Sáng 20/5, tại Hiroshima, trong chương trình làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn AEON và đoàn các doanh nghiệp vùng Trung Nam của Nhật Bản.
Ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON, cho biết cho đến nay Việt Nam là nước AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD. AEON đã mở 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế…
Nhấn mạnh Việt Nam có nhiều yếu tố nền tảng quan trọng mà AEON và các nhà đầu tư khác có thể mở rộng đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn AEON chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh trên thế giới.
Trong đó tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại, các khu outlet tại các khu vực ngoại thành, kết hợp mua sắm vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng thêm các trung tâm thương mại ở các tỉnh, thành khác như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Nghệ An, Tây Nguyên…
Thủ tướng cũng đề nghị AEON tăng cường nhập khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: Da giày, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn AEON chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh của mình trên thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Thời gian tới, AEON sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản. AEON sẽ dành các suất học bổng hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nhân lực", ông Akio Yoshida nói sau lời đề nghị của Thủ tướng.
AEON hiện có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 6 trung tâm mua sắm và các siêu thị. Phần lớn siêu thị tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Được biết, Aeon sẽ chủ trương triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam đến năm 2025, trong đó tại Hà Nội sẽ có thêm 3-4 dự án.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui (MOECO) Hirotaka Hamamoto - thành viên liên doanh các nhà đầu tư dự án khí Lô B - Ô Môn cùng ngày, Thủ tướng cho biết ông rất quan tâm dự án này, đã 3 lần vào Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn trong 2 năm qua. Đến nay, các vướng mắc kéo dài 20 năm qua về cơ bản đã tìm được phương án giải quyết.
Tại buổi tiếp, ông Hirotaka Hamamoto đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dự án khai thác khí Lô B trong tháng 6. Các bên liên quan đang phối hợp, đưa ra quyết định đầu tư trong tháng 6 và dự kiến bắt đầu khai thác khí từ cuối năm 2026.
Chuỗi dự án khí Lô B có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Khí tự nhiên từ Lô B sẽ cung cấp cho 4 nhà máy điện gồm Ô Môn I, II, III và IV trên 20 năm. Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản trong ngày 19-21/5, theo lời mời của Thủ tướng Fumio Kishida.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và Nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...