Khi Abramovich nói chuyện tiền bạc hay các vấn đề kinh doanh "chưa bao giờ" là thứ ông bận tâm và "thứ duy nhất có ý nghĩa chính là tình yêu thuần túy tôi dành cho bóng đá và Chelsea" trong thông báo rao bán đội chủ sân Stamford Bridge, người hâm mộ có quyền tin đây là những lời từ đáy lòng của tỷ phú người Nga.
19 năm kể từ ngày đặt chân tới Stamford Bridge trong vai trò ông chủ, Abramovich đã thay đổi hoàn toàn lịch sử Chelsea bất chấp những hoài nghi luôn tồn tại kể từ ngày đầu ông tới đội bóng thành London.
Abramovich rao bán Chelsea. Ảnh: Reuters. |
Hoài nghi
Những hoài nghi đã xuất hiện ngay từ thời điểm năm 2003, 2004 khi Roman Abramovich mua lại Chelsea. Nhiều người Anh, cả cổ động viên, giới bóng đá lẫn quan chức Anh, đều lo ngại xuất thân và những hoạt động ngoài sân cỏ của ông trùm người Nga sẽ tác động xấu tới Premier League. Không ít người bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày một lớn trong tương lai của tỷ phú này tại Anh.
Nỗi bận tâm ấy là có cơ sở. Xuất thân và cách vươn lên trong xã hội của tỷ phú người Nga không phải chủ đề dễ được chấp nhận bởi các chính trị gia tại Anh.
Abramovich mất cả cha lẫn mẹ (đều là người Do Thái) từ năm 2 tuổi. Nhưng điều đó không ngăn được tinh thần quật cường ở ông. Tại Ukhta, thị trấn nhỏ cách thủ đô Moscow gần 120km về phía Đông Bắc, không ai không biết thương nhân Abramovich.
Abramovich trở thành chủ sở hữu của Chelsea vào năm 2003 và gần như ngay lập tức đưa Chelsea thành thế lực tại Premier League. Ảnh: Reuters. |
Khi Liên Xô mở cửa vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ông kinh doanh mọi thứ ra tiền từ búp bê, thuốc lá đến cả dịch vụ vệ sỹ. Song ngành hàng đẩy Abramovich từ một doanh nhân gốc Do Thái bình thường lên hàng tỷ phú là dầu mỏ. Ông mua trữ lượng lớn dầu mỏ với giá rẻ trong nước trước khi bán ra chợ đen và xin giấy phép để xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao gấp nhiều lần.
Tại Liên Xô ngày đó, người ta gọi Abramovich là "oligarch" (Gã đầu sỏ - PV). Dựa vào quan hệ với tỷ phú Boris Berezhovsky, Abramovich thâu tóm 51% cổ phần tập đoàn năng lượng quốc gia Sibneft (nay là Gazprom) với giá chỉ 200 triệu USD vào năm 1995.
Abramovich vươn mình trở thành tỷ phú khi hoạt động kinh doanh của Sibneft ăn nên làm ra. Ông cũng chủ động tài trợ cho hoạt động bầu cử và giúp phỏng vấn những nhân vật đầu tiên trong nội các mới.
Tuy nhiên vào năm 1999, hoạt động kinh doanh của Abramovich chịu ảnh hưởng mạnh từ chính sách mới của chính phủ Nga. Các ông trùm dầu mỏ như Abramovich phải rút chân rết khỏi chính quyền nếu muốn bảo vệ tài sản. Ông buộc phải nghĩ tới phương án khác.
Abramovich hướng tới bóng đá, loại hình đầu tư còn nhiều dư địa phát triển, luôn nằm trong vùng xám của chính quyền và luôn được ủng hộ từ dư luận. Sau khi cân nhắc, Abramovich chọn Premier League và Chelsea sau một lần bay trực thăng qua sân Stamford Bridge.
Abramovich có niềm đam mê cháy bỏng với môn thể thao vua. Ảnh: Reuters. |
Yêu bóng đá
Trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị chủ sở hữu Chelsea, Abramovich nhấn mạnh: "Đây không phải công việc kinh doanh. Tôi không muốn ném tiền qua cửa sổ nhưng công việc này mang lại niềm vui từ thành công và những danh hiệu mà Chelsea có được. Ước mơ của tôi là được sở hữu CLB hàng đầu dù cho ai đó có thể nghi ngờ động cơ hoặc cho là tôi điên".
Derk Sauer, chủ sở hữu nhiều ấn phẩm báo chí nổi tiếng tại Moscow từng định dừng xuất bản tạp chí bóng đá trong hệ thống của mình vì "nó không bán được" vào năm 2005 bất chấp chất lượng tốt.
Một ngày, có bên đề nghị mua lại. Đó chính là Abramovich. "Đó là tạp chí ưa thích của ông ấy", Sauer nói. "Khi một phóng viên của tôi đến phỏng vấn Abramovich, ông ấy mở chiếc tủ có tất cả ấn phẩm của tạp chí ra khoe. Abramovich là như thế: Ông ấy chỉ đơn giản là muốn có nó".
Đam mê bóng đá tấn công và muốn Chelsea chơi theo hình mẫu ấy nhưng Abramovich nhận thức rõ bóng đá không thể đơn giản như góc nhìn từ CĐV. Ông hứa cấp 30 triệu bảng cho Chelsea mua cầu thủ vào mùa hè 2003 trước khi chi gấp 5 lần để mang những ngôi sao như Hernan Crespo, Juan Veron, Claude Makelele... về Stamford Bridge.
Mùa hè 2004, Abramovich đưa HLV đình đám nhất thế giới khi ấy, Jose Mourinho, về Chelsea. "Ông thích ngôi sao lớn nào không? Tôi sẽ mua ngay", Abramovich hỏi HLV người Bồ Đào Nha. "Không", Mourinho đáp.
Không muốn bị qua mặt bởi cấp dưới tài năng và tự tôn như Mourinho, Abramovich làm điều gần như không ông chủ nào sẽ thực hiện trong thế giới bóng đá: Ông đi học.
Ngưỡng mộ bóng đá xứ sở hoa tulip từ tấm bé, ông thuê Piet de Visser, cựu tuyển trạch viên của bóng đá Hà Lan về làm cố vấn bóng đá riêng.
Trong nhiều năm sau đó, Abramovich và De Visser đi khắp các sân đấu tại châu Âu để theo dõi bóng đá, đôi khi là 3 trận/ngày. Viết trong cuốn tự truyện của mình, Visser kể về Abramovich ở EURO 2004 như sau: "Trên du thuyền vào mỗi buổi sáng, Ngài Roman sẽ gõ cửa phòng tôi. Ông ấy muốn xem lại băng hình trận đấu và tôi phải giải thích các tình huống. Ông ấy tiếp thu rất nhanh. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào có trí tuệ và tình yêu bóng đá thuần khiết đến mức đấy. Sau 4 năm, ông ấy nói: 'Piet, cảm ơn ông. Giờ tôi đã hiểu đủ'".
Guus Hiddink thì kể lại trải nghiệm với Abramovich khi dẫn dắt Chelsea vào năm 2009 như sau: "Ông ấy ít nói và không phải tuýp người muốn chứng minh bản thân. Không phải kiểu: Nhìn ta giàu và quan trọng đây. Abramovich là người đàn ông rất giản dị, mặc quần bò và đeo đồng hồ bình thường, thậm chí dưới mức bình thường".
Abramovich sẽ luôn là một phần của Chelsea. Ảnh: Reuters. |
Di sản
Abramovich không dông dài trong thông báo bán Chelsea. Ông nhấn mạnh điều này là "tốt nhất cho CLB", khẳng định xóa nợ hoàn toàn cho Chelsea, dùng tiền bán để hỗ trợ các nạn nhân của chiến tranh tại Ukraine và bày tỏ nguyện vọng gặp các CĐV lần cuối tại Stamford Bridge.
Giấc mơ nhỏ nhoi đấy của Abramovich khó thành hiện thực. Từng bị cấm nhập cảnh vào Anh, Abramovich đã lách luật khi nhập tịch Israel và xuất hiện tại London vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin của Anh nhấn mạnh quốc gia này không chấp nhận để Abramovich xuất hiện tại xứ sở sương mù thêm lần nào nữa.
Song bất chấp những ngăn cản của chính quyền sở tại, di sản của tỷ phú người Nga ở Chelsea vẫn không thể thay đổi.
Trước Abramovich, Chelsea chỉ vô địch quốc gia 1 lần. Con số giờ là 6.
Trước Abramovich, Chelsea chỉ có hai lần lên ngôi tại cúp C2. Giờ phòng truyền thống của Chelsea có 2 chức vô địch Champions League.
Trước Abramovich, Chelsea chưa từng chi quá 21 triệu bảng để mua cầu thủ. Số vụ chuyển nhượng trên mức giá này của "The Blues" tính đến hiện tại là 39. Tổng chi phí Abramovich chi ra cho Chelsea đến lúc này cán mốc 3 tỷ USD.
Dòng tiền gần như không đáy cùng nhiệt huyết chơi đến cùng của tỷ phú người Nga luôn giúp Chelsea giữ vững vị thế của một trong những đội bóng hàng đầu tại Anh cũng như châu Âu. Sự khác biệt này hoàn toàn có thể nhìn rõ qua những đội bóng cũng được sở hữu bởi các ông chủ ngoại quốc.
MU oằn mình trả các khoản nợ của nhà Glazer. Liverpool chật vật dưới thời Tom Hicks - George Gillette, đối mặt đủ các loại vụ kiện về pháp lý và chỉ thực sự vào guồng trong 5-6 năm trở lại dưới tay John W Henry. Arsenal đánh mất hoàn toàn đẳng cấp dưới thời Stan Kroenke.
Tại Italy, Inter Milan cứ đến mùa hè lại chết đứng vì khoản đầu tư không ổn định từ Steven Zhang. AC Milan chỉ có 500.000 euro đi mua cầu thủ vào mùa đông 2021 sau một mùa giải chi tiêu đậm tay dưới thời Li Yonghong.
Tiền không phải thứ duy nhất Abramovich mang tới Chelsea. Hơn hết, đó là sự ổn định. Trong 19 năm qua, có tới 15 năm Abramovich chi hơn 80 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng để nâng cấp đội hình cho Chelsea.
Trong bối cảnh bóng đá biến thành cuộc chơi kim tiền của các tỷ phú, Chelsea luôn có chỗ đứng. Những thống kê chỉ ra sau khi Abramovich tới Chelsea, sức mua và vị thế của Premier League thay đổi chóng mặt. Giải đấu số một nước Anh chỉ chi ra 187 triệu bảng trước năm 2003 cho thị trường chuyển nhượng.
Sau khi Abramovich xuất hiện, con số này tăng không ngừng và đạt đỉnh 2,5 tỷ bảng vào mùa hè 2018. Premier League trở thành biểu tượng của cả nước Anh. Nếu nói Abramovich thay đổi bộ mặt Premier League và nước Anh nợ ông lời cảm ơn thì cũng không quá lời.
Trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị chủ sở hữu đội bóng vào năm 2003, Abramovich nhấn mạnh Chelsea "không phải công việc kinh doanh". Đội bóng thành London chỉ là cuộc chơi.
Nhưng đó là cuộc chơi đầy đam mê, đắt giá và chỉ dừng lại với lý do bất khả kháng. Khi Abramovich chính thức rời cương vị chủ sở hữu Chelsea, thế giới bóng đá nói chung sẽ đánh mất đi một biểu tượng.
Chelsea thay đổi hoàn toàn lịch sử sau khi Abramovich tới London. Đồ họa: Minh Phúc. |