Cuộc sống của Kiab tại nơi ở dành cho nạn nhân buôn người. Ảnh: AFP |
Khi vừa tròn 16 tuổi, Kiab (tên nhân vật đã được thay đổi) đi theo anh trai đi dự tiệc ở thị trấn du lịch nổi tiếng tại miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên, chẳng có bữa tiệc nào chờ Kiab. Cô bị chính anh ruột lừa bán làm dâu cho một gia đình người Trung Quốc.
Phải mất hơn 1 tháng, thiếu nữ người H'mông mới tìm cách thoát được khỏi gia đình mua cô về làm dâu. Cô may mắn khi tìm được sự giúp đỡ từ cảnh sát địa phương để trở về Việt Nam. Cô gặp phóng viên AFP tại nơi ở dành cho nạn nhân buôn người tại thị trấn biên giới thuộc tỉnh Lào Cai.
Ở cùng với Kiab là hàng chục thiếu nữ các dân tộc khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ. Họ cho biết chính người thân, bạn bè hoặc bạn trai đã tìm cách bán họ làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. Kiab cho biết: "Tôi nghe nhiều về nạn buôn người nhưng không ngờ nó lại ập xuống đầu mình vì bị chính anh ruột lừa bán".
May Na, một thiếu nữ H'mông khác, bị lừa bán từ năm 13 tuổi. Không cam chịu cảnh lấy người bị ép buộc, Na trèo tường bỏ trốn và ngủ vạ vật trên đường phố trước khi tìm tới đồn cảnh sát. Tuy nhiên, cô chỉ có thể nói tiếng H'mông nên cảnh sát Trung Quốc phải mất hơn 1 tháng để điều tra vụ việc trước khi trả cô về Việt Nam.
Na hiện nay đã là thiếu nữ 16 tuổi. Cô là chị của 4 đứa em. Hiện tại, Na đang học tiếng Kinh tại trung tâm đào tạo ở Lào Cai. Chú ruột, kẻ bán cô sang Trung Quốc, đã bị bắt nhưng Na không muốn trở về gia đình. Cô đang nỗ lực để bắt đầu cuộc sống mới.
Ông Michael Brosowski, giám đốc điều hành quỹ Blue Dragon Children, tổ chức từng giải cứu 71 cô gái bị bán sang Trung Quốc từ năm 2007, cho biết thông thường, một cô gái sẽ được mua với giá 5.000 USD để làm dâu hoặc làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ. Tất cả họ đều là nạn nhân của những kẻ tham lam và vô nhân tính. Có thể nhiều cô gái bị ép làm trong các nhà chứa nhưng họ sợ mất danh dự nên khai là bị ép làm vợ trong một gia đình nào đó.
Kiab học bài tại trung tâm, sau những tháng ngày bi kịch khi bị chính anh ruột lừa bán. Ảnh: AFP |
Già làng Phan Pa May của người Dao Đỏ cho biết: "Tôi cũng như các bậc cha mẹ trong bản rất lo lắng về nạn buôn người vì nhiều cô gái đã bị bán. Tôi có con gái nhưng nó đã lập gia đình nên tôi lại lo cho cháu mình. Chúng tôi luôn dặn nó không được tin người lạ mỗi khi rời bản".
Theo AFP, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc khiến tình trạng buôn người gia tăng ở các khu vực giáp với biên giới Việt Nam, Triều Tiên, Lào và Myanmar. Thậm chí, thiếu nữ Campuchia cũng không thoát khỏi loại tội phạm này vì hàng triệu đàn ông Trung Quốc đang trong tình trạng không thể lấy một người phụ nữ bản địa.
Nhiều nhóm hoạt động ở Việt Nam đang nỗ lực ngăn nạn buôn người. Chính quyền cũng tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người dân tộc thiểu số về loại tội phạm này. Tuy nhiên, dân cư sống thưa thớt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh trong khi những kẻ buôn người chủ yếu là thân nhân, bạn bè của nạn nhân khiến vấn nạn này vẫn tồn tại.