Trận bán kết 1 giữa U23 Việt Nam và U23 Qatar diễn ra lúc 15h ngày mai 23/1 trên sân Thường Châu, Trung Quốc có sức chứa 38.000 chỗ ngồi. U23 Việt Nam chưa từng thi đấu trên sân này, trong khi đối thủ Qatar sẽ đá trận thứ 5 liên tiếp tại đây. Ngày nghỉ đã ngắn hơn, U23 Việt Nam lại phải di chuyển liên tục.
Nhìn rộng ra toàn giải, AFC có sự ưu ái đối với những đội nằm trong nhóm hạt giống số 1 và số 2. Chủ nhà U23 Trung Quốc được dọn sẵn con đường để đi thẳng từ vòng bảng đến trận chung kết (6 trận) mà không phải di chuyển ra khỏi Thường Châu. Đáng tiếc Trung Quốc không thể vượt qua vòng bảng.
Bên cạnh chủ nhà, ba đội còn lại của nhóm hạt giống số 1 (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Iraq) đều không có lần nào phải xách va-li sang địa điểm thi đấu mới, tính từ vòng bảng đến hết tứ kết.
Địa điểm thi đấu của một số đội bóng tại giải U23 châu Á. |
Được ưu ái nhất là U23 Hàn Quốc, một trong bốn đại diện của vòng bán kết. Cả 5 trận đấu của đội bóng này đều diễn ra ở thành phố Côn Sơn. Nếu thua Uzbekistan, họ sẽ có trận thứ 6 đá ở Côn Sơn.
ĐT U23 Nhật Bản thi đấu 3 trận vòng bảng và trận tứ kết ở thành phố Giang Âm. Giả sử Nhật Bản loại Uzbekistan ở tứ kết, họ mới phải di chuyển đến thành phố khác để đá bán kết. Cũng giống U23 Nhật Bản, U23 Iraq được đá 4 trận đấu ở 1 thành phố.
Các đội ở nhóm hạt giống số 3 và số 4 không được ưu ái như vậy. Tại bán kết, bên cạnh Việt Nam thì Uzbekistan cũng phải đi lại nhiều. Họ đá hai trận đầu vòng bảng ở Thường Châu, trận thứ ba và tứ kết ở Giang Âm, bán kết ở Côn Sơn và nếu lọt vào chung kết sẽ trở lại Thường Châu.
Tuyển U23 Việt Nam tập luyện chiều 22/1. Trận bán kết diễn ra lúc 15h ngày mai 23/1 tại sân Thường Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFC. |