Agribank lên tiếng vụ 'đòi nợ tập thể'
Sáng nay, các cán bộ, công nhân viên của hàng loạt công ty tới vây trụ sở Agribank tại số 18 Trần Hữu Dực, Hà Nội để đòi nợ. Trong khi đó Agribank cho biết phải đợi phán quyết của tòa án.
Ngân hàng bị vây đòi nợ
Sáng nay 10/5, hàng trăm công nhân kéo đến “vây” trụ sở chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (18 Trần Hữu Dực, Mỹ Đình, H.Từ Liêm, TP.Hà Nội) đòi nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số công nhân trên là của các Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên chi nhánh Hà Nội (trụ sở tại 17 Hàng Vôi, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội); Công ty TNHH thương mại Tràng An (trụ sở tại 142 phố Hào Nam, P.Ô Chọ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội); Công ty cổ phần thép Việt Nhật (trụ sở P12A06, nhà 17T3, KĐT Trung Hòa Nhân Chính, Q.Cầu Giấy, Hà Nội); Chi nhánh Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng (trụ sở tại tầng 1, tháp Hà Nội, 49 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ông Trần Văn Xá (57 tuổi) trú ở xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, công nhân Công ty TNHH thương mại Tràng An cho biết đã bị chậm lương 4 tháng. Ngoài ra, gia đình ông Xá còn cầm cố sổ đỏ và góp cổ phần vào công ty 300 triệu đồng.
Hiện nay, đến thời hạn nhưng không có tiền trả, ngôi nhà gia đình ông ở đang bị siết nợ. Nguồn thu duy nhất của gia đình ông trông vào tiền lương công nhân.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thương mại Tràng An, hiện nay, trong công ty có 5 công nhân cũng cầm cố sổ đỏ để góp vốn với công ty. Lý do công ty chưa trả được nợ cho công nhân là không đòi được 40 tỉ đồng từ Agribank.
Căn nguyên của việc Agribank nợ Công ty TNHH thương mại Tràng An, theo bà Thanh là Agribank chi nhánh Hồng Hà (164 Trần Quang Khải, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phát hành bảo lãnh thanh toán trị giá 40 tỉ đồng cho hợp đồng mua bán bột giấy giữa Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng và Công ty TNHH thương mại Tràng An từ ngày 12/8 - 14/12/2011.
Theo đó, do đã qua thời hạn thanh toán, nhưng phía Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng không trả nợ được. Phía Công ty TNHH thương mại Tràng An đã nhiều lần đề nghị Agribank chi nhánh Hồng Hà thanh toán theo đúng bảo lãnh đã làm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền thanh toán theo đúng cam kết.
Cũng với hình thức phát hành bảo lãnh thanh toán cho chính Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng, Agribank chi nhánh Hồng Hà đã trở thành “con nợ” của Công ty CP gang thép Thái Nguyên chi nhánh Hà Nội với số tiền 17,2 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi suất).
Cũng vẫn phát hành bảo lãnh thanh toán cho hợp đồng mua bán thiết bị máy móc giữa Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng và Chi nhánh Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng, Agribank chi nhánh Hồng Hà đã mắc nợ Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng hơn 22 tỉ đồng, đến nay chưa trả được.
Theo bà Hoàng Thị Thu Dung, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng, bảo lãnh thanh toán của Agribank chi nhánh Hồng Hà đã được gia hạn một lần vào ngày 29/6/2011 và hết hạn vào ngày 31/8/2011.
Cũng theo bà Thu Dung, sau khi hết hạn bảo lãnh thanh toán, không đòi được nợ, phía Chi nhánh Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng đã không ít lần có công văn đòi nợ. Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn thanh toán hơn 8 tháng nhưng phía Tất Hồng vẫn chưa được thanh toán nợ theo đúng cam kết.
Cũng có mặt tại trụ sở chính của Agribank sáng nay, ông Hoàng Minh Phương, Giám đốc Công ty CP thép Việt Nhật xác nhận, đến nay phía Agribank chi nhánh Hồng Hà vẫn chưa thanh toán cho Công ty CP thép Việt Nhật số tiền 30 tỉ đồng theo bảo lãnh thanh toán, khiến công ty này phải nợ lương công nhân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các bảo lãnh thanh toán mà Agirbank chi nhánh Hồng Hà ký bảo lãnh thanh toán cho Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng mua bán với các công ty, chi nhánh trên đều do ông Đỗ Đức Hưng, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Hồng Hà ký.
Phải chờ phán quyết của tòa
Agribank đã phát đi một văn bản cho biết vụ việc Chi nhánh Agribank Hồng Hà bảo lãnh cho công ty CP Xuất nhập khẩu Tân Hồng “thiếu nợ” đang trong quá trình điều tra và thụ lý tại tòa án.
Theo Agribank, chứng thư bảo lãnh do ông Đỗ Đức Hưng, nhân danh Giám đốc Chi nhánh Agribank Hồng Hà, ký phát hành cho công ty Tân Hồng mua hàng của công ty CP thép Việt Nhật đang được Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C48) và Tổ giám định thuộc cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều tra, xác minh để làm rõ. Vì vậy, Agribank không có cơ sở để thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của công ty Cổ phần thép Việt Nhật. Agribank chỉ thực hiện nghĩa vụ sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn khởi kiện của công ty Cổ phần thép Việt Nhật về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh và ra Quyết định xét xử ngày 9/4/2012. Vì vậy, các yêu cầu liên quan đến việc thanh toán bảo lãnh phải tuân theo phán quyết có hiệu lực pháp luật của tòa án. Agribank sẽ tham gia tố tụng tại tòa và thực hiện theo phán quyết.
Lượng người kéo đến Agribank đòi nợ tập thể ngày một đông hơn, ngoài Việt Nhật còn có hàng loạt công ty khác chung số phận. Ảnh: Nhật Nam |
Tuy nhiên, trong văn bản của Agribank không hề đề cập tới hàng loạt các công ty khác cũng đang trong tình cảnh khốn khổ vì chưa nhận được tiền hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, có ít nhất 5 công ty khác cũng rơi vào “thảm cảnh” như Việt Nhật là công ty Cổ phần thiết bị Dầu khí 141 tỷ đồng, công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên khoảng 20 tỷ đồng, Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng hơn 22 tỷ đồng, công ty Kim khí Hà Nội khoảng 20 tỷ đồng…
Về những trường hợp này, theo tiết lộ từ phía Agribank, rất có thể sẽ phải chờ các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và làm đúng các thủ tục như với công ty Cổ phẩn thép Việt Nhật.
Cán bộ, công nhân viên các công ty mang theo cả máy phát điện để phục vụ cuộc đòi nợ "trường kỳ". Ảnh: Nhật Nam |
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài 5 công ty tố Agribank “ỉm” nợ, sáng nay, thêm một đơn vị là Công ty Kim khí Hà Nội cũng tham gia cuộc đòi nợ tập thể. Được biết, công ty này cũng bị nợ số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Hôm nay, cán bộ, công nhân viên các công ty huy động cả máy phát điện, quạt, chiếu, đồ ăn thức uống tại phía trước trụ sở Agribank. Theo đại diện các công ty này, họ sẽ cố thủ trường kỳ tại đây đến khi nào phía Agribank có động thái trả nợ.
“Nếu không đòi được nợ, chúng tôi cũng không còn cách nào khác, do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đến đây đòi nợ đến khi nào có kết quả thì thôi. Xưa nay chỉ có doanh nghiệp nợ tiền ngân hàng chứ làm gì có chuyện ngược đời ngân hàng chây ì tiền của doanh nghiệp như vậy”, ông Hoàng Minh Phương, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thép Việt Nhật.
Trong khi đó, hơn 30 cán bộ, công nhân viên của công ty Gang thép Thái Nguyên cũng “nuôi” quyết tâm đòi nợ không kém. Chị Yến, một cán bộ của công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết, trước đây, công ty đa phần bán hàng nhận trả tiền mặt, chỉ bán nợ khi có ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Tuy nhiên, sau vụ việc này, công ty chắc chắn sẽ không bao giờ tin tưởng vào sự bảo lãnh của ngân hàng nữa.
“Không lấy được tiền hàng, chúng tôi rất khó khăn, các doanh nghiệp khác là đối tác khách hàng của chúng tôi cũng vậy. Hầu như công ty nào cũng không có đủ tiền mặt một lúc nên phải nhờ đến sự bảo lãnh của ngân hàng, nhưng giờ công ty tôi không chấp nhận bán hàng như vậy nữa. Vì món nợ này mà chúng tôi phải dừng mọi hoạt động, thiệt hại rất lớn”, chị Yến nói.
Còn phía công ty TNHH Tràng An cho biết, do chưa đòi được số nợ 40 tỷ đồng từ ngân hàng Agribank nên nhiều tháng nay, công ty buộc phải nợ lương công nhân bởi không còn cách nào khác khiến nhiều công nhân rơi vào tình cảnh khốn khổ. “Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương của tôi nhưng 4 tháng nay không có lương nên không có tiền ăn, tiền nộp học cho 2 đứa con. Gia đình tôi phải vay nợ khắp nơi”, anh Trần Công Vị, một công nhân của công ty Tràng An chia sẻ.
Đại diện các công ty cho hay, số tiền thiếu nợ lên tới vài trăm tỷ đồng, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này và đợi phán quyết của tòa án, không biết đến khi nào các công ty mới thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Theo Đất Việt/ Thanh Niên