Tập 6 Siêu trí tuệ Việt Nam lên sóng tối 26/12 có sự xuất hiện của giám khảo khách mời NSƯT Chí Trung và ca sĩ Trúc Nhân bên cạnh Tóc Tiên, PGS.TS Trần Thành Nam.
Điều thú vị ở tập 6, trong ba thí sinh góp mặt ở chương trình có tới hai người từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Nhựt Thịnh từng giành giải nhất Quý, Lê Duy Bách đạt Á quân năm 2016. Và đến với Siêu trí tuệ Việt Nam, cả hai đều vượt qua thử thách của chương trình, lọt vào biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam mùa hai.
Á quân Đường lên đỉnh Olympia đạt điểm tuyệt đối
Trước khi tham gia thử thách, Lê Duy Bách gây chú ý khi được Việt Hoàng, Huy Hoàng đề nghị ban tổ chức chương trình mời tham gia. Hai thí sinh của Siêu trí tuệ Việt Nam mùa một khẳng định: "Bộ não của Huy Hoàng và Việt Hoàng cộng lại mới bằng bộ não của con người này".
Và trong chương trình, Lê Duy Bách khiến ban giám khảo, khán giả bất ngờ, khâm phục khi vượt qua thử thách Số nguyên tố tung hoành chính xác với thời gian hơn 30 phút.
Lê Duy Bách khiến Trấn Thành nể phục trước kiến thức sâu rộng. |
Cụ thể, nam sinh viên của Học viện Bưu chính Viễn thông phải tìm mật mã được ẩn trong ba từ khóa (gồm sự kiện, nhân vật, câu chuyện). Ba từ khóa này được tạo lập từ ba bảng chữ cái riêng biệt. Mỗi bảng chữ cái có 26 ký tự từ A-Z, ứng với dãy số nguyên tố liền kề nhau.
Độ khó tăng lên khi ban tổ chức tạo lập ba dãy số gây nhiễu chạy ngang dọc trên màn hình LED. Tuyển thủ chỉ được biết số nguyên tố của chữ A (không được cung cấp 25 số nguyên tố còn lại) và tiến hành quan sát dãy số chạy ngang dọc để tìm ra số nguyên tố cũng như từ khóa của bộ số nguyên tố đó.
GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có mặt trong chương trình cho biết độ khó của tiết mục là có quá nhiều số nguyên tố.
Ông nói: "Khả năng Duy Bách học thuộc hay ghi nhớ bảng số nguyên tố rất khó. Để phân loại các số nguyên tố, Duy Bách phải thực hiện vài nghìn phép tính. Ngoài ra, khi tìm từ khóa, Duy Bách phải am hiểu hầu hết kiến thức trên thế giới như một cuốn từ điển bách khoa".
Sau 36 phút, từng đáp án được Duy Bách giải chính xác. Với đề màu hồng, anh tìm ra cụm từ “quyền ứng cử của phụ nữ”. Ở đề màu xanh dương, "BCG Vaccine" là từ chính xác. Đến đề màu vàng, Duy Bách tìm ra chữ "Fluorine".
Chia sẻ về cách tính, Duy Bách nói: “Tôi không tính cụ thể tất cả số nguyên tố mà tính một loạt 26 số nguyên tố dựa vào kỹ thuật cổ Sàng Eratosthenes. Nhờ đó, tôi có thể sàng lọc nhanh các số nguyên tố”.
Tóc Tiên và ban giám khảo phấn khích trước phần thi của Duy Bách. |
Cuối cùng, Lê Duy Bách tìm ra chính xác mã khóa là 1906. Nam thí sinh chứng tỏ sự hiểu biết sâu rộng của mình qua lý giải: "Năm 1906 là năm BCG Vaccine phòng ngừa bệnh lao được điều chế lần đầu tiên. Đây cũng là năm đại công quốc Phần Lan lần đầu trao cho phụ nữ quyền bầu cử và ứng cử vào quốc hội dưới hình thức bình đẳng về chủng tộc. Và năm 1906, Henri Moissan - nhà hóa học người Pháp được nhận giải thưởng Nobel về hóa học với phương pháp điều chế Fluorine".
Nhận xét về phần thi của Duy Bách, Tóc Tiên nói: “Bách có bộ óc phi thường, quá nhiều kỹ năng, nhiều điều to lớn nằm trong cái hình dáng bé nhỏ”. Trúc Nhân chia sẻ: “Duy Bách đến đây vì lời mời của hai bạn mùa trước. Quả thật lời đồn không sai. Hôm nay, tôi được mở mang tầm mắt rất nhiều”.
Giám khảo khoa học Trần Thành Nam quyết định chấm điểm 10 cho Duy Bách. Theo anh: “Thử thách này nằm ngoài những gì khán giả có thể tưởng tượng được. Nó cũng phản ánh năng lực xử lý thông tin rất đa nhiệm liên quan cả đến toán học, trí nhớ ngắn hạn và tư duy logioc".
Sinh viên 19 tuổi bịt mắt giải Sudoku
Trái với vẻ ngoài nhút nhát của Lê Duy Bách, Nhựt Thịnh lại ấn tượng với sự tự tin và dứt khoát. Nam sinh viên của Đại học Kinh tế Luật- Đại học Quốc Gia TP.HCM đối diện với thử thách Sudoku lập phương.
Nhựt Thịnh vượt qua thử thách khá dễ dàng. |
Cụ thể, khối lập phương 4×4×4 khai triển thành 6 mặt, mỗi mặt có 16 ô vuông. Giám khảo điền hai số bất kỳ và hai màu sắc lên bốn ô vuông khác nhau. Tuyển thủ tiến hành điền các con số từ 1 đến 16 và 16 màu sắc lên 96 ô vuông với điều kiện các số và màu ở mỗi mặt, mỗi hàng, mỗi cột, mỗi vòng không được trùng nhau. Đồng thời, mỗi cặp số và màu chỉ được dùng một lần duy nhất. Điền chính xác 96 ô vuông, thử thách thành công. Ngoài ra, độ khó tăng hơn khi nam sinh viên 19 tuổi bịt mắt tìm đáp án.
Sau 38 phút, anh đã tìm ra các đáp án chính xác. Kết quả, Nhựt Thịnh nhận điểm 9 từ giám khảo Trần Thành Nam. Với tổng điểm 135, anh lọt vào biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2.
Nữ thạc sĩ thất bại ở Siêu trí tuệ
Cuối cùng, Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Mai Hân gây ấn tượng với khả năng đặc biệt về hình học không gian. Nói về lý do tham gia chương trình ở tuổi 34, Mai Hân cho biết: “Tôi muốn tôn vinh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ sinh ra không phải để nội trợ. Nội trợ là do họ lựa chọn, chứ không phải họ không có khả năng”.
Thạc sĩ Mai Hân không thành công của Siêu trí tuệ. |
Trên sân khấu có 50 khối đa diện 3D với độ phức tạp khác nhau. Mỗi khối đa diện, máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên 5 hình khai triển thành hình 2D. Sau đó, 5 hình 2D được ẩn đi, còn lại những điểm chấm phức tạp.
Ban giám khảo tiếp tục chọn 3 khối đa diện bất kỳ và tiến hành sửa đổi một chi tiết nhỏ của một trong 5 hình khai triển 2D khiến nó không thể tạo thành khối đa diện 3D ban đầu.
Nhiệm vụ của cô phải tìm ra chính xác khối đa diện ban đầu và xác định hình 2D đã được sửa đổi. Đồng thời, cô phải chỉ ra đúng vị trí chi tiết đã được ban giám khảo sửa đổi ở hình 2D đó. Tuy nhiên, cô đã không vượt qua thử thách.