Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Không chỉ có hơn 73.000 tỷ đồng nợ xấu, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nhiều sai sót trong hoạt động cho vay của Agribank năm 2015. Ảnh: Agribank. |
Năm 2015, NHNN đã đảm bảo thanh khoản ổn định cho các TCTD và hỗ trợ ổn định tỷ giá, chính sách tín dụng đã được định hướng tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 17,26%, cao hơn so với định hướng là 13-15% trong năm.
KTNN cho biết lãi suất cho vay trung và dài hạn năm 2015 đã giảm 0,2-0,5%/năm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra giảm 1-1,5%/năm, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao.
Cụ thể, nợ xấu của hệ thống TCTD đến cuối năm 2015 tính cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra của NHNN là 476.860 tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Đặc biệt, tại Agribank, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì con số nợ xấu tại nhà băng này lên tới 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ, cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Kết quả kinh doanh của Agribank trong những năm gần đây. Đồ họa: Quang Thắng. |
Đáng chú ý, KTNN chỉ ra hầu hết chi nhánh của Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích. Quá trình sau cho vay không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn.
Ngoài ra, một số khoản đầu tư tài chính không hiệu quả, khó thu hồi vốn tại ngân hàng này.
KTNN cũng chỉ ra trong thời gian tái cơ cấu, một số nhà băng chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng. Tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng.
Trong số này, 21.477 tỷ đồng của SCB, 6.684 tỷ đồng của Sacombank, PVCombank cũng còn 4.990 tỷ đồng, VietinBank 4.280 tỷ đồng, BIDV 1.263 tỷ đồng và Agribank 1.272 tỷ đồng.
Theo đó, hết năm 2015, 6/9 công ty con của nhà băng lỗ lũy kế, với số tiền lên tới 12.431 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư). Ngoài ra, Agribank còn để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,5 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.
Nhà băng này còn trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.849 tỷ đồng.
Theo KTNN, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các TCTD, việc xử lý nợ xấu chưa hiệu quả.
Trong thời gian tái cơ cấu, tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng . Đồ họa: Quang Thắng. |
DongABank cùng với 3 ngân hàng "0 đồng" CBBank, GPBank, OceanBank được đánh giá trong tình trạng tài chính rất yếu kém.
Cùng với đó, một số ngân hàng còn tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi, do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp như ACB, Eximbank, Sacombank, và 3 ngân hàng "0 đồng".