họ có thể hoàn toàn bận rộn với công việc quản lý và tổ chức cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, họ muốn được gọi là nhà khoa học.
Nếu nhà khoa học lý tưởng kết hợp trong bản thân người đặt giả thuyết sáng tạo, người làm thí nghiệm thận trọng, người xây dựng hệ thống triết lý, học giả lịch sử, nhà công nghệ, nhà tổ chức, nhà giáo dục kiêm nhà văn và nhà báo, người ứng dụng và người đánh giá, thì chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng nhóm lý tưởng phải bao gồm ít nhất chín chuyên gia trong các chức năng khác nhau này, và không ai trong số họ cần phải là một nhà khoa học theo nghĩa toàn diện!
Nhưng, trong khi điều này chứng tỏ rằng sự phân biệt giữa nhà khoa học và người không phải nhà khoa học là đơn giản quá mức, thì chúng ta cũng phải tính đến một phát hiện chung rằng những người quá chuyên môn hóa thường không tốt cho bất cứ điều gì về lâu dài, vì như vậy thì họ phải thiếu mất gì đó so với một con người đầy đủ.
Nói chung, một người tròn vẹn và khỏe mạnh có thể làm hầu hết mọi việc tốt hơn so với một người què quặt - người cố gắng trở thành một nhà tư tưởng quá mức thuần túy bằng cách kìm hãm những xung lực và cảm xúc của mình. Vì nghịch lý là, rốt cuộc anh ta lại trở thành một người bệnh hoạn, chỉ biết suy nghĩ theo kiểu bệnh hoạn, tức là, trở thành một nhà tư tưởng tồi tệ.
Nói ngắn gọn, chúng ta có thể mong đợi rằng một nhà khoa học có chút tính nghệ sĩ sẽ là nhà khoa học giỏi hơn so với những người đồng nghiệp không có chút tính nghệ sĩ nào.
Nếu chúng ta sử dụng phương pháp phân tích các ca trong lịch sử, thì vấn đề này trở nên rất rõ ràng. Những nhân vật khoa học vĩ đại của chúng ta thường có nhiều mối quan tâm và chắc chắn không phải là những nhà công nghệ hạn hẹp. Từ Aristotle đến Einstein, từ Leonardo đến Freud, các nhà khám phá vĩ đại đều rất linh hoạt và đa tài, với những mối quan tâm về nhân văn, triết học, xã hội và thẩm mỹ.
Chúng ta phải kết luận rằng thuyết đa nguyên tâm lý trong khoa học dạy chúng ta rằng có nhiều con đường dẫn đến tri thức và chân lý, rằng nghệ sĩ sáng tạo, triết gia, nhà văn, bất kể là nhiều cá nhân hay các khía cạnh bên trong một cá nhân, cũng đều có thể là người khám phá ra chân lý.