Báo cáo mới nhất của Nielsen về Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cho biết nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin và di động tăng trong 2 năm qua khiến người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với việc mua hàng trực tuyến.
Cụ thể, trong số những người tiêu dùng truy cập vào Internet thì có đến 98% đã bỏ tiền để mua sắm trực tuyến, tăng 1% so với năm ngoái. Trong đó, các ngành hàng được người Việt quan tâm và chiếm tỷ trọng bán ra nhiều nhất trong từng danh mục là thời trang, du lịch, sách và âm nhạc.
Theo Nielsen, có đến 98% khách hàng sử dụng Internet mua hàng trực tuyến. Ảnh: P.M. |
Đại diện Nielsen cũng cho biết thêm trong năm qua, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong các giao dịch thương mại điện tử, nhất là giao hàng từ các nhà hàng, quán ăn với 24% người tiêu dùng online đã sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao của Nielsen Việt Nam, cho biết với những người mua sắm lần đầu, họ thường chọn các sản phẩm du lịch, thời trang nhưng một khi mức độ tin cậy tăng lên, họ sẽ mở rộng sang các sản phẩm làm đẹp, mẹ và bé, thậm chí là thực phẩm tươi sống.
Điều này được ghi nhận qua việc 17% người tiêu dùng đã cởi mở hơn với việc mua thực phẩm tươi sống và sản phẩm đóng gói trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử, tăng 5% so với năm trước.
Trong khi đó, dịch vụ hoàn trả tiền, miễn phí giao nhận cũng khuyến khích người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, bởi có đến 63% khách hàng cho biết họ cảm thấy hài lòng khi được trả lại tiền nếu sản phẩm mua không đúng cái đã đặt, và hơn 50% người ưu tiên sản phẩm được “free ship” để tiết kiệm chi phí.
Đại diện Nielsen cũng cho biết thêm ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến đang ngày càng mờ hơn bởi tỷ lệ người dùng ngày một tăng.
Ông cho rằng việc mở rộng mua sắm ở những ngành hàng mới trong môi trường trực tuyến đang có nhiều triển vọng và xu hướng thương mại điện tử trong tương lai cũng dễ làm hài lòng khách hàng hơn do những đề xuất mang tính cá nhân hóa dựa trên hành vi mua sắm của họ.
Theo Bộ Công Thương, dự báo doanh số thương mại điện tử theo hình thức giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hành (B2C) tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.