Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ác mộng bất tận của cô dâu Campuchia ở Trung Quốc

Dù có đến hàng chục phụ nữ Campuchia bị lừa bán sang Trung Quốc mỗi năm để làm dâu, có rất ít người có thể trở về.

nan nhan buon nguoi Campuchia anh 1

Sok, năm đó 17 tuổi, đã bị buộc phải kết hôn gần như ngay lập tức khi vừa đến đất Trung Quốc vào năm 2018.

Những gì mà cô hình dung trước khi quyết định tha hương cầu thực là một công việc tốt tại nhà máy giày dép với mức lương ban đầu là 500 USD, sau đó tăng dần lên 600 USD1.000 USD mỗi tháng, cao hơn gấp nhiều lần so với mức 140 USD mà cô đang có khi đó, theo lời dụ hoặc hấp dẫn của một người làm cùng công ty.

“Công ty rất tốt. Họ có thể cho em vay tiền nếu gia đình đau ốm”, người kia nói. Là trụ cột của gia đình khi mới 17 tuổi, Sok không nghĩ gì nhiều.

Thế nhưng trái ngược với những gì Sok mong chờ, điều đang đợi cô ở Trung Quốc là một ông chồng không rõ từ đâu xuất hiện, và những tháng ngày sống cặm cụi, vất vưởng, cố tìm cách trốn thoát khỏi sự kiểm soát của nhà chồng, và vật vã tìm đường trở về quê hương. Họ đã tịch thu hộ chiếu của cô.

Trường hợp của Sok là tình cảnh chung của hàng chục trẻ em gái và phụ nữ nghèo Campuchia bị lừa bán sang Trung Quốc mỗi năm để phục vụ cho nhu cầu kết hôn của đàn ông tại đất nước đang bị mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số nạn nhân có thể không đếm xuể, nhưng số người có thể thoát khỏi cuộc đời của một “món hàng” chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tiếng thét cầu cứu

Không phải là người thụ động chỉ biết ngồi chờ và phó mặc mọi thứ cho số phận, Sok nhanh chóng bắt đầu lên kế hoạch bỏ trốn. Cô cầu xin chồng cho một chiếc điện thoại thông minh, nói rằng cô muốn xem video trực tuyến.

Bất chấp bản thân ban đầu tỏ ra khá miễn cưỡng, Sok đã thành công. “Chồng tôi nói đừng chơi Facebook với người Khmer, đừng tiếp xúc với người Khmer vì họ không tốt và họ sẽ cố đưa em đi khỏi đây”, cô nhớ lại.

nan nhan buon nguoi Campuchia anh 2

Kunthea đi dạo cùng con sau khi trở về từ Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Dù bố mẹ chồng hạn chế việc sử dụng điện thoại của Sok, ngay sau khi cô tìm ra cách sử dụng VPN và thiết lập Facebook, cô gái đã nhắn tin cho mẹ, người sau đó đã đến Phnom Penh và khiếu nại với Bộ Nội vụ Campuchia vào ngày 10/10/2019. Bà được thông báo là hãy đợi.

Cuối cùng, Sok đã mất hơn hai năm, bao gồm cả hai lần bỏ trốn không thành công. Trong lần cô cố gắng bỏ trốn đầu tiên, bố mẹ chồng của Sok đã chặn cô ngay khi cô đang trên đường đến nhà của một phụ nữ Campuchia sống ở Trung Quốc, người mà cô kết bạn trên Facebook.

Lần thứ hai, cô chạy đến đồn cảnh sát địa phương, cầu xin sự giúp đỡ. Gia đình chồng được thông báo đến đồn ngay sau đó. “Họ đã nói chuyện với cảnh sát và cố đưa tôi về nhà cùng họ. Tôi đã thét lên cầu xin sự giúp đỡ, nhưng không ai chìa tay”, Sok nói. "Họ đóng cửa để không ai có thể nhìn thấy tôi”.

Trở về nhà chồng, biết mình không thể nhờ cậy ai xung quanh, trong nỗ lực cuối cùng, Sok đã cầu xin sự giúp đỡ qua một bài đăng trên Facebook, kèm hình ảnh nơi cô đang bị giam giữ: Tầng hầm tồi tàn với một chiếc giường.

Khi Kunthea, một nạn nhân khác bị lừa bán vào cuối năm 2020, bỏ trốn đến đồn cảnh sát gần nhất ở Giang Tây vào tháng 8/2021, cô cũng bị đe dọa tống giam. Không ai giải thích cô đã phạm tội gì.

Chồng cô ngay lập tức nhận được thông báo từ cảnh sát, và cô được thúc giục trở về nhà với anh ta, vì theo lời thừa nhận của chính cô, người chồng không bạo lực. “Người phiên dịch nói với tôi rằng nếu tôi không đi cùng chồng, tôi sẽ phải ngồi tù một năm”, Kunthea kể lại.

nan nhan buon nguoi Campuchia anh 3

Kunthea ôm con trong lòng khi kể về hành trình chạy trốn khỏi Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Lo sợ không còn cơ hội trở về quê hương nếu theo người chồng xa lạ, Kunthea chấp nhận bị giam một mình trong một căn phòng không có cửa sổ, không ánh sáng, thậm chí không có tiếng nói chuyện trong nhiều tuần liền. Chỉ có tiếng người ta mang thức ăn vào rồi đi ra ngoài.

Điều duy nhất giúp Kunthea tiếp tục gắng gượng là suy nghĩ về các con. “Tôi đã kiên trì vì các con ở quê nhà của mình. Tôi đã nghĩ về chúng rất nhiều”.

Thái độ của cảnh sát

Vài ngày sau khi lời kêu cứu của Sok được lan truyền, cảnh sát mới thực sự vào cuộc. Trái với thái độ trước đó tại đồn, họ xuất hiện trước cửa nhà chồng cô. Tháng 12/2020, cô đã đến Phnom Penh cùng với một số phụ nữ khác.

Thái độ của cảnh sát Trung Quốc đối với Sok là điển hình cho thái độ của địa phương đối với phụ nữ bị buôn bán, theo Thi Hoang, nhà nghiên cứu của cơ quan giám sát quốc tế Global Initiative Against Transnational Organisation Crime (Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có tổ chức Xuyên quốc gia). “Họ không coi trường hợp này là một vụ buôn bán người, mà coi đó là một trường hợp gia đình bất hòa”, bà nói.

“Trong các trường hợp khác, cảnh sát Trung Quốc cũng giam giữ các nạn nhân buôn người Campuchia trong từ 3 tháng đến một năm vì họ ở quá hạn visa hoặc không thể cung cấp danh tính hợp pháp hay giấy phép cư trú hợp pháp khi bị kiểm tra”.

Su, một cựu cảnh sát ở miền Đông Trung Quốc, đã được đổi tên vì không được ủy quyền phát ngôn với truyền thông, cho biết tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn, nơi cơ quan thực thi pháp luật miễn cưỡng công nhận buôn bán người là một tội ác.

"Người ta không coi họ là nạn nhân. Hầu hết mọi người không có thiện cảm với họ, nói rằng họ là những người muốn bán mình để có một cuộc sống tốt hơn. Người ta nói rằng họ đến vùng nông thôn và thấy chồng mình không phải là người giàu có nên tự nhận mình bị bạo hành và cưỡng hiếp”.

Su (30 tuổi) đã trở thành người bênh vực cho những phụ nữ này và ngày nay làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu buôn người ở Anh. Cô đã tập hợp một nhóm nữ tình nguyện viên để giúp đỡ các cô dâu bị buôn bán ở Trung Quốc.

“Trong đại dịch Covid-19, những cô gái bỏ trốn phải được cách ly gần biên giới. Họ sẽ được hỏi về giấy ủy quyền của chồng, và họ không có bất kỳ người Trung Quốc nào giúp đỡ”, Su nói.

nan nhan buon nguoi Campuchia anh 4

Kunthea đến Trung Quốc với hy vọng kiếm được một công việc lương cao hơn để nuôi sống 2 con. Ảnh: South China Morning Post.

Su cho biết thêm trong vài trường hợp, một số tình nguyện viên địa phương cũng khó lòng giúp đỡ khi được các nạn nhân cầu cứu, vì không tìm được nơi trú ẩn an toàn gần nơi ở của nạn nhân, và vì chính họ cũng sẽ gặp rắc rối nếu không tính toán kỹ lưỡng.

Ở Campuchia, em trai Kunthea, Bros, cầu xin các nhà chức trách đưa Kunthea trở lại.

Vào ngày cô bỏ trốn, ngày 10/8/2021, cô đã tìm được cách chia sẻ địa chỉ nhà của chồng với em trai, nói rằng cô đang đến đồn cảnh sát. “Chị sợ họ có thể bắt được chị. Họ sẽ nhốt chị trong nhà mãi mãi”, cô nói trong tin nhắn của mình. Sau đó cả hai mất liên lạc.

"Chị tôi đã bị đưa đến làm việc ở Trung Quốc nhưng hiện đã bị bán", Bros viết trên trang Facebook của Phó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng cùng ngày. “Chị tôi đã bị giam giữ và tôi không thể liên lạc với chị. Xin vui lòng giúp đỡ". Vài ngày sau, Bros nhận được tin mừng từ nhà chức trách Campuchia: Kunthea sắp về nước.

Cuối cùng, trở về đoàn tụ với các con vào tháng 11 năm ngoái, Kunthea kể lại: “Đứa con lớn của tôi rất vui, chạy đến và ôm chầm tôi, gọi ‘Mẹ ơi’, nhưng đứa thứ hai không nhận ra tôi”, Kunthea nói. Khi cô rời đi Trung Quốc, cậu bé, giờ đang cuộn tròn trong lòng cô và vén mái tóc màu mật ong của cô, mới được 7 tháng tuổi.

Dù gia đình sẽ phải chia tay một lần nữa khi cô đến một tỉnh khác để làm việc, Kunthea tự cho mình là người may mắn.

Nhớ đến 3 người bạn cùng phòng ở Trung Quốc cũng bị lừa và ép cưới như mình, cô xót xa khi nghĩ đến cảnh họ vẫn đang mắc kẹt trong mối quan hệ ép buộc với những người đàn ông mà họ không bao giờ muốn kết hôn. Có người đã bị bán cho hơn một đời chồng vì bạo lực gia đình.

Dù đứt quãng, họ vẫn giữ liên lạc và nhắn tin cho Kunthea trên Facebook bất cứ khi nào được phép dùng điện thoại. “Bạn tôi muốn trở về nhà nhưng không biết làm thế nào. Cô ấy không muốn đi theo con đường của tôi vì sợ mình có thể phải ở tù mà không có lý do”.

Cô dâu Campuchia bị đày đọa ở Trung Quốc

Hàng chục phụ nữ và trẻ em gái Campuchia bị đưa đến Trung Quốc mỗi năm, nơi họ bị ép hôn với đàn ông địa phương. Phần lớn họ khó có thể thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng”.

Lời kêu gọi gây xúc động mạnh của cô dâu Trung Quốc bị bắt cóc từ nhỏ

Cô gái ở Trung Quốc - bị bắt cóc khi còn rất nhỏ - gây xúc động khi đăng tải đoạn video mặc váy cưới truyền thống và kêu gọi giúp đỡ để tìm cha mẹ ruột.

Hồng Ngọc

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm