Bai Xuefang, 24 tuổi, bắt đầu hành trình tìm kiếm cha mẹ ruột của mình vào năm 2015. Vào ngày 19/6, cô đã quay một đoạn video mặc trên người váy cưới truyền thống của Trung Quốc và cầm một bức ảnh chụp bản thân hồi 3 tuổi.
Cô Bai, đến từ Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, hy vọng cha mẹ ruột sẽ nhìn thấy nó và nhận ra cô, theo South China Morning Post.
“Vì tôi sắp kết hôn, tôi hy vọng rằng cha mẹ ruột có thể góp mặt trong lễ cưới của mình”, Bai nói trong video.
“Tôi cũng hy vọng rằng những người xem video sẽ có thể giúp tôi tìm thấy cha mẹ ruột của mình”, cô nói thêm.
Bai Xuefang ôm một bức ảnh của mình khi còn nhỏ với hy vọng rằng cha mẹ ruột sẽ nhận ra cô. Ảnh: SCMP. |
Cô cho biết bản thân sinh khoảng năm 1998, đồng thời bị những kẻ buôn người bắt cóc và bán cho cha mẹ nuôi hiện tại với giá 1.000 nhân dân tệ (150 USD) khi mới ba hoặc bốn tuổi.
Bai cho biết cô không còn nhớ gì về cha mẹ ruột của mình, và thứ duy nhất cô có trong quá khứ là bức ảnh.
“Tôi phát hiện ra sự thật về nguồn gốc của mình khi mới 11 tuổi và thường xuyên cãi vã với bố mẹ nuôi. Họ cũng thường xuyên đánh đập và lăng mạ tôi”, Bai nói thêm.
Cô cho biết bản thân đã đi khắp đất nước để tìm kiếm cha mẹ ruột của mình. “Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin hay gợi ý nào về họ”, cô cho biết thêm.
Bai cho biết cô sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm cha mẹ đẻ của mình và hy vọng sẽ sớm được đoàn tụ với họ, cùng với sự hỗ trợ của người chồng sắp cưới.
Nhiều người đã rơi nước mắt trước quyết tâm và gửi lời chúc tới cô Bai, trong khi những người khác đã chia sẻ trải nghiệm tương tự của họ trên mạng.
"Tôi cũng mong được đoàn tụ với cha mẹ ruột của mình, nhưng họ đã bỏ rơi tôi ngay từ đầu. Tôi hy vọng những đứa trẻ bị bắt cóc đó sớm tìm được gia đình ruột thịt của chúng”, một bình luận cho hay.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong giai đoạn 2010-2019, tổng số trường hợp buôn bán phụ nữ và trẻ em trên toàn quốc là 112.703.
Bắt cóc và bỏ rơi trẻ em đã là một vấn đề dai dẳng ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Theo một số báo cáo không chính thức, ước tính có khoảng 10.000 trẻ em bị bắt cóc ở nước này mỗi năm.