Xuất hiện ở tập 3 Siêu trí tuệ Việt Nam, Đỗ Thành Đạt khiến giám khảo ngạc nhiên khi vượt qua thử thách nhanh chóng, chính xác. Nam sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là người đầu tiên đạt điểm tuyệt đối trong Siêu trí tuệ Việt Nam mùa hai.
Nhận xét sau phần thi của Đỗ Thành Đạt, giám khảo Lại Văn Sâm thốt lên: “Cho đến bây giờ, chứng kiến mọi thứ mà tôi vẫn chưa lý giải được. Không hiểu bạn làm cách gì để có thể tìm ra chính xác vị trí của hình”.
"Tôi nhiều lần thất bại ở các cuộc thi học sinh giỏi"
- Cảm xúc của anh thế nào khi là người đầu tiên đạt điểm tuyệt đối ở Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2?
- Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Trước khi đến với cuộc thi mục tiêu của tôi là hoàn thành được thử thách và đủ điểm để có thể tiến cấp vào biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam. Tôi không dám nghĩ mình sẽ thiết lập được kỷ lục.
Đỗ Thành Đạt vượt qua thử thách trong Siêu trí tuệ Việt Nam. |
- Cảm giác chinh phục thử thách ở Siêu trí tuệ Việt Nam khác thời điểm thi Đường lên đỉnh Olympia ra sao?
- Về cơ bản, đây là hai chương trình học thuật hàng đầu Việt Nam và việc trở thành thí sinh, được đứng trên sân khấu của Siêu trí tuệ Việt Nam, Đường lên đỉnh Olympia đã là một thành công lớn với tôi. Mỗi chương trình đều mang lại cho tôi cảm xúc riêng. Nếu ở Đường lên đỉnh Olympia, tôi chưa thể thực hiện được mục tiêu mình đặt ra, đến Siêu trí tuệ Việt Nam, điều tôi đạt ngoài mong muốn của mình rồi.
Qua phần thi, tôi mong muốn phần nào đó mang lại động lực, truyền cảm hứng yêu thích hình học không gian cho các bạn học sinh.
- Trấn Thành nhận xét anh biến hóa như một X-Men. Vậy đâu là giới hạn mà anh chưa thể chinh phục?
- Năng lực mà tôi đang có thuộc năng lực không gian. Nhưng có lẽ mới chỉ dừng lại ở dạng không gian học thuật, cụ thể là hình học không gian. Tôi muốn có thể chinh phục thêm các mảng khác của năng lực không gian.
- Vậy trong quá trình học và thi, đã bao giờ anh đối diện với thất bại?
- Tôi phải đối diện với nhiều thất bại trong các cuộc thi học sinh giỏi. Tôi từng nói đùa rằng mình “không có duyên” với các kỳ thi học sinh giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 12, tôi có 11 năm không đậu học sinh giỏi. Mỗi năm, tôi gặp một lý do khác nhau như có lúc bị ốm, có khi thi qua mạng bị chậm về thời gian. Và duy nhất năm lớp 12, tôi đậu học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh.
"Ba tuổi tôi đã biết cộng trừ các phép toán"
- Từ bao giờ anh nhận ra mình có năng lực về tư duy không gian?
- Thực ra, tôi không nghĩ năng lực của mình hơn người bình thường. Tôi nghe cha mẹ kể lại, khi mới 3 tuổi, tôi đã thuộc bảng cửu chương và có thể cộng trừ các phép toán cơ bản. Nhưng tôi đặc biệt thích các khối hình. Vì thế người thân mua rất nhiều lego, các hình khối tặng cho tôi.
Mẹ tôi là thợ may. Trước khi hoàn thành bộ quần áo, mẹ thường vẽ các bản thiết kế. Và từ 3 tuổi, tôi đã rất mê các bản thiết kế, quan sát tỉ mỉ chúng và có thể tìm chính xác bộ quần áo nào ứng với bản thiết kế.
Đến năm học lớp 5, khi được tiếp xúc với khái niệm đầu tiên về hình học không gian, tôi nhận ra việc quan sát các bản vẽ vô tình đã giúp mình cải thiện rất nhiều về năng lực không gian. Và từ đó, tôi luôn giữ thói quen quan sát các bản thiết kế của mẹ. Ngoài ra, tôi cũng có sở thích quan sát cấu trúc, kết cấu của các tòa nhà và phân tích chúng trong trí tưởng tượng.
Đỗ Thành Đạt biết làm toán từ năm 3 tuổi. |
- Khả năng đặc biệt này mang lại cho anh những điều gì trong cuộc sống?
- Khả năng đặc biệt về trí nhớ và toán học đã giúp tôi nhiều việc trong cuộc sống ngày thường. Chẳng hạn, tôi có thể định vị không gian mà không phụ thuộc quá nhiều về Google Maps, hay việc chú ý quan sát, phân tích mọi thứ xung quanh khiến cho mình có thể phát triển hơn về tư duy. Từ đó, tôi có thể áp dụng vào học tập và nhiều mặt khác ngoài cuộc sống. Đôi khi việc quan sát, phân tích tòa nhà, quan sát bản thiết kế bộ đồ cũng là cách giúp tôi giải tỏa căng thẳng.
Nhưng đôi khi, đi trên đường, tôi quan sát các tòa nhà quá kỹ, nên điều khiển xe bị mất tập trung.
- Việc theo học Đại học Kinh tế Quốc dân có liên quan gì đến khả năng về tư duy không gian?
- Về việc học chuyên ngành hiện tại là do tôi đã định hướng con đường phát triển bản thân trong tương lai. Tôi nghĩ mình cần hướng đến việc phát triển bản thân một cách toàn diện, bên cạnh tư duy không gian.
Đỗ Thành Đạt từng thi Đường lên đỉnh Olympia và giành giải nhất Tuần. |
- Với khả năng đặc biệt, mục tiêu tương lai của anh thế nào?
- Trong thời gian tới, tôi có vài dự định về việc hoàn thành chương trình đại học, học thêm các ngoại ngữ khác ngoài Tiếng Anh và các chứng chỉ để phục vụ công việc sau này. Ước mơ của tôi là trở thành một Kiểm toán viên - đúng với nghề mà mình đang theo học. Tôi cũng có thể làm việc ở một vị trí, một nơi nào đó có thể sử dụng được tối đa năng lực không gian mà mình đang có.