Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa kiến nghị Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, giao Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư 2 dự án. Cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác hàng năm (từ 2019) để đầu tư.
ACV kiến nghị Chính phủ cấp phép cho công ty này được tạm ứng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh (có tính yếu tố sử dụng vốn theo lãi suất ngân hàng) để bổ sung phần còn thiếu sau khi đã sử dụng nguồn chênh lệch thu chi.
Vệt hằn lún rộng khoảng 1 m trên đường băng Nội Bài. Ảnh: NIA. |
Dự kiến, suất đầu tư nâng cấp khu bay sân bay Tân Sơn Nhất là 1.876 tỷ đồng, khu bay Nội Bài là 2.276 tỷ đồng, trong đó cải tạo, xây mới đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh.
ACV kiến nghị Bộ GTVT thực hiện chức năng cấp quyết định đầu tư 2 dự án, giao ACV làm chủ đầu tư. Sau khi nhận quyền chủ đầu tư, ACV sẽ thi công đường băng sân bay Nội Bài trong 19 tháng, trong đó đóng đường cất - hạ cánh 1A và 1B mỗi đường 4 tháng.
Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được thi công trong 16 tháng, trong đó đóng đường cất hạ cánh 25R trong 4 tháng để thi công.
Đường cất - hạ cánh của 2 sân bay được lựa chọn thời gian đóng vào mùa thấp điểm từ tháng 8-12. Đây là phương án đóng đường băng chủ động để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động khai thác. Nếu không chủ động sửa chữa, đường băng có thể phải đóng đột xuất vào mùa cao điểm, gây xáo trộn hoạt động khai thác.
Theo đánh giá của tư vấn ADPi, cấu hình khu bay của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng được 231.000 lần cất - hạ/năm, tương đương 35-37,5 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất phải gánh tới 259.805 lần cất - hạ, tương đương 41,11 triệu hành khách.
Sân bay Nội Bài hiện chưa vượt ngưỡng công suất khai thác nhưng sẽ sớm vượt trong năm 2022. Đến năm 2025, sản lượng khai thác dự kiến đạt 44 triệu khách mỗi năm, trong khi cấu hình khu bay hiện chỉ đáp ứng 31-32,7 triệu khách mỗi năm.
Trước tình trạng khai thác khu bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tần suất cao, các đường cất - hạ cánh, đường lăn đã xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn bay.
Tuy nhiên, do vướng mắc cơ chế về nguồn vốn đầu tư, ACV không thể có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp quy mô lớn. Để duy trì khai thác, ACV thường xuyên phải duy tu, sửa chữa nhỏ với nguyên tắc hỏng đâu sửa đó. Với điều kiện sửa chữa thời gian ngắn, khai thác ngay sau khi hoàn thành dẫn đến hư hỏng tái diễn.