Bên lề Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015" tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Kinh tế Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những trao đổi với Zing.vn về một số vấn đề liên quan.
Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Diệp Sa. |
- Cùng lúc tham gia nhiều FTA trong năm 2015, liệu nền kinh tế Việt Nam có đủ sức hấp thụ không thưa ông?
- Chúng ta có thể hình dung thế này, tham gia câu lạc bộ thì thành viên trong CLB bao giờ cũng được ưu tiên hoạt động thuận lợi hơn những người ngoài CLB. Tham gia nhiều FTA dẫu phải chịu sức ép cạnh tranh lớn trong ngắn hạn nhưng lại đem đến cho Việt Nam lợi ích dài hạn từ cơ hội mở cửa, hội nhập và phát triển.
Với WTO, Việt Nam đi sau nhiều nước, phải chấp nhận chịu thiệt hơn. Nhưng tới TPP, ta đã đi trước nhiều nước. So với những nước đi sau như Thái Lan, Phillipines, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Người đi đầu bao giờ cũng có lợi. Đoàn đàm phán Việt Nam đã đàm phán thành công những hiệp định lớn như TPP, EU thì sẽ không ngại những hiệp định khác đơn giản hơn.
- Theo ông, FTA nào gây sức ép lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt? Và FTA nào đem lại lợi ích lớn nhất cho chúng ta?
- Ở cả hai mặt, đều là TPP. TPP tạo cho chúng ta không chỉ sức ép cạnh tranh mà cả sức ép thúc đẩy cải cách doanh nghiệp, cải cách thể chế để tồn tại và phát triển.
Mặt khác, theo một số tính toán dựa trên con số tương đối về GDP và xuất khẩu, TPP có lợi nhất cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trong sự kiện hôm nay, tôi muốn nhắc nhiều hơn tới FTA AEC, tới ASEAN. Tôi muốn nhắc lại một câu trả lời của ông tổ hình học Ơclit mà tôi rất tâm đắc. Khi được hỏi: "Hình học là gì?", ông trả lời: "Hình học là cái tôi đang làm, là máu, là thịt, chứ không phải là đường thẳng song song, tứ giác hay tam giác". AEC là gì, là cộng đồng kinh tế. ASEAN là một mẫu hình liên kết của các nước đang phát triển.
Cái thứ nhất là mục tiêu, EU không nhấn mạnh mục tiêu thu hẹp khoảng cách nhưng ASEAN sẽ không thành công nếu không thu hẹp khoảng cách. Cái thứ 2, ASEAN giống tất cả các lõi FTA vì có tự do hóa nhưng cái tự do hóa của ASEAN không chỉ là tự do thương mại, dịch vụ, đầu tư mà ta nhấn mạnh thị trường thống nhất.
Và nếu như TPP cơ bản là luật chơi thì ASEAN là kết nối, bỏ kết nối không phải là ASEAN, kết nối con người – con người, thế chế - thể chế. Một vai trò rất quan trọng trong thiết chế của khu vực là vai trò trung tâm. Thành công hay không rất phụ thuộc vào thể chế của ASEAN, ASEAN đang nỗ lực để tăng cường thể chế này, nó là liên kết các quốc gia bình đẳng.
Tiến trình hội nhập của Việt Nam. Ảnh: VCCI. |
- Tham gia AEC đặt các doanh nghiệp Việt trước sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp mạnh đến từ những thị trường tương đồng. Ông có lo lắng gì cho các doanh nghiệp Việt trước cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp Indonesia, Thái Lan vào thị trường Việt Nam thời gian qua?
- Tôi không lo lắng. Chúng ta phải hiểu rằng, cạnh tranh là trái tim của nền kinh tế thị trường. Việc đổ bộ của các doanh nghiệp từ những nền kinh tế tương đồng vào Việt Nam không đáng lo như nhiều người nghĩ, thậm chí, việc này là tốt. Tuy rằng trong ngắn hạn, chúng ta phải chấp nhận thua thiệt.
Thậm chí, doanh nghiệp nào không đủ sức chiến đấu sẽ phải rút lui. Tuy nhiên, bài học Việt Nam là cái gì "nước đến chân mới nhảy" thì sẽ sống mạnh hơn. Ngành thép, mía đường là ví dụ. Nhà nước ta bảo hộ các ngành này từ năm 1995 tới giờ, ôtô cũng vậy, cùng một kiểu lập luận "kéo dài thời gian để củng cố". Theo tôi, chẳng có gì phải củng cố hết.
Cái hay nhất của các vòng đàm phán chính là tạo ra một sức ép hơn mức cần thiết một chút để làm cú hích buộc các doanh nghiệp phải tự cải cách để tồn tại, tồn tại rồi sẽ phát triển.
- Vậy Nhà nước ta phải làm gì, và các doanh nghiệp phải làm gì trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các FTA quan trọng như TPP, EU hay AEC thưa ông?
- Bên cạnh WTO, TPP hay EU, sân chơi ASEAN là một sân chơi cực kì thú vị, là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu như TPP đề cao tính hợp tác nhưng cơ bản là luật chơi thì ASEAN lại là sự kết nối.
Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật tới bất kì hội thảo nào như với Trung Quốc hay Mỹ đều đặt vấn đề ASEAN. Người Nhật đầu tư vào mối quan hệ với ASEAN để chơi với Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, EU.
Việt Nam chưa có nhiều lợi thế lắm trong thương mại do tính tương đồng nhưng ASEAN vẫn là nơi đầu tư hấp dẫn nhất nếu các doanh nghiệp biết cách tận dụng cơ hội. Hiện nay, nơi đầu tư hấp dẫn nhất của FPT là Singapore. Nơi hấp dẫn nhất của Viettel ở Lào, Campuchia.
Khác với TPP, EU, AEC đề cao tính kết nối và mục tiêu xây dựng một thị trường chung, thống nhất. Nguồn: VCCI. |
ASEAN là sân chơi không phải chỉ có lợi ích kinh doanh, mà còn là lợi ích từ hợp tác với rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không chỉ dạy làm tiền mà ASEAN còn giúp chúng ta cách làm tiền xanh, thông minh hơn, bền vững hơn.
Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, đây là cơ hội quyết định cho Việt Nam. 5-7năm nữa nếu không tận dụng tốt cơ hội này, chúng ta sẽ bị mất lợi thế, Việt Nam sẽ mãi mãi khác biệt với thế giới. Bởi 5-7 năm nữa, Thái Lan, Phillipines sẽ cùng vào TPP. 5-7 năm nữa, FTA với EU, ASEAN cũng sẽ đàm phán lại.
Việt Nam đang đi trước trong quá trình hội nhập, nhưng không thể vì là người đi trước nên ta có thể nhởn nhơ.
- Ông luôn nói, cạnh tranh là cần thiết và là yếu tố tích cực thúc đẩy đổi mới để phát triển. Vậy theo ông, chúng ta cần đổi mới nhanh nhất và mạnh nhất ở vấn đề nào?
- Cải cách doanh nghiệp là mục tiêu chúng ta cần thực hiện để thành công. Nhưng muốn cải cách doanh nghiệp, chúng ta phải đổi mới, và đổi mới quan trọng nhất, cần thiết nhất ở đây chính là đổi mới về thể chế.
Chúng ta cần những nhà lãnh đạo phải dần nâng cấp cách hiểu hội nhập từ cách đi con cờ, thế cờ và cả cách chơi cờ với đối thủ mới có thể thắng được.
- Xin cảm ơn ông!