“Tôi phản đối đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) lần thứ 5 này ngay từ đầu” – ông Minh khẳng định – “bởi về bản chất, đây là một giải đấu mang tính giải trí, vui chơi, quảng bá du lịch, nếu có điều kiện thì tổ chức cũng tốt, nhưng ngành thể thao của ta còn quá nhiều khó khăn, quá nhiều mục tiêu khác cần đến tiền”.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn “ôm” lấy ABG 2016, bởi cũng vào thời điểm đó, chúng ta vừa từ chối ASIAD 18 do chưa đủ chín muồi để làm nước chủ nhà. Đăng cai ABG không khác gì một sự… đánh đổi để thoát ra khỏi gánh nặng ASIAD.
Hạng nhất toàn đoàn không có ý nghĩa
Bóng rổ là một môn thi đấu trong nhà được "bê" ra bãi biển. Ảnh: BTC ABG. |
Ông Hồng Minh phân tích: “Dĩ nhiên đăng cai ABG, cái được của Việt Nam là giới thiệu ra châu lục một Đà Nẵng trẻ trung, năng động, đang phát triển, có bờ biển đẹp… Nhưng nếu nhìn vào thể thao thành tích cao thì thứ hạng nhất toàn đoàn tuyệt đối của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì”.
Theo ông Minh, tất cả đều nhìn thấy một sự thật rõ ràng là các nước trong khu vực không coi trọng ABG. Nhật Bản chỉ mang đến ABG 54 VĐV, Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc… cũng chỉ cử số lượng tượng trưng và không phải những VĐV hàng đầu của họ. Nhiều môn thi đấu các VĐV nước ngoài còn chưa nắm được luật, vừa chơi BTC phải vừa hướng dẫn.
Trong khi đó, Việt Nam dàn trận hùng hậu với 320 VĐV, tham dự hầu hết các nội dung thi đấu và đặt quyết tâm cao. Đó là lý do chúng ta vượt chỉ tiêu 22 HCV để đạt đến 52 HCV, chiếm vị trí quán quân trong khi không có đối thủ nào tranh đoạt.
“Vị trí này không nói lên sự tiến bộ của thể thao Việt Nam, nó chỉ chứng tỏ một điều là các cường quốc châu Á quá thờ ơ với giải đấu”, ông Minh thẳng thắn nhận xét.
Bên cạnh đó, ông Minh còn nhấn mạnh vì không có cả kinh nghiệm lẫn kinh phí nên chúng ta đã tổ chức một kỳ Đại hội thể thao bãi biển luộm thuộm, đưa vào danh mục thi đấu rất nhiều môn vốn dĩ chỉ chơi ở… trong nhà.
“Về bản chất, thể thao bãi biển phải là đua thuyền, lướt ván, dù bay… Nhưng ta lại mang vật, võ cổ truyền, pencak silat, vovinam, đá cầu, bóng rổ… ra bãi biển, làm cho nó một cái sàn đấu, lắp cái mái che lên, và bảo rằng đấy là thể thao bãi biển. Đấy là một sự kỳ cục, nhưng vì không còn ai đăng cai ngoài Việt Nam, nên người ta vẫn chấp nhận”.
Việt Nam nhất toàn đoàn nhưng ai cũng nhận thấy đó không phải là điều đáng tự hào về chuyên môn. |
Chi tiêu ngân sách chưa hợp lý
Nhìn ở góc độ một nhà hoạch định chiến lược, ông Minh tỏ ra xót xa cho hơn ba trăm tỷ đồng tiêu tốn cho ABG 2016. Ông nói: “Thể thao Việt Nam còn vô khối thứ cần tiền mà chưa được đầu tư, ngay cả một trường bắn đủ tiêu chuẩn cũng đã có đâu, thế mà chi một số tiền khổng lồ như thế cho ABG thì quả là phí phạm”.
Chưa hết, sau ABG 2016, ngành thể thao còn trăn trở với bài toán tiền thưởng cho các VĐV đạt huy chương. Theo ông Minh, bất kỳ giải đấu nào, thành tích của các VĐV đều xứng đáng được ghi nhận và tôn trọng. Cứ chiểu theo mức thưởng quy định thì số lượng huy chương vàng, bạc, đồng cao bất thường sẽ là một gánh nặng không hề nhỏ cho ngân sách.
“Theo tôi, từ bài học ABG lần này, các nhà hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam cần cân nhắc, không phải giải đấu nào, đại hội nào cũng tham gia, cũng đầu tư lực lượng. Đừng để tổ chức một đại hội rất tốn tiền, tốn sức mà thành tích cao, huy chương nhiều rốt cuộc cũng chẳng ai vui…”.
ABG – Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (2016) tổ chức tại Đà Nẵng (Việt Nam) từ 24/9 đến 3/10 với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài. Đoàn chủ nhà Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn chung cuộc với 52 HCV, 44 HCB, 43 HCĐ. Thái Lan xếp thứ nhì và Trung Quốc xếp thứ 3.