Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9.000 tỷ đồng và giấc mơ sâm Việt

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vui mừng khi đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với kỳ vọng xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam đã được phê duyệt.

Ông cười bảo: Nếu không làm thì đợi đến bao giờ? Vì dân nghèo mãi ngay trên sâm quý nên phải làm, phải đầu tư và kêu gọi đầu tư để phát triển. Sâm như mỏ vàng, nếu nằm mãi trong đất đá cũng như không!

Đề án với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng trong đó huy động ngân sách 1.500 tỷ, còn lại huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi đầu tư với kỳ vọng đến 2030 đưa Việt Nam thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 thế giới sau Hàn Quốc, với sản lượng 500 – 1.000 tấn sâm/năm…

Cắm cờ trên “mái nhà miền Nam”

Ông Bửu được đưa lên làm Chủ tịch huyện Nam Trà My từ cuối năm 2014 và trở thành một trong những chủ tịch huyện trẻ của Quảng Nam. Từ Giám đốc Sở TT&TT, ít ai ngờ khi vừa lên Nam Trà My ông đã bắt tay xây dựng đề án mang tính kinh tế thuyết phục từ tỉnh đến Trung ương. Ông bảo rằng: Có chút gì đó rất tâm linh khi về đây đương nhiệm. Dường như núi Ngọc Linh và sâm quý có gì đó thôi thúc ông phải làm gì đó cho vùng đất này.

Đoàn công tác của huyện Nam Trà My và các nhà chuyên môn khảo sát đỉnh núi Ngọc Linh hồi tháng 3/2015.

Đoàn công tác của huyện Nam Trà My và các nhà chuyên môn khảo sát đỉnh núi Ngọc Linh hồi tháng 3/2015.

“Tôi không phải chơi trội gì. Nhưng cứ nghĩ xem, thủ phủ sâm mà dân vẫn nghèo xấu mặt lắm. Nhưng muốn thoát nghèo thì phải có đột phá, không thể ngồi không mà chờ”, ông Bửu nói.

Tháng 4/2015, đề án được trình lên UBND tỉnh Quảng Nam trước đó vào tháng 3, ông Bửu đã dẫn đầu đoàn công tác của huyện cùng các chuyên gia làm một việc mà trước nay chưa ai làm: khám phá đỉnh núi Ngọc Linh. Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh – được mệnh danh là Mái nhà miền Nam là điều từ trước đến nay chưa ai làm được vì nhiều lý do, ngay cả người dân tộc Xê Đăng trồng sâm lưng chừng núi cũng cho hay chưa ai lên đến đỉnh. Bởi vậy, khi đề cập chuyện dẫn đường, người dân rất ngại, huyện và xã vận động mãi họ mới chịu đi.

Chuyến đi mạo hiểm nhưng cuối cùng đã thành công. Sau gần 1 tuần đi bộ giữa núi rừng, đoàn hơn 50 người đã chinh phục đỉnh núi cao nhất. Điều này giúp các nhà chuyên môn, khảo sát thổ địa, thổ nhưỡng, nghiên cứu kỹ hơn về điều kiện phát triển của cây sâm để có cơ sở thực tiễn quy hoạch phát triển vùng trồng sâm.

Đoàn công tác của huyện Nam Trà My và các nhà chuyên môn khảo sát đỉnh núi Ngọc Linh hồi tháng 3/2015.

Đoàn công tác của huyện Nam Trà My và các nhà chuyên môn khảo sát đỉnh núi Ngọc Linh hồi tháng 3/2015.

Do các đỉnh núi ở Ngọc Linh cao hơn 1.500 m-2.600 m, suốt ngày âm u sương mù, lạnh buốt nên lửa không thể nấu sôi nước, không thể nấu nướng, đoàn phải ăn cơm sống, mì tôm, lương khô trong suốt hành trình. Vì chưa có đường đi nên đoàn vừa đi vừa mở đường, lắm đoạn đi trên thảm mục mà không biết phía dưới là gì. Vì độ cao hơn 2.000 m nên cảnh vật, cây cối ở đây rất hoang sơ, kỳ dị và huyền bí.

Một cán bộ công an huyện kể lại rằng: trên đường đi, anh em nghe mấy người dẫn đường xì xầm với nhau bằng tiếng Xê Đăng về dấu chân hổ, vết cào của gấu để lại dọc đường. Lo sợ, anh em công an, kiểm lâm súng K 54 đạn phải lên nòng sẵn sàng bảo vệ tính mạng đoàn công tác. Đêm ngủ giữa rừng, họ thay nhau đốt lửa, ôm súng canh thú dữ.

Trong chuyến hành trình đó, đoàn công tác không quên mang theo lá cờ Tổ quốc để cắm lên nóc mái nhà miền Nam. Lần đầu tiên, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên núi cao nhất dãy Ngọc Linh giữa bát ngát mây trời hùng vĩ, đi vào lịch sử, khiến ai cũng cảm động vô cùng.

Qua Hàn Quốc học trồng sâm

Sau chuyến leo núi, tháng 8 vừa qua, chính quyền huyện Nam Trà My đã qua Hamyang, một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc) đã trở nên giàu có nhờ trồng sâm núi (Wild Ginseng) để tham quan và học cách trồng sâm. Chuyến đi đó, huyện Hamyang đài thọ toàn bộ chi phí cho cán bộ huyện Nam Trà My. 

Hỏi ông Bửu học được gì từ Hàn Quốc? Ông trả lời: Đi về lại thấy trăn trở, bao giờ xứ mình mới được như vậy? Dù là một huyện nhưng Hamyang đã giàu lên nhờ sâm, thu nhập bình quân người dân là 20.000 USD/năm. Trong khi đó, sâm Ngọc Linh được chứng minh là 1 trong 5 loại sâm quý của thế giới nhưng đến nay Nam Trà My vẫn nghèo, thu nhập chỉ 250 USD/năm. Nói ra, lại thấy “xấu mặt” với lãnh đạo Hamyang.

Ông Bửu cho biết thêm, nếu đối chiếu từ thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện rừng ở Hamyang và Nam Trà My đều tương đồng nhau, là điều kiện tốt nhất để sâm phát triển. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc cây sâm đã được đầu tư phát triển quy mô, với quy hoạch phát triển bài bản, khoa học, người dân được lợi từ sự đầu tư đó. Riêng Hamyang có tới 19 nhà máy sản xuất các loại dược liệu, thực phẩm, mỹ phẩm…từ sâm. Người Hàn đã làm bài bản vậy, còn ở ta vẫn còn loay hoay với chính sách chủ trương, ngay cả chuyện cho dân thuê đất dưới tán rừng vừa phát triển sâm, vừa bảo vệ rừng, mãi cũng không xong.

Những câu hỏi quanh đề án nghìn tỷ?

Với đề án vừa được phê duyệt, tôi hỏi ông Bửu rằng liệu có ảo tưởng quá không? Ông đáp: Đề án đều có cơ sở thực tiễn hết. Đầu tư vào sâm Ngọc Linh chắc chắn có lời bởi giá sâm từ 30 – 50 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm thu lời khoảng 30 tỷ đồng. Nếu đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp sâm và quảng bá thương hiệu tốt, lợi nhuận sẽ hơn. Hàn Quốc làm được sao Việt Nam không làm được!

Sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh.

Ông Bửu đưa ra con số mà ông trực tiếp khảo sát, tại Nam Trà My có 300 hộ trồng sâm với diện tích gần 90 ha. Riêng tại Trà Linh nơi có 50% hộ nghèo, nhưng cạnh đó lại có 20 đại gia giàu có lên nhờ sâm. Trong đó, nhiều người có trong tay hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhờ biết cách làm ăn và tích góp.

Ông Bửu tiết lộ, một sân bay trực thăng đã được tỉnh đồng ý cho xây dựng khu vực núi Ngọc Linh, đã và đang được triển khai để phục vụ nhà đầu tư vào khảo sát, quy hoạch. Sắp tới đường lên vùng sâm quý sẽ được mở, góp phần thay đổi diện mạo của vùng sâm này. Muốn phát triển hạ tầng phải thông suốt đến tận vườn sâm như Hàn Quốc đã làm.

Sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh.

Bao giờ Nam Trà My, thủ phủ sâm quý thoát khỏi bản đồ huyện nghèo nhất nước? Ông Bửu cho rằng: Muốn thoát nghèo phải đầu tư hạ tầng. Không thể thoát nghèo mà đường sá chưa có. Trước mắt, huyện lấy ngắn nuôi dài bằng việc phát triển các loại dược liệu như Đẳng Sâm, Giả Cổ Lam, Sâm nước…

Đặc biệt, huyện đang chú trọng phát triển diện tích cây chuối, bởi hiệu quả kinh tế cao, nhanh thu hoạch. Huyện hỗ trợ dân trồng chuối, nhưng không đưa tiền cho dân như trước. Mà yêu cầu mỗi xã có một đề án thoát nghèo riêng, dân trồng cây tươi tốt mới nghiệm thu cấp tiền, tránh trường hợp nhận tiền nhưng không trồng cây như trước. Trong vòng năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My đã giảm hẳn, từ hơn 70% nay xuống còn hơn 62%.

Theo ông Bửu, vấn đề còn lại là chính sách ưu đãi, thông thoáng để làm sao thu hút doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp sâm, đó mới là mấu chốt.

Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn I 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm; công tác truyền thông về cây sâm. Giai đoạn II 2020-2030 tổ chức phát triển trồng sâm ra 7 xã của huyện với diện tích 30.000 ha; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm; phát triển du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này cần trên 9.000 tỷ đồng.

Bỏ bạc triệu mua... sâm rác

Chỉ vài triệu đồng, người tiêu dùng có thể tới mua sâm ở các cửa hàng hoặc mua qua những fanpage trên Facebook. Nhiều người không biết họ đã mua... sâm rác.

 

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/9000-ty-dong-va-giac-mo-sam-viet-913343.tpo

Theo Nguyễn Thành/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm