Buổi trưa, chị Nguyễn Thị Bình (phường An Khánh, TP Thủ Đức) miệt mài lau dọn bàn ghế bên trong cửa hàng kinh doanh hoa trên đường Nguyễn Hoàng. Trong cái nắng tháng 4, người phụ nữ phải thường xuyên phun nước lên mặt đường để giảm tình trạng khói bụi.
Con đường phía trước mặt tiền cửa hàng của chị Bình đã xuống cấp, nhiều "ổ gà", gập ghềnh sỏi đá. Ngày nắng thì bụi mù mịt, đến khi trời mưa thì con đường trơn trượt, người qua lại dễ té vào "ổ voi". Theo trí nhớ của người phụ nữ, con đường này đã lâu rồi chưa được đơn vị nào tu sửa hay chỉnh trang.
"Tôi phải lau bàn ghế suốt, không khách vào cửa hàng thấy nhà bẩn lại ái ngại. Tôi chỉ mong dự án nhanh chóng hoàn thành, trả lại con đường đúng nguyên trạng, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh dễ buôn bán", chị Bình thở dài, chỉ vào xe máy của khách đã lấm tấm bụi dù mới vào cửa hàng khoảng 30 phút.
Người dân khổ sở
Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố có 291 dự án không còn chủ đầu tư (chủ đầu tư giải thể, không còn pháp nhân), song chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền. Điều này khiến cho đường xung quanh dự án xuống cấp nhưng không ai quản lý, mặt đường ngày càng hư hỏng.
Một trong số đó là đường Nguyễn Hoàng thuộc khu đô thị An Phú - An Khánh, dài hơn 1 km, nối từ đường song hành xa lộ Hà Nội đến đường Lương Định Của.
Là con đường nằm giữa trung tâm TP Thủ Đức, song mặt đường Nguyễn Hoàng xuống cấp, thường xuyên có tình trạng bụi mù mịt do sỏi đá và lớp nhựa đường ở một số vị trí bị bể ra. Hai bên lộn xộn gạch đá từ công trình xây dựng để lại. Nhiều người dân khi đi qua phải liên tục bóp phanh để tránh xảy ra tai nạn.
Đường Nguyễn Hoàng xuống cấp nhiều năm nhưng không được duy tu hay sửa chữa. Ảnh: Chí Hùng. |
Đường Tiền Lân 7 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cũng chung cảnh ngộ. Tuyến đường nằm trong dự án khu dân cư Hoàng Hải. Chủ đầu tư đã bị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM thu hồi giấy phép kinh doanh từ năm 2018.
Ghi nhận của Zing, mặt đường có nhiều "ổ voi" do xe tải thường xuyên di chuyển qua. Vào mùa mưa, người dân phải hạn chế di chuyển qua đây do xuất hiện nhiều vũng nước đọng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Chị Minh Lý (xã Bà Điểm) phải liên tục bóp phanh khi đi qua đường Tiền Lân 7. Người phụ nữ cho biết thường vòng ở phía trên, di chuyển vào một con ngõ trên đường số 6 (cách đó khoảng 100 m) để tránh đụng "ổ voi".
"Mong mỏi lớn nhất của người dân là con đường sớm được sửa chữa", chị Lý nói, chỉ vào phần đường lồi lõm và những bãi rác bị người dân vứt ngổn ngang trên đường Tiền Lân 7.
Giải quyết thế nào?
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Hóc Môn, cho biết trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư dự án khu dân cư Hoàng Hải đã có sai phạm như chưa đầu tư hoàn chỉnh hạng mục đường giao thông, không lập hồ sơ quản lý...
Lãnh đạo huyện Hóc Môn nhiều lần mời chủ đầu tư đến làm việc. Tuy nhiên, hiện pháp nhân của chủ đầu tư không còn, đơn vị cũng không cử đại diện pháp luật làm việc với chính quyền. Điều này dẫn đến việc giải quyết bất cập xung quanh các tuyến đường trong dự án khu dân cư Hoàng Hải gặp nhiều khó khăn.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đánh giá việc giải quyết 291 trường hợp đường xuống cấp sau khi chủ đầu tư "mất hút" là rất khó. Việc này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước cùng làm, từ đó mới có thể tiến hành tu sửa, bảo trì.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư dự án khu An Phú - An Khánh có trách nhiệm duy tu, đảm bảo giao thông các con đường xung quanh dự án, trong đó có đường Nguyễn Hoàng.
Riêng đối với hai con đường xuống cấp trong khu dân cư Hoàng Hải, chính quyền huyện Hóc Môn đã kiến nghị Sở GTVT và Sở Xây dựng cho địa phương tiếp nhận hạ tầng theo hiện trạng thực tế. Trên cơ sở đó, huyện sẽ thực hiện việc duy tu và sửa chữa hàng năm.
Người dân e ngại đi qua đường Tiền Lân 7 do mặt đường xuống cấp, nhiều "ổ voi". Ảnh: Chí Hùng. |
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận trong câu chuyện 291 tuyến đường ở TP.HCM xuống cấp, có hai nhóm cần chịu trách nhiệm liên đới là người quản lý đô thị và chủ đầu tư.
Trong đó, người quản lý đô thị đã làm lơ cho sai sót của chủ đầu tư, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho người dân. Từ đó, cần quy rõ trách nhiệm của người quản lý đô thị khi đã giám sát lỏng lẻo.
Về phía chủ đầu tư, chính quyền cần có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành trách nhiệm. Nếu chủ đầu tư này còn làm các dự án khác trong thành phố hay còn hoạt động thì cần yêu cầu dừng lại cho đến khi hoàn thành xong trách nhiệm với những con đường xuống cấp.
"Những thiệt hại này nếu không được giải quyết thì cuối cùng, ngân sách Nhà nước sẽ phải bỏ ra. Việc trước mắt là cần phải nhanh chóng sửa chữa đường cho dân đỡ khổ, tránh tai nạn giao thông. Việc 'đòi nợ' chủ đầu tư cần thực hiện song song", ông Sơn nói.
Chuyên gia nhìn nhận phải siết chặt công tác quản lý dự án khu dân cư trong thời gian tới. Đồng thời, chính quyền cần rút kinh nghiệm trong các dự án tương lai.
Theo ông Sơn, người quản lý đô thị cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra kế hoạch rõ ràng, đồng thời thực hiện cam kết bàn giao hạ tầng tỷ lệ với số lượng căn hộ định bán. Ví dụ chủ đầu tư có kế hoạch bán 1.000 căn hộ, chia làm 4 đợt thì khi bán xong đợt đầu 250 căn hộ thì bàn giao 1/4 hạ tầng. Muốn bán sang đợt hai, chủ đầu tư cần bàn giao thêm phần trăm tỷ lệ hạ tầng nữa thì mới được cấp phép bán căn hộ.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.