Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Ác mộng' Covid-19 ở Ấn Độ gây hiểm họa cho cả thế giới

Các chuyên gia lo ngại làn sóng Covid-19 ở Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng trên toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện cho virus sản sinh các đột biến mới.

Covid-19 o An Do anh 1

Hơn một năm kể từ khi Covid-19 tấn công, giờ đây thế giới đang chứng kiến hai khung cảnh với màu sắc đối nghịch.

Ở một số nước, như Anh và Mỹ, nhiều người sau khi tiêm vaccine vui mừng ôm chầm lấy bạn bè, người thân sau thời gian xa cách. Ở Ấn Độ, hàng nghìn người tuyệt vọng đếm ngược thời gian của mình, các gia đình đau khổ nhìn người thân ra đi.

Bệnh viện hết giường và oxy, họ đành phải quay lưng với bệnh nhân mới. Số ca nhiễm mới ở nước này tăng lên mức kỷ lục mỗi ngày, tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc gia và hiểm họa cho toàn cầu, theo CNN.

Covid-19 o An Do anh 2

Gia đình ôm người thân vừa mất vì Covid-19. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu virus càng lây lan, thì nó càng có cơ hội sản sinh ra đột biến và tạo ra biến chủng chống lại các vaccine hiện tại. Điều này là mối đe dọa lớn đến công cuộc chống dịch của các quốc gia khác.

“Nếu chúng ta không giúp đỡ Ấn Độ, tôi lo lắng số ca bệnh sẽ bùng nổ trên khắp thế giới”, tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói.

Chậm chạp trong cứu trợ, muộn màng trong tương hỗ

Một số quốc gia đang bắt đầu ráo riết hỗ trợ Ấn Độ.

Mỹ đã gửi một máy nén oxy đến vào đầu tuần này. Hôm 28/4, Anh, Italy và Đức đã cam kết hỗ trợ thêm thiết bị y tế. Cùng ngày, máy bay Nga cất cánh từ Zhukovsky đến Delhi mang theo thuốc, thiết bị theo dõi bệnh trạng và máy thở.

Dẫu vậy, các nỗ lực hỗ trợ này chỉ diễn ra sau nhiều ngày Ấn Độ liên lục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức kỷ lục, trên 300.000 trường hợp mỗi ngày, và hệ thống y tế của nước này đã kiệt quệ.

Tuy ưu tiên trước mắt là cứu bệnh nhân, việc tiêm vaccine cũng rất quan trọng để ngăn chặn virus lây lan. Dù là quê hương của nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ vẫn không có đủ vaccine cũng như không có cách nào nhanh chóng và đơn giản hơn để sản xuất nhiều hơn.

Trong khi đó, nhiều nước phương Tây lại bị chỉ trích vì đang dự trữ vaccine. Thế nhưng, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 28/4 cho biết Vương quốc Anh không có vaccine dự phòng để hỗ trợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/4 cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, xác nhận Mỹ có ý định gửi vaccine tới Ấn Độ. Hồi đầu tuần, Mỹ cho biết họ sẽ chia sẻ 60 triệu liều AstraZeneca với các quốc gia khác, nhưng không nói rõ là quốc gia nào hoặc khi nào. Nhà Trắng lưu ý việc chuyển giao vaccine có thể mất nhiều tháng.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết việc phân phối vaccine cân bằng cho toàn thế giới là điều cần thiết.

“Tất cả đều chung sống trong một thế giới kết nối. Và vì vậy, các quốc gia có trách nhiệm đối với nhau”, ông nói với Guardian.

Các chuyên gia cảnh báo thế giới có nguy cơ lặp lại kịp bản đang diễn ra ở Ấn Độ, nếu biến chủng mới ở nước này không được kiểm soát nhanh chóng. Và, vì Ấn Độ có vai trò hàng đầu trong việc sản xuất vaccine cho các quốc gia khác, sự chậm chạp trong việc ngăn chặn virus lây lan ở nước này có thể gây nguy hiểm cho việc triển khai vaccine trên toàn thế giới.

Covid-19 o An Do anh 3

Một bãi hỏa táng tập thể dành cho nạn nhân của Covid-19 ở New Delhi. Ảnh: Getty.

Là nhà sản xuất hàng đầu, Ấn Độ từng cố gắng linh hoạt hơn trên thị trường vaccine.

Tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine để thúc đẩy sản xuất.

Hơn 80 quốc gia đang phát triển ủng hộ đề xuất này, Lancet báo cáo.

Thế nhưng, các quốc gia thịnh vượng hơn, bao gồm Anh, Thụy Sĩ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đã phản đối vì cho rằng điều này sẽ khiến nguồn cung vaccine tăng đột biến.

Họ tin rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine sẽ khuyến khích nghiên cứu và đổi mới.

Và giờ đây, nhiều nơi trên thế giới vẫn đang thiếu hụt nguồn cung.

Biến chủng “so găng” vaccine

Virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Kể từ đó, virus này đã lây lan khắp thế giới từ người sang người. Chúng sản sinh ra những đột biến mới và hình thành nên nhiều biến chủng khác nhau hoành hành khắp nơi.

Tháng 12/2020, các nhà khoa học phát hiện biến chủng mới được gọi là B.1.617 ở Ấn Độ. Dẫu vậy, vì thiếu sự giám sát bộ gene, họ không biết liệu biến chủng này liệu có gây ra một cuộc khủng hoảng hay không.

Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Genomics và Sinh học Tích hợp, cho biết vào ngày 23/4 rằng có mối tương quan giữa mức độ phổ biến của biến chủng mới với sự gia tăng số ca bệnh ở Ấn Độ.

Ông Agrawal chia sẻ nhóm ông thấy sự gia tăng của B.1.617 tại các ổ dịch như Maharashtra và Delhi.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ở Delhi và ở miền bắc Ấn Độ còn có sự xuất hiện của biến chủng lần đầu được phát hiện ở Anh: B.1.1.7. Biến chủng này dường như chiếm ưu thế hơn so với B.1.617.

Tiến sĩ Fauci cho biết dữ liệu gần đây cho thấy vaccine Covid-19 sản xuất tại Ấn Độ, Covaxin, có thể chống lại B1.617.

“Tiêm phòng có thể là một liều thuốc giải độc rất quan trọng”, ông nói.

Các biến chủng khác, như dòng được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Brazil, cũng được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn chủng gốc và chúng đã xâm nhập vào rất nhiều quốc gia.

Covid-19 o An Do anh 4

Ấn độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hầu hết bệnh viện không còn giường hay oxy. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna Inc. và Johnson & Johnson đã cho thấy các mức độ hiệu quả khác nhau đối với các biến chủng này. Tuy nhiên, vì virus có thể biến đổi khi nó lây lan, không có gì đảm bảo rằng vaccine hiện có sẽ bảo vệ con người khỏi các biến chủng mới.

Vì vậy, không quốc gia nào là thật sự an toàn, bất kể bao nhiêu người đã được tiêm chủng.

Tiến sĩ Jha nói: “Mọi quốc gia nên dự liệu về những đợt bùng phát lớn vượt ngoài tầm kiểm soát. Các quốc gia như Anh và Mỹ đang thực hiện rất tốt việc tiêm chủng. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ đối phó được với những biến chủng hiện tại mà thôi”.

Hơn 142 triệu người ở Mỹ và 33 triệu người từ 18 tuổi trở lên ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, tương ứng khoảng 43% và 64% dân số đủ điều kiện.

Trong khi đó, khoảng 129 triệu người ở Ấn Độ đã nhận được ít nhất một liều vaccine, tính đến cuối tháng 4, theo báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm hơn 8% tổng dân số của Ấn Độ. Các chuyên gia đã đổ lỗi cho việc triển khai vaccine chậm và thiếu nguồn cung.

Nhà dịch tễ học Brahmar Mukherjee cho biết Ấn Độ sẽ cần tiêm 10 triệu liều mỗi ngày để tiêm chủng cho tất cả người lớn trong vòng 5 đến 6 tháng tới, giả sử có đủ liều.

Ấn Độ "nguy kịch", các nước khác bị đặt vào nguy cơ

Ngoài nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, làn sóng Covid-19 thứ hai của Ấn Độ còn đưa ra một thách thức cấp bách hơn cho thế giới.

Quốc gia này là một thành viên chính của COVAX, sáng kiến ​​chia sẻ vaccine toàn cầu. Các nước tham gia có thu nhập thấp sẽ được nhập vaccine với giá rẻ hoặc miễn phí.

Trước đây, Ấn Độ hứa cung cấp 200 triệu liều cho COVAX để phân phối cho 92 quốc gia đang phát triển.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) đã cung cấp 28 triệu liều vaccine AstraZeneca, COVAX cho biết trong một tuyên bố vào tháng 3. Quốc gia ngày đã dự kiến cung cấp thêm 90 triệu liều nữa trong tháng 3 và tháng 4.

Tuy nhiên, đợt bùng phát nghiêm trọng tại nước này khiến Delhi buộc phải tạm hoãn lời hứa để ưu tiên nhu cầu trong nước.

Covid-19 o An Do anh 5

Bệnh nhân buộc phải nằm ra nền đất vì không còn giường. Ảnh: Reuters.

Bà Shruti Rajagopalan, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason, cho biết: “Tôi không nghĩ giới lãnh đạo toàn cầu đã nhận thức rõ ràng được rằng sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng xấu đến thế giới như thế nào”.

Bà nói rằng việc Ấn Độ tập trung nguồn vaccine cho nhu cầu trong nước đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia khác, như Nam Phi hay Brazil, phải chờ đời.

“Việc tiêm chủng của thế giới đang bị trì hoãn đến vài tháng”, bà nói.

John Nkengasong, giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh của châu Phi, hồi đầu tháng cũng cảnh báo rằng việc Ấn Độ hoãn cung cấp vaccine có thể gây ra “thảm họa” đối với việc triển khai vaccine của châu Phi.

'Tôi mất vợ con trong cùng một ngày vì Covid-19' Hầu hết bệnh viện tại Ấn Độ quá tải, thân nhân đau khổ cầu xin giường và bình dưỡng khí cho bệnh nhân. Các lò hỏa thiêu hết chỗ, nhiều xe tải chở thi thể xếp hàng dài chờ đợi.

40 nước cam kết hỗ trợ oxy cho Ấn Độ

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla ngày 29/4 cho biết hiện có 40 nước cam kết hỗ trợ khí thở để quốc gia Nam Á này chống chọi với làn sóng dịch Covid-19, theo Reuters.

'Tôi đọc tin tức mỗi ngày và không ngừng khóc'

Đó là chia sẻ của Deepa - một người Australia đang sinh sống ở Ấn Độ - tâm dịch Covid-19 của thế giới.

Hồng Ngọc

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm