Khi Djokovic lên máy bay từ Melbourne đến Dubai đêm 16/1, cuộc hành trình kỳ lạ nhất của tay vợt số một thế giới - và có lẽ của cả làng banh nỉ - khép lại theo một cách không lấy làm vui vẻ.
Tuy vậy, quãng thời gian qua có thể chỉ là sự khởi đầu cho các thách thức mà tay vợt Serbia phải đối mặt nếu không công khai tình trạng tiêm chủng, theo Wall Street Journal.
Các quy định về tiêm chủng trên khắp thế giới khó có thể được nới lỏng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, một số quốc gia và thành phố đăng cai các giải tennis lớn vẫn tỏ ra cứng rắn trong vấn đề này. Giờ đây, giới hâm mộ tennis thế giới đang chờ xem Djokovic có chịu thay đổi hay không.
Thách thức trước mắt
Djokovic bay hàng nghìn cây số từ Dubai tới Australia với hy vọng bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải tennis Australian Open, cũng như vượt qua Roger Federer và Rafael Nadal để trở thành tay vợt giành được nhiều danh hiệu Grand Slam nhất trong làng banh nỉ thế giới.
Tuy vậy, anh thậm chí không có cơ hội ra sân. Khi đặt chân tới sân bay thành phố Melbourne đêm 5/1, anh bị giữ lại bởi cơ quan biên phòng, bị hủy visa rồi chuyển đến một khách sạn cho những người nhập cư trái phép. Dù kháng cáo hai lần, Djokovic không thể đảo ngược tình hình.
Khi Tòa án Liên bang Australia ra phán quyết giữ nguyên quyết định hủy visa của Djokovic, được đưa ra bởi Bộ trưởng Di trú Alex Hawke, tay vợt này không còn cách nào khác ngoài lên máy bay về nước.
Tuy nhiên, Australian Open có thể chỉ là danh hiệu lớn đầu tiên mà Djokovic để tuột chỉ vì vấn đề vaccine.
Djokovic vẫn phải rời Australia sau gần 2 tuần đấu tranh pháp lý. Ảnh: Reuters. |
Ở thời điểm này, Djokovic, Federer và Nadal đang cùng sở hữu 20 danh hiệu Grand Slam. Trong ba tay vợt, Djokovic có tuổi đời trẻ nhất và cũng đang có phong độ tốt nhất. Những lợi thế này giúp anh trở thành ứng cử viên có khả năng sáng giá nhất để vươn lên dẫn trước.
Tuy vậy, nếu lệnh cấm nhập cảnh vào Australia trong 3 năm không được gỡ bỏ, đây sẽ là thảm họa với tay vợt người Serbia. Australian Open là giải đấu yêu thích nhất của Djokovic, nơi anh từng 9 lần lên ngôi vô địch.
Sau khi Djokovic bị trục xuất khỏi Australia, Bộ trưởng Thể thao Pháp Roxana Maracineanu giội cho anh thêm một gáo nước lạnh. Bà tuyên bố mọi vận động viên đều phải tiêm vaccine nếu muốn đến Pháp, trừ khi tình hình “thay đổi đáng kể, theo AFP.
Pháp là quốc gia đăng cai giải tennis lớn thứ hai trong năm: Roland Garros (hay còn được gọi là French Open). Đây cũng là giải đấu mà Djokovic đang là nhà đương kim vô địch.
Ngày 17/1, Bộ Thể thao Pháp củng cố quan điểm của bà Maracineanu khi tuyên bố không vận động viên nào được miễn trừ tại Roland Garros năm nay. Cơ quan này khẳng định quy định về vaccine tại Pháp “áp dụng cho mọi vận động viên chuyên nghiệp và người theo dõi thể thao”.
Rào cản từ chính bản thân
Quy định về vaccine của nước Anh, nơi tổ chức Wimbledon, không chặt chẽ như Pháp. Do đó, Djokovic có thể tạm thời yên tâm với giải đấu này. Tuy nhiên, những quy định nhập cảnh của Mỹ, nước đăng cai giải Grand Slam cuối cùng trong năm. Giống như Australia, Mỹ yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh phải tiêm đủ hai mũi vaccine.
Bên cạnh đó, kể cả khi được miễn trừ, Djokovic cũng có thể gặp rắc rối khi quy định phòng dịch của thành phố New York yêu cầu mọi người phải tiêm chủng nếu muốn tham dự các sự kiện trong nhà.
Không rõ ban tổ chức U.S. Open sẽ xử lý thế nào nếu các cơn mưa buộc mái vòm của sân vận động đóng lại, khiến nơi thi đấu trở thành “địa điểm trong nhà” về mặt kỹ thuật.
Mái vòm của sân vận động Arthur Ashe tại New York có thể biến đây thành "địa điểm trong nhà" về mặt kỹ thuật. Ảnh: Reuters. |
Djokovic vẫn chưa tiết lộ kế hoạch của anh trong tương lai. “Tôi muốn dành thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi, trước khi bình luận thêm bất cứ điều gì về vấn đề này”, anh tuyên bố trên đường rời Australia.
Sự việc vừa qua báo hiệu một năm mới không êm đềm với tay vợt nam số một thế giới. Vấn đề tiêm chủng không làm khó Djokovic trong suốt năm 2021. Anh thậm chí có mùa giải thành công nhất lịch sử khi giành tới ba chức vô địch Grand Slam. Lần đầu tiên trong lịch sử, anh cân bằng với Federer và Nadal về số danh hiệu lớn.
Cả ba chức vô địch đều mang tính biểu tượng. Nếu như danh hiệu thứ 9 tại Australian Open giúp anh khẳng định sự thống trị của mình ở giải đấu này, việc vượt mặt “ông vua sân đất nện” Rafael Nadal và “ông vua sân cỏ” Roger Federer để giành 2 danh hiệu tiếp theo là điều không thể ngọt ngào hơn với Djokovic.
“Tôi muốn tỏ lòng kính trọng với Rafa (Nadal - PV) và Roger, họ là những huyền thoại ở môn thể thao này và là hai tay vợt quan trọng nhất mà tôi phải đối mặt trong sự nghiệp”, Djokovic nói sau khi giành danh hiệu Grand Slam thứ 20.
“Họ cho tôi thấy bản thân cần làm gì để mạnh mẽ hơn, cả về thể chất, chiến thuật lẫn tinh thần”, tay vợt này chia sẻ. “10 năm qua là một cuộc hành trình đáng kinh ngạc và tôi sẽ không dừng lại ở đây”.
Tuy vậy, nếu Djokovic không thay đổi quan niệm về đại dịch và việc tiêm chủng vaccine Covid-19, cuộc hành trình của anh sẽ vấp phải những trở ngại không thể vượt qua bằng kỹ năng tennis, như những gì tay vợt này vừa trải qua tại Australia.