Từ khi được giới thiệu vào năm 2007, Airbus A380 đã trở thành dòng máy bay mà mọi người mong muốn trải nghiệm. Carbin hạng nhất của nó được trang bị vòi tắm cá nhân cùng ghế bành bọc da êm ái; một phòng chờ, nơi các bartender pha chế những loại cocktail đặc biệt và một cầu thang rộng, gợi nhớ về những con tàu vượt đại dương những năm 1920. Tuy nhiên, về mặt tài chính, A380 không phải là lựa chọn khả quan.
Những quan tâm ban đầu của các hãng hàng không dần trở nên mờ nhạt. Hiện tại, khách hàng chủ yếu đặt mua phi cơ khổng lồ của Airbus là Emirates. Không hãng hàng không nào của Mỹ đặt mua và các hãng của Nhật, một trong những bên tỏ ra mong chờ A380 nhất, chỉ đặt một lượng nhỏ.
Theo Bloomberg, Airbus đã giao 193 chiếc A380 và còn 126 chiếc trong đơn đặt hàng trong 5 năm tới. Trong khi đó, hãng này dự đoán sẽ bán 1.200 phi cơ siêu lớn trong vòng 2 thập kỷ.
Tồi tệ hơn, các đơn đặt hàng xuất hiện nhỏ giọt và yếu ớt bởi các hãng hàng không đang quay lưng với loại máy bay khổng lồ.
Mô hình máy bay A380 của Airbus. Ảnh: Reuters |
Khi giới hàng không tụ họp vào ngày 11/7 tại Farnborough International Airshow ở Anh, nơi các hãng thường công bố các đơn đặt hàng lớn, rất ít dấu hiệu cho thấy hợp đồng A380 xuất hiện.
Airbus thừa nhận các vấn đề về A380 và cho biết, tuy giá chào bán là 433 triệu USD nhưng thực chất họ luôn bán với mức thấp hơn.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 đã ảnh hưởng đến doanh thu. Giá dầu tăng khiến các hãng hàng không tỏ ra lưỡng lự với phi cơ khổng lồ 4 động cơ. Chỉ trong năm ngoái, công ty hàng không này thừa nhận rằng họ có thể sẽ không bao giờ thu lại 32 tỷ USD đã chi cho việc phát triển.
Zafar Khan, một nhà phân tích tại Société Générale, cho biết, mối quan ngại ở đây là nếu số lượng sản xuất thấp dưới mức 30 máy bay trong một năm, chương trình có thể rơi vào tình trạng lỗ.
Tương lai tươi sáng của A380 ngày càng xa vời. Bên cạnh những bối rối khi thừa nhận thất bại đối với chương trình, Airbus cần sắp xếp lại các nhà máy dọc châu Âu cũng như nhân công. Bên cạnh đó, kích thước quá khổ với hầu hết các sân bay trên thế giới và giá trị bán lại của loại máy bay 4 động cơ này khiến nhiều người băn khoăn.
Airbus cho hay, 10 năm là một khoảng thời gian quá ngắn để có thể xác định số phận của A380. Giám đốc bán hàng John Leahy cam kết sẽ tiếp tục chương trình.
“A380 sẽ ở lại. Chúng tôi đang duy trì, cải tiến và đầu tư vào nó”, ông nói.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành Thomas Enders cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng công ty sẽ đánh giá tương lai của loại máy bay này một cách khắt khe.
Máy bay 4 động cơ khó bán vì tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Năm 2011, Airbus hủy phiên bản A340, mẫu máy bay 4 động cơ khác của hãng, trong bối cảnh các hãng hàng không ưu tiên các phiên bản thân rộng và tiết kiệm chi phí như A330 hay Boeing 777, và bổ sung động cơ tiết kiệm nhiên liệu cho A380. Đây là sự nâng cấp mà Airbus không dành cho những mẫu máy bay nhỏ hơn.
Tuy nhiên, vì mua A380 vẫn là canh bạc đầy rủi ro nên rất ít hãng đặt hàng. Các hãng hàng không nhận ra rằng thật khó để vận hành loại phi cơ này trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Malaysia Airlines đã học được điều đó khi chìm trong khó khăn với 2 vụ tai nạn máy bay thảm khốc, MH370 và MH17. 5 chiếc A380 mà họ đã mua luôn vắng khách và hãng cố gắng bán bớt 2 chiếc nhưng không thể tìm được người mua.
Gần đây, Airbus nhận thấy hiện tượng chảy máu hợp đồng. 2 năm qua, 3 khách hàng mua A380 đã rút số lượng trong đơn đặt hàng vì gặp khó khăn về tài chính hoặc thay đổi chiến lược.
3 năm trước, Amedeo công bố kế hoạch mua 20 chiếc A380. Tuy nhiên, họ thất bại trong việc tìm người sẵn sàng thuê chúng và hoãn việc nhận hàng. Người hâm mộ lớn nhất hiện nay là Emirates, chiếm 45% lượng A380 trong đơn đặt hàng hoặc đã bán. Tuy nhiên, hãng này cũng đang băn khoăn về tương lai của phi cơ khổng lồ.
"Tôi nghĩ kích thước của loại máy bay này khiến hầu hết các hãng hàng không trên thế giới e ngại", Tim Clark, chủ tịch của Emirates, nói.
A380 là một dự án vụng về của Airbus và các chính phủ của châu Âu – những người ủng hộ chương trình. Công ty này đã thành công với dòng A320 được giới thiệu trong những năm 1980, tuy nhiên, họ muốn tiến xa hơn trong thị trường tầm xa. Với những người quản lý – người đã ấp ủ kế hoạch trong 2 thập kỷ, nhiệt huyết đã giảm đi.
“Có vẻ như không ai muốn loại phi cơ này ngoài Emirates. Có thể A380 sẽ lên ngôi vào năm 2020, nhưng ngay cả giả thuyết ấy cũng quá lạc quan vào thời điểm này”, Richard Aboulafia – một nhà phê bình máy bay lâu năm và là phó chủ tịch của Teal Group, một công ty tư vấn hàng không, nói.