Addy Trần đảm nhận vai trò sản xuất âm nhạc trong chương trình King of Rap. Trước đó, anh hợp tác với nhiều ca sĩ như Hoàng Thùy Linh, Orange… hay Wowy, Karik. Nhà sản xuất cho biết Wowy là một trong những nghệ sĩ để lại cho anh ấn tượng khó quên nhất. Anh nhận xét người bạn thân thiết mộc mạc và hài hước.
“Làm King of Rap, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào"
- Cơ duyên nào đưa anh đến với King of Rap?
- Trước King of Rap, tôi làm khá nhiều chương trình như The Voice, The Remix… Cơ duyên để tôi đến với các chương trình này thông qua anh Hồ Hoài Anh.
Khi nhận lời làm giám đốc âm nhạc một cuộc thi nào đó, anh Hồ Hoài Anh sẽ tìm tới những người có thể phụ anh ấy một phần trong việc sản xuất. Anh Hồ Hoài Anh như một người sếp, nhận việc về rồi giao cho chúng tôi.
- Rap Việt luôn dẫn trước King of Rap về lượt xem, hiệu ứng truyền thông. Lý do dẫn đến sự chênh lệch là gì?
- Ở Rap Việt, các huấn luyện viên đang nổi tiếng. Ngoài ra, có thể thấy chương trình khai thác vấn đề giao lưu giữa các huấn luyện viên, giám khảo khá nhiều.
Trong khi đó, King of Rap hơi thua thiệt về phần huấn luyện viên. Họ có kinh nghiệm nhiều năm nhưng hiện tại lại ít hoạt động. Nhưng bù lại thí sinh trong chương trình có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân.
Việc hai chương trình phát sóng ở những kênh khác nhau cũng dẫn đến sự thay đổi. Các tiết mục trong Rap Việt có câu từ thoải mái hơn, đậm chất underground. Ở King of Rap, chúng tôi phải cân đong, đo đếm và thu lại rất nhiều lần để đảm bảo phần thi được đài truyền hình duyệt.
Một số thí sinh đã phải thu lại vì đài không duyệt phần thi. Thậm chí, có thí sinh áp lực vì không sửa được lyrics theo yêu cầu của đài. Hy vọng qua những chương trình như thế này, các rapper sẽ hiểu hơn cách thức hoạt động của mainstream.
Addy Trần đánh giá Hieuthuhai là thí sinh dễ tiến xa ở King of Rap. Ảnh: Phương Lâm. |
- Anh và giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh đối mặt thế nào với sự so sánh giữa hai chương trình?
- Định hướng, tư duy âm nhạc và trình độ của anh Hồ Hoài Anh phù hợp với chương trình phát sóng trên đài truyền hình quốc gia. Anh ấy có nền tảng, kiến thức vững chắc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc nhưng vẫn cập nhật những xu hướng mới. Từ vòng đầu tới vòng cuối của các chương trình âm nhạc, anh Hồ Hoài Anh thường hướng về world music, đặc trưng là nhạc cụ dân tộc.
Ngoài ra, anh Hồ Hoài Anh không chỉ có một mình để sản xuất chương trình. Anh ấy tìm tới nhiều nhà sản xuất khác chẳng hạn tôi hay Nimbia. Anh ấy chú ý về tư duy, định hướng âm nhạc và cả tâm sinh lý các thí sinh.
- Khi nhận lời tham gia King of Rap, anh phải đảm bảo những yêu cầu gì từ chương trình?
- Producer hiện giờ nhiều nhưng để đảm đương một chương trình như thế này không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay với những gương mặt quen thuộc như SlimV, Nimbia, Tín Lê… Áp lực rất nhiều và đòi hỏi người sản xuất có nhiều kinh nghiệm.
Với King of Rap, một tập 10 bài hát tương đương 10 bản phối. 10 bản phối kéo theo 10 lần thu âm. Các thí sinh phải thu âm cùng lúc trong khi thời gian vô cùng gấp rút. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những vòng đầu, mấy chục thí sinh qua nhà tôi để thu âm. Mỗi người chỉ thu khoảng 5 phút nhưng có bạn phải chờ từ 10h đến 22h.
Chúng tôi chỉ rảnh sau khi hoàn thành bài thi cho các thí sinh, còn trước đó, gần như làm việc liên tục, không ngơi nghỉ. Một ngày tôi ngủ khoảng 6 tiếng.
- Trong top 8, anh ấn tượng với thí sinh nào nhất?
- Tôi ấn tượng với âm nhạc của Hieuthuhai, nghe vui vẻ, thoải mái và hợp với những khán giả thích hướng giải trí, mới nghe rap. Tuy nhiên, thí sinh hay nói chuyện với tôi nhất là ICD.
ICD rất dễ thương, thỉnh thoảng nói với tôi: “Em mà trúng một tỷ đồng hoặc trở nên nổi tiếng, em xây cả phòng thu cho anh”. Tôi công nhận vocal, vần của ICD hay và cậu ấy là một trong những người rap rõ nhất tôi từng nghe. Tuy nhiên, tôi không thích rap life nội tâm, hơi nặng nề mà ICD theo đuổi.
Nhà sản xuất làm nhạc trong King of Rap, góp phần làm nên những phần thi hấp dẫn. Ảnh: Phương Lâm. |
“Tháng cao điểm, tôi kiếm được 300 triệu đồng”
- Trước King of Rap, công việc của anh khá im ắng. Khán giả thấy anh ít ra sản phẩm mới. Vì sao?
- Thời gian qua, tôi tập trung vào việc sản xuất âm nhạc cho King of Rap hoặc nhạc quảng cáo… Những sản phẩm như vậy không để tôi đứng tên mà chỉ lao động kiếm tiền. Do đó, nhiều khán giả thấy tôi im ắng, không ra mắt sản phẩm âm nhạc mới.
Giai đoạn 16-28 tuổi, cuộc sống của tôi khá chật vật và phải đối mặt với bài toán khó. Việc sản xuất âm nhạc với tôi là con đường song song để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung cho vai trò sản xuất mà không ra sản phẩm riêng, tôi lo lắng sau này khán giả không nhớ mình là ai. Thế nhưng, tôi không đủ kinh phí để đầu tư quá nhiều cho sản phẩm.
- Anh giải quyết bài toán đó như thế nào?
- Tôi tập trung làm nhạc và không để tâm những vấn đề xung quanh, thậm chí không làm PR, truyền thông hay đăng hình lên mạng xã hội.
Tôi cũng không tiếp xúc nhiều với người trong giới, chẳng mấy khi gặp người này người kia để cà phê, trò chuyện. Thành ra tôi khá thua thiệt so với đồng nghiệp. Đổi lại, thỉnh thoảng tôi viết chơi lại hot, chẳng hạn bài Vì yêu mà đến cho một chương trình.
Có lần tôi sáng tác Đồ nói dối, Karik còn hỏi viết để làm gì. Thế nhưng, sau đấy, bài hát may mắn leo lên hạng 2 của một trang nghe nhạc. Nói chung, tôi không theo được hướng thị trường. Ngược lại tôi thích làm những gì mình đam mê, đúng sở trường hơn.
Một tháng tôi bán được khoảng 3, 4 bài hát, mỗi bài trị giá 40-59 triệu đồng. Những ca sĩ tôi thân thiết, yêu quý thì thường không lấy tiền. Tiền tiêu cũng hết, do đó, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là theo đuổi đam mê và kiên định với lựa chọn của mình.
Addy Trần tâm sự anh trải qua nhiều khó khăn trong hành trình gắn bó với âm nhạc. Ảnh: Phương Lâm. |
- Tháng bán nhiều bài nhất, anh kiếm được bao nhiêu tiền?
- Tháng cao điểm nhất là sau khi thi The Remix, tôi bán được 5 bài nhưng phối tới 20 bài. Tháng đó, tôi kiếm được khoảng 300 triệu đồng. Tôi ở nhà 3 tháng chỉ ăn cơm tấm với mì gói. Tính tôi khi đang lo công việc thì chỉ ăn cho xong, món gì cũng được. Hiện tại, tôi tập trung làm nhạc quảng cáo nhiều hơn. Thu nhập mỗi tháng trung bình khoảng 100 triệu đồng.
May mắn, tôi được anh em trong nghề, đặc biệt các bạn ca sĩ hợp tác, hỗ trợ. Họ có nhiều sự lựa chọn khác nhưng họ vẫn quyết định làm việc với tôi bởi họ tin tưởng. Ngoài ra, tôi có đối tượng khán giả riêng.
Đương nhiên, để có được hiện tại, tôi phải trả giá bằng nhiều thứ, từ thời gian tới công sức, thậm chí từng làm việc 2 năm không lương.
“Tôi có nhiều kỷ niệm với Wowy và Karik”
- Trong một bài viết về Wowy, anh chia sẻ kỷ niệm cách đây 12 năm khi anh và huấn luyện viên Rap Việt chơi thân rồi cùng sản xuất âm nhạc. Nhớ lại quãng thời gian đó, trong anh đọng lại dấu ấn gì?
- Mỗi người tôi hợp tác có tính cách khác nhau nhưng để lại nhiều kỷ niệm nhất có lẽ là Karik và Wowy. Vào khoảng 2007, 2008, tôi cùng Karik hoạt động chung một nhóm hip hop. Chúng tôi rủ nhau làm chung mấy bài hát. Thời đó, chúng tôi đâu có tiền đầu tư mà chỉ tự thu âm. Khi đó, Karik dẫn Wowy qua thu bài Khu tao sống. Tôi là người đi quay, set từng góc máy rồi dựng sản phẩm cho cả hai. Quá trình quay có nhiều cảnh thú vị. Sau đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện Hai thế giới.
- Tuy nhiên, Addy Trần cho biết có thời gian anh nghĩ Wowy lạc lối. Cụ thể sự lạc lối đó như thế nào?
- Đến giờ tôi vẫn coi Hai thế giới là bài hit của Wowy bởi lyrics rất hay và luôn mang lại cảm xúc cho tôi. Từ đó đến giờ Wowy với Karik không hợp tác nữa bởi mỗi người có một đường lối. Wowy vẫn trung thành với underground còn Karik thiên hơn về thị trường giải trí.
Không ai phủ nhận tài năng và sự nỗ lực của Wowy. Nhưng đằng sau mỗi nghệ sĩ còn là câu chuyện âm nhạc của họ có phù hợp thị hiếu hay không và họ có sống được bằng đam mê đó hay không. Đó là bài toán của Wowy, trong khi Karik giải quyết được. Đó là lý do tôi nói có giai đoạn tôi nghĩ Wowy lạc lối.
Addy Trần có thời gian sản xuất âm nhạc cùng Wowy, Karik. Ảnh: Phương Lâm. |
- Trong khi anh đứng ở hậu trường sản xuất nhạc thì những người bạn như Wowy, Karik đã bước lên sóng truyền hình, đảm nhận vai trò huấn luyện viên và có nhiều lời mời, hợp đồng quảng cáo. Anh có chạnh lòng vì điều đó?
- Tôi khá bất ngờ và cảm thấy vui mừng. Thú thật ban đầu tôi còn không biết King of Rap và Rap Việt là hai chương trình khác nhau. Khi biết Wowy làm huấn luyện viên, tôi còn hỏi: "Mày làm chương trình này hả, tao cũng vậy nè". Tôi đã rất vui mừng khi bạn mình nhận vai trò này.
Cái duyên của Wowy nằm ở truyền hình và khán giả thấy dễ thương với những gì Wowy thể hiện. Wowy rất bình dân, vui vẻ và thoải mái, khác với những nghệ sĩ khác. Nhiều khi lối thể hiện đó lại hot.
- Ngoài đời, Wowy cũng như vậy?
- Đúng vậy, cậu ấy cũng mộc mạc, hài hước như thế. Wowy không giữ kẽ.
- Còn về chuyên môn, cách dẫn dắt của Karik và Wowy qua các phần thi của thí sinh trong chương trình Rap Việt, anh cảm thấy thế nào?
- Wowy rất có tâm, cảm giác cậu ấy theo sát thí sinh. Cách Wowy truyền tải đam mê, kinh nghiệm cho thí sinh có sự thoải mái, không màu mè hay quá nhiều kỹ thuật làm khó các bạn. Ngược lại, thí sinh rất trân trọng bằng cách nhắc tới Wowy và đồng đội trong phần thi nhiều lần. Đội Wowy rất mạnh và tôi trân trọng điều đó.