Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tuyển Saudi Arabia đá kém đâu phải lỗi của Ronaldo

Các cầu thủ Saudi Arabia để thua Nhật Bản 0-2 tại vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á hôm 11/10. Liệu đây có phải lỗi của các ngôi sao như Cristiano Ronaldo?

Cristiano Ronaldo đang thi đấu tại Saudi Arabia trong màu áo Al Nassr.

Tới nay, tuyển Saudi Arabia mới chỉ có 4 điểm sau 3 trận và tụt xuống thứ 3 vòng loại. Việc cạnh tranh vé đến thẳng vào chung kết World Cup 2026 có vẻ không dễ dàng khi đội bóng của HLV Roberto Mancini phải cạnh tranh vị trí thứ 2 với Australia, trong khi Bahrain (cùng 4 điểm) và Indonesia (3 điểm) vẫn rình rập phía dưới.

Mancini đổ cho các ngôi sao thế giới

Những năm trước, vòng loại khu vực châu Á rất khắc nghiệt khi chỉ có 4 tấm vé chính thức nhưng tuyển Saudi Arabia chưa bao giờ cảm thấy áp lực. Còn hiện giờ, châu Á có 8 tấm vé trực tiếp dự vòng chung kết, tuy nhiên gã khổng lồ vùng Tây Á lại thấy căng thẳng.

Tình hình có vẻ gay cấn đến mức HLV Mancini phải lên tiếng than thở và đổ trách nhiệm cho các ngôi sao kéo về Saudi Pro League như Cristiano Ronaldo hay Karim Benzema.

Ngay từ cuộc họp báo trước khi gặp Nhật Bản, ông Mancini lên tiếng bày tỏ mối lo ngại rằng các CLB ở giải Saudi Pro League đang cản trở việc tuyển chọn nhân tài vào đội tuyển quốc gia bằng cách không cho các cầu thủ bản địa đủ thời gian thi đấu. Điểm nhấn khiến Mancini thất vọng là số lượng cầu thủ nước ngoài quá nhiều tại giải quốc nội cướp mất cơ hội của các cầu thủ trẻ trong nước.

Ronaldo anh 1

Mancini phải hiểu rõ tình hình khi ký hợp đồng với LĐBĐ Saudi Arabia.

Ôn Mancini so sánh: "3 năm trước, các cầu thủ Saudi Arabia chơi mọi trận đấu. Ngày nay, 50% đến 60% trong số họ không được thi đấu. Đây là vấn đề hàng đầu, vấn đề duy nhất mà chúng tôi gặp phải với giải đấu này".

Vài tuần trước, cựu thuyền trưởng tuyển Italy cũng than thở: "Các cầu thủ của tôi cần phải được chơi. Tôi có quá nhiều cầu thủ ngồi dự bị tại CLB".

Việc ông Mancini phàn nàn có tính hai mặt của nó. Nhưng một điều phải khẳng định rằng trước khi đến Saudi Arabia dẫn dắt đội tuyển, HLV người Italy phải hiểu rõ tính đặc thù của giải VĐQG ở đây.

Từ trước khi Mancini đến, giải Saudi Pro League cho phép mỗi CLB đăng ký 8 cầu thủ nước ngoài. Sau khi nhà vô địch Euro 2020 đến 4 tháng, Saudi Pro League điều chỉnh cho phép mỗi CLB đăng ký 10 ngoại binh. Điều này nằm trong chiến lược tầm nhìn 2030, đưa Saudi Pro League trở thành giải đấu tầm cỡ thế giới.

Ông Mancini đủ thông minh để hiểu tiến trình và tầm nhìn của người Saudi Arabia. Vì vậy, những lời bao biện bản thân đưa ra không hề thỏa đáng.

Mặt lợi nhiều hơn mặt hại

Xét mặt có lợi của chính sách mở rộng cầu thủ ngoại, không chỉ Saudi Pro League thu hút nhiều cầu thủ ngôi sao, sự chú ý của truyền thông, mà còn giúp các cầu thủ bản địa có nhiều cơ hội học hỏi từ các danh thủ cả trong các trận đấu lẫn các buổi tập ở CLB.

Về mặt bất lợi - như HLV Mancini đã nói, các cầu thủ bản địa sẽ ít có cơ hội ra sân hơn. Tuy nhiên, dùng hậu quả bất lợi để bào chữa kết quả yếu kém không phải ý tưởng hay.

Hãy lấy Nhật Bản làm ví dụ. Điểm trái ngược của Nhật Bản so với Saudi Arabia là các cầu thủ của Đông Á không có cơ hội được cọ xát nhiều với ngôi sao quốc tế tại J.League. Do vậy, cầu thủ Nhật Bản phải chạy khắp châu Âu để thi đấu, học hỏi. Vì cố gắng chen chân vào các CLB lớn với những cầu thủ ngôi sao, họ không được ra sân thường xuyên.

Thủ quân Nhật Bản, Wataru Endo là trường hợp điển hình. Tiền vệ này chơi đủ 90 phút trong trận Nhật Bản thắng Saudi Arabia 2-0, thế nhưng anh mới được ra sân 2 phút tại giải Ngoại hạng Anh mùa 2024/25, trong 2 lần vào sân thay người cho Liverpool.

Ronaldo anh 2

Ayman Yahya học hỏi được rất nhiều khi chơi cạnh Ronaldo.

Hay Daichi Kamada, tác giả bàn thắng mở tỷ số vào lưới Saudi Arabia, không phải trụ cột của Crystal Palace. Từ đầu mùa, Kamada mới được đá chính 4 trên 7 trận tại giải Ngoại hạng Anh và 3 lần bị thay ra.

Những cầu thủ Nhật Bản thi đấu rải rác từ nhiều nền bóng đá châu Âu với phong cách, triết lý khác nhau, nhưng khi về tập trung ở đội tuyển, họ trở thành một khối nhuần nhuyễn và hiệu quả. Nếu J.League có thể xây dựng một môi trường bóng đá cạnh tranh dày đặc ngôi sao, có cảm hứng thi đấu từ Ronaldo, Benzema và các ngôi sao hàng đầu khác, các cầu thủ Nhật Bản chắc không cần đổ xô “du học” nhiều như vậy.

Ông Mancini có điều kiện thuận lợi hơn đồng nghiệp Hajime Moriyasu khi có thể nắm toàn bộ thông tin các tuyển thủ Saudi Arabia trong tay, đến sân theo dõi trực tiếp bất kỳ cầu thủ nào mình muốn. Thành phần các tuyển thủ Saudi Arabia vẫn ra sân thường xuyên tại giải quốc nội, chứ không hề có chuyện bị nhốt suốt trên ghế dự bị.

Thứ ông Mancini cần làm là xây dựng mảng miếng chiến thuật thật phù hợp với các quân bài sẵn có trong tay, chứ không phải là than thở những chuyện kiểu như: Tại sao nước biển lại mặn?

Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm