Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú khi thuê, mượn, ở nhờ. Trong đó, thành phố dự kiến quy định diện tích tối thiểu ở nội thành là 15 m2 sàn/người và ngoại thành là 8 m2 sàn/người.
Nhiều người sau khi đọc dự thảo trên đã bày tỏ lo lắng khi cho rằng diện tích quy định để đăng ký thường trú đang quá cao, hộ gia đình là người trẻ khó đáp ứng được yêu cầu này khi đi thuê nhà.
"15 m2 sàn/người, tức là vợ chồng tôi nếu có hai con phải thuê căn nhà rộng ít nhất 60 m2 mới có thể đăng ký thường trú?", Đình Vương (27 tuổi, quê Hưng Yên) băn khoăn.
Người dân lo lắng
Làm nhân viên văn phòng với mức lương dao động 12-15 triệu đồng/tháng, Vương cho rằng nguyện vọng mua nhà của mình khó đạt được trong 20 năm tới nếu không có sự trợ giúp của gia đình.
Đã có kế hoạch lấy vợ cuối năm nay, Vương dự định lấy tiền tiết kiệm để hai vợ chồng thuê một căn chung cư mini ở dài hạn. Thông thường, các căn hộ dạng này có diện tích dao động 30-45 m2.
Do đó, Vương băn khoăn nếu trong vòng 3 năm tới khi vợ chồng anh có con, căn hộ đi thuê dài hạn bắt buộc phải rộng tối thiểu 45 m2 thì mới có thể đăng ký thường trú.
"Vậy đến khi tôi có con thứ hai, chính quyền có đến đo lại nhà và hủy quyết định đăng ký thường trú vì không đảm bảo 60 m2 cho 4 người không?", anh Vương thắc mắc.
Nhiều hộ gia đình là công nhân ở các khu công nghiệp tại Hà Nội đang sống trong những căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 15-20 m2. Ảnh: Thạch Thảo. |
Cùng lo lắng, anh Dương Thanh và vợ là công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long vừa lấy nhau và chưa có con, đang tạm trú tại một căn chung cư mini ở quận Bắc Từ Liêm với diện tích khoảng 25 m2.
Nhưng khi lên kế hoạch có con trong vòng 1-2 năm tới, anh Thanh cho rằng quy định của Hà Nội có thể ảnh hưởng đến việc anh chị làm khai sinh và cho con đi học mầm non ở trường công.
Với mức lương công nhân của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 13 triệu đồng/tháng, anh Thanh cho biết khó để thuê được căn hộ với diện tích lớn hơn. Nếu theo quy định, vợ chồng anh bắt buộc phải chuyển sang một căn hộ rộng ít nhất 45 m2 mới có thể đăng ký thường trú.
"Dự định của vợ chồng tôi là vẫn ở tại nơi trọ hiện nay và sinh con, xung quanh khu trọ cũng nhiều cặp vợ chồng trẻ như vậy. Với thu nhập hiện tại, chúng tôi khó để thuê được một căn phòng rộng 45 m2 vì còn nhiều chi phí khác đội lên khi có con", anh Thanh nói.
Nên có lộ trình áp dụng
Trao đổi với Zing về đề xuất trên, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về bất động sản, cho rằng cần nhìn nhận trên nhiều khía cạnh bao gồm tính hợp pháp và hợp lý của chính sách.
Dẫn điểm b khoản 3 Điều 20 của Luật Cư trú về việc phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú, chuyên gia đánh giá việc UBND thành phố đề xuất HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết trên là hợp pháp.
Về tính hợp lý của chính sách này, ông Đỉnh cho rằng quy định diện tích thuê tối thiểu để đăng ký thường trú tác động đến phần lớn hộ gia đình từ nơi khác di chuyển đến Hà nội và tạo lập chỗ ở thông qua các giao dịch dân sự về nhà ở như thuê, mượn, ở nhờ.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng Hà Nội cần nghiên cứu thêm về hạn mức và lộ trình khi quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú với những căn hộ cho thuê, mượn, ở nhờ. Ảnh: NVCC. |
Theo ông Đỉnh, một số ý kiến cho rằng quy định diện tích thuê tối thiểu ở nội thành phải đảm bảo 15 m2 sàn/người là quá cao.
Chẳng hạn, một hộ gia đình 4 người từ nông thôn ra Hà Nội thuê nhà sinh sống và lao động để mưu sinh thì căn nhà thuê phải tối thiểu 60 m2 mới đáp ứng điều kiện cần về đăng ký thường trú.
“Đa số hộ gia đình không kham nổi chi phí thuê nhà với diện tích này, nên đề xuất này gây ra nhiều ý kiến tranh cãi, trái chiều”, chuyên gia cho biết.
Về mục tiêu của chính sách, ông Đỉnh nhìn nhận Hà Nội là một trong hai đô thị có mức độ bùng phát, gia tăng dân số cơ học mạnh mẽ.
Nếu không kiểm soát được sự gia tăng này sẽ dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực đô thị. Những điều này có thể thấy rõ qua hiện tượng quá tải về hạ tầng, tắc đường, khói bụi, ô nhiễm, phụ huynh xếp hàng xuyên đêm xin học cho con…
“Việc đặt ra hạn mức diện tích nhà thuê tối thiểu tại nội thành để đăng ký thường trú là hàng rào kỹ thuật cần thiết để kiểm soát gia tăng dân số cơ học. Điều này cũng nằm trong thẩm quyền của HĐND thành phố”, ông Đỉnh đánh giá.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng cơ quan đề xuất quy định trên là UBND Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, kỹ càng và có báo cáo giải trình với HĐND thành phố cơ sở thực tiễn và khoa học về mức tối thiểu 8-15 m2 sàn/người.
Trong đó, ông Đỉnh gợi ý thành phố cần xem xét diện tích 15 m2 sàn/người ở nội thành có quá cao hay không, có cần lộ trình áp dụng, ví dụ trước mắt áp dụng mức 10 m2 sàn/người, sau đó nâng dần lên qua các năm để người dân có sự chuẩn bị, tránh xáo trộn hay không.
Chỉ tác động đến người thuê nhà riêng lẻ
Về mức độ tác động, chuyên gia đánh giá chính sách này nếu được thông qua chủ yếu tác động đến hộ gia đình thuê nhà ở của cá nhân, hầu như không ảnh hưởng đến những hộ gia đình thuê nhà ở trong các dự án.
Bởi lẽ, mức tối thiểu 15 m2 sàn/người áp dụng cho khu vực nội thành, trong khi nội thành Hà Nội hầu như không còn dự án nhà ở phân khúc thấp tầng (nhà ở riêng lẻ, nhà ở biệt thự). Hơn nữa, phân khúc này cũng không hướng tới nhóm đối tượng yếu thế trên.
Việc đặt ra hạn mức diện tích nhà thuê tối thiểu tại nội thành để đăng ký thường trú là hàng rào kỹ thuật cần thiết để kiểm soát gia tăng dân số cơ học.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh
Trong khi đó, với phân khúc chung cư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án.
Ông Đỉnh cũng cho rằng trên thực tế, số lượng căn hộ có diện tích nhỏ hơn 45 m2 (căn hộ studio) tại các dự án khu vực nội thành Hà Nội hầu như không tồn tại. Thậm chí, căn hộ có diện tích dưới 60 m2 tại nội thành Hà Nội cũng hiếm gặp.
“Vì vậy, quy định mới này chủ yếu tác động đến những hộ gia đình thuê nhà ở của các hộ cá nhân như nhà trong ngõ hoặc thuê các căn hộ chung cư cũ, nhà tập thể cũ. Chính sách này ít ảnh hưởng đến các chủ đầu tư kinh doanh dự án nhà ở và những người mua nhà trong dự án để cho thuê lại”, ông Đỉnh đánh giá.
Hà Nội đang quá tải về hạ tầng khi hàng loạt dự án chung cư mọc lên ở nội đô thu hút người dân. Ảnh: Duy Anh. |
Từ những lý lẽ trên, ông Đỉnh tán thành việc Hà Nội đặt ra hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. Vấn đề còn lại chỉ là hạn mức bao nhiêu thì phù hợp và có cần dẫn chứng khoa học, lộ trình áp dụng, nâng dần hạn mức qua từng năm để tránh gây xáo trộn.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng khác cần xem xét là các biện pháp bảo đảm thực hiện sau khi Nghị quyết được HĐND thành phố thông qua.
“Đặc biệt, tờ trình cũng chưa nêu kế hoạch ban hành các biểu mẫu để người dân kê khai diện tích nhà ở cùng tài liệu kèm theo khi đăng ký thường trú. Việc hậu kiểm để kiểm tra, xác minh nếu có sự kê khai không trung thực, các chế tài áp dụng cũng cần được quy định rõ”, theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.