Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Agribank góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Trong năm nay, Agribank chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, cho vay ưu đãi người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ quan điểm, mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực.

Đưa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế vào cuộc sống

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng khi là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

Bám sát chỉ đạo về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Agribank anh 1

Agribank triển khai hỗ trợ lãi suất 2% và chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank là ngân hàng tiên phong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cùng với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31, bằng nguồn lực của mình, Agribank chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

Song song đó, ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thúc đẩy khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ước tính, khoảng 2,2 triệu khách hàng được hưởng các chính sách hỗ trợ này.

Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động, huy động vốn của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Agribank nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng trưởng huy động vốn phù hợp với cân đối vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản và các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Năm 2022, hoạt động tín dụng của ngân hàng tăng trưởng tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Agribank anh 2

Ngân hàng Agribank là "trụ đỡ" cho các hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp.

Tổng dư nợ Agribank cho vay nền kinh tế đạt trên 1,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "tam nông", tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank tiếp tục là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với 61 huyện nghèo với dư nợ hơn 605 tỷ đồng; cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp với dư nợ hơn 557 tỷ đồng; cho vay tái canh cây cà phê với dư nợ hơn 193 tỷ đồng.

Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay đến 100% số xã trên toàn quốc với dư nợ đạt hơn 605.000 tỷ đồng. Trong đó, trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực. Gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại. Trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Đồng thời, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua mô hình tổ vay vốn, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách tín dụng ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến… góp phần nâng cao dân trí của người dân, tạo niềm tin cho người dân đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Agribank đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp phát huy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Trà Văn

Bạn có thể quan tâm