“Nếu không có sự đồng thuận toàn xã hội, của người dân sẽ không bao giờ làm được điều đó. Kết quả hôm nay minh chứng cho sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, sự đồng cam cộng khổ và sẻ chia của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngày 23/4 - tròn 3 tháng cả nước bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.
Trước đó, tối 28 Tết Canh Tý (22/1), trong khi khắp các cửa ngõ của TP.HCM vẫn kẹt cứng người dân đổ về quê, tiếng còi xe cấp cứu hú liên hồi ở sảnh của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau cuộc gọi của Hệ thống báo động bệnh truyền nhiễm, 2 bệnh nhân người Trung Quốc được tiếp nhận với những triệu chứng giống người nhiễm virus Vũ Hán. Kết quả này được khẳng định ngay sáng hôm sau (23/1).
Hơn 30 y tá, bác sĩ của bệnh viện lập tức được điều động tăng ca trực chiến trong kỳ nghỉ Tết. Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến chống dịch kéo dài suốt 3 tháng qua.
Đi qua 90 ngày căng thẳng, chia sẻ với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói đó là quãng thời gian đầy áp lực và khó khăn trong từng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt, của Thủ tướng.
“Sau chuỗi ngày căng thẳng, 1 tuần Việt Nam không có ca nhiễm mới, thật sự rất mừng, hạnh phúc và sung sướng”, người phát ngôn Chính phủ chia sẻ, không giấu nổi vui mừng.
Ông cho biết những ngày qua, cả Thủ tướng và tập thể lãnh đạo Chính phủ hồi hộp chờ đợi vào những “khung giờ” công bố các ca nhiễm thường lệ của Bộ Y tế, bởi đó chính là cơ sở để đưa ra các quyết sách, chỉ đạo mới. Và những ngày không có ca nhiễm, đó thực sự là những ngày hạnh phúc.
Là người luôn sát cánh, tham mưu cho Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ thêm sau mỗi cuộc họp ở từng thời kỳ, Thủ tướng không dễ dàng gì khi đưa ra các quyết sách, chỉ đạo. Nhưng nhờ đánh giá sát tình hình, các chỉ đạo của Chính phủ đều kịp thời, đúng đắn; không chủ quan, lơ là nhưng cũng không “làm quá”.
“Thủ tướng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội là những người trực tiếp lo cho dân trong dịch bệnh, khi thấy người dân vui mừng vì không có ca nhiễm mới, người lãnh đạo nào cũng hạnh phúc”, ông Dũng nói.
Nhớ lại những giai đoạn căng thẳng, áp lực nhất, người phát ngôn Chính phủ nhắc lại thời điểm cuối tháng 12/2019, đó là lúc sau Tết Dương lịch và trước Tết Canh Tý.
Khi ấy, dịch xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), Văn phòng Chính phủ đã cùng các bộ, ngành sát cánh với Thủ tướng nghiên cứu, đánh giá nguy cơ và tham mưu để có ứng phó kịp thời. Việt Nam xác định nếu không làm tốt sẽ lây lan dịch trong nước vì chúng ta giáp biên giới với Trung Quốc.
Bởi vậy, Thủ tướng cũng như nhiều lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã “mất Tết”. Trong khi người dân vui đón Xuân, chưa lo gì về “virus Vũ Hán” thì các lãnh đạo Chính phủ ngay từ mùng 2 Tết Canh Tý đã chỉ đạo họp liên tục, bàn giải pháp chống dịch.
Thời kỳ tiếp theo khi dịch bùng phát ở châu Âu, ASEAN… trong nước lại phát sinh áp lực mới, thậm chí rất căng thẳng vì liên quan nhiều đến hoạt động đối ngoại với các nước.
Giải pháp hạn chế khách nước ngoài vào Việt Nam; hạn chế đường bay; siết chính sách nhập cảnh; đóng cửa đường mòn, lối mở và biên giới phía Tây Nam… là những quyết định rất khó khăn.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đưa ra quyết sách về những việc này không dễ dàng gì, thậm chí rất “cân não”.
“Có những chính sách đưa ra liên quan các nước, ban đầu họ không thông cảm, chia sẻ, họ nhận định Việt Nam phản ứng quá mức, nhưng sau lại thấy giải pháp của Việt Nam đúng, họ lại rất ủng hộ”, ông Dũng kể.
Sau chuỗi ngày bình yên, người phát ngôn Chính phủ chia sẻ đã có thể tạm yên lòng khi dịch được kiểm soát tốt hơn. Chính phủ cũng quyết định nới lỏng giãn cách xã hội để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh, giúp nền kinh tế phục hồi.
“Gần 10 ngày thành phố không có ca nhiễm mới, giờ mới phần nào yên tâm hơn, giảm bớt áp lực và căng thẳng", Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ với Zing.
Ông tâm sự giai đoạn khó khăn nhất là mỗi khi phát hiện ổ dịch mới, các lực lượng của toàn thành phố phải căng mình triển khai ngay các giải pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Hoặc có những ngày, số ca nhiễm mới lên tới hơn 10 ca, gồm nhiều ca ở Hà Nội - đó là những ngày đầy căng thẳng.
“Thậm chí, có những giai đoạn tưởng như vỡ trận, dịch sẽ bùng phát, nhưng bằng tất cả sự cố gắng, quyết tâm và nỗ lực, thành phố đã kiểm soát được tình hình”, Chủ tịch Chung chia sẻ.
Có được kết quả như hôm nay, người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng nhờ có đánh giá, nhận định đúng tình hình nên đưa ra những chính sách đúng đắn.
Bên cạnh đó, còn nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Bởi vậy, trong hầu hết cuộc họp của Ban chỉ đạo thành phố, ông Chung - với tư cách cá nhân và là lãnh đạo thành phố, đều gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân thủ đô đã đồng lòng chống dịch.
Trên cương vị người đứng đầu chính quyền thủ đô, ông Chung cũng là người luôn theo sát mọi diễn biến của dịch bệnh, thậm chí là người trực tiếp điều tra lịch trình của các trường hợp nhiễm Covid-19.
Còn nhớ chiều 6/3, khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội, trên đường trở về từ một cuộc họp, ông Chung ngay lập tức xin số điện thoại của nữ bệnh nhân số 17 để tìm hiểu thông tin. Sau hơn 1 tiếng trao đổi, trò chuyện với người bệnh, ông nhanh chóng chỉ đạo các hoạt động khoanh vùng, cách ly những người liên quan.
Cuộc họp ngay trong đêm cũng được Hà Nội tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu Thành ủy và UBND thành phố cùng tất cả các bộ, ngành, nhằm kịp thời thông tin và triển khai ngay các giải pháp chống dịch, trấn an nhân dân.
Mỗi tuần, Ban chỉ đạo chống dịch của Hà Nội họp 3 buổi. Trong tất cả phần kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội đưa ra được bài học và nghiên cứu của các nước về dịch Covid-19.
Ông nói từ ngày xảy ra dịch, nhóm chuyên gia người Việt ở nước ngoài cộng tác với Hà Nội, đã gửi cho ông hàng chục nghìn trang tài liệu. “Ngày nào đi làm về, ăn cơm xong tôi cũng dành thời gian đọc đến 1-2h sáng và ghi chép tất cả những nội dung cần thiết, đáng lưu ý vào một cuốn sổ riêng để nghiên cứu”, ông chia sẻ.
90 ngày đã đi qua trong cuộc chiến chống dịch vẫn còn rất nhiều dấu mốc đáng nhớ.
Sau 2 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện TP.HCM vào ngày 24/1, Việt Nam liên tiếp ghi nhận thêm những ca nhiễm mới. Từ 5 bệnh nhân nằm trong đoàn công nhân ở Vĩnh Phúc trở về từ Vũ Hán cùng 3 người bị lây nhiễm chéo, cho đến 2 du khách ở Khánh Hòa, 1 nhân viên ở siêu thị Điện Máy Xanh.
Thường trực Chính phủ liên tục mở các cuộc họp để đánh giá tình hình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để dịch bệnh lây lan”.
Một mặt, ông yêu cầu Bộ Y tế rà soát các kịch bản, phương án ứng phó, mặt khác, trấn an tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Chỉ trong vài ngày, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo về việc tạm dừng lễ hội, cho học sinh nghỉ học, đóng cửa khẩu, hủy tất cả các chuyến bay từ Vũ Hán, siết nhập cảnh người từ Trung Quốc về Việt Nam… Những chỉ đạo này đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát bệnh dịch đang có diễn biến xấu ở thời điểm đó.
Với 8/16 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam thời điểm đó, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành ổ dịch đầu tiên của cả nước. UBND tỉnh đã quyết định phong tỏa hơn 11.000 nhân khẩu trong xã này. Đây cũng là quyết định chưa có tiền lệ.
Bằng những giải pháp mạnh mẽ, sau hơn 1 tháng - ngày 26/2, bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng trong số 16 ca của giai đoạn 1 được xuất viện.
Bệnh nhân Li Zichao - một trong hai ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, chia sẻ về những ngày đáng nhớ khi được các y tá, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Lần đầu tiên vào viện mà anh không nhìn thấy mặt bác sĩ bởi tất cả mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng ngày qua ngày, anh quen thuộc với từng giọng nói, ánh mắt và phân biệt được từng người.
“Các bác sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ lớn nhất giúp tôi vượt qua dịch bệnh và qua được những ngày tồi tệ nhất”, anh Li nói.
Cùng suy nghĩ ấy, ông Tạ Kiên Hoa (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) là bệnh nhân thứ 7 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Sự tử tế của các bác sĩ và điều dưỡng tại Khoa bệnh D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là điểm neo giúp tôi vực dậy tinh thần để chiến đấu với bệnh tật”.
Ông nhớ tên của hầu hết y bác sĩ ở khoa mà mình điều trị, cũng như coi điều dưỡng như người bạn thân nhất của mình. Ở đó, nhân viên y tế không chỉ chữa bệnh cho ông, mà còn tìm mọi cách giúp ông thoải mái tâm lý, vui vẻ hơn để yên tâm điều trị.
Giai đoạn 1 của dịch kết thúc bằng việc 16 ca bệnh đều được chữa khỏi, và bằng những tiếng thở phào nhẹ nhõm của mọi người khi nhiều ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới.
Sau hơn 20 ngày bình yên, tối 6/3 trở thành một buổi tối không thể quên với người dân thủ đô. Bộ Y tế công bố ca nhiễm thứ 17 của cả nước, là người sống tại phố Trúc Bạch, Hà Nội. Nhiều người đã có một đêm không ngủ để theo dõi cuộc họp của thành phố ngay trong đêm.
Ngay đêm đó, Hà Nội ra quyết định cách ly 66 hộ dân tại phố Trúc Bạch với 189 nhân khẩu. Những ngày sau đó, người dân tại đây duy trì sinh hoạt bằng những thực phẩm được nhận qua hàng rào cách ly.
Sau ca nhiễm “mở màn” cho giai đoạn 2, cả nước liên tục ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm mới, nhiều người liên quan đến ca bệnh số 17 như lái xe, bác họ và nhiều hành khách cùng đi trên chuyến bay mang số hiệu VN54 từ London về Việt Nam tối 2/3.
Chỉ trong vòng 2 tuần (6-18/3), cả nước ghi nhận tổng cộng 39 người Việt Nam và 21 người nước ngoài nhiễm Covid-19. Các cuộc họp của Chính phủ, Hà Nội diễn ra thường xuyên hơn, trong đó có nhiều cuộc họp đột xuất trước tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Sau rất nhiều đề xuất, bàn thảo, “đưa lên, đặt xuống”, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, kể từ 0h ngày 18/3 để chặn nguồn lây từ bên ngoài vào. Ngoài ra, những người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu và khối ASEAN sẽ phải cách ly tập trung trong vòng 14 ngày.
Với những địa phương có ca nhiễm Covid-19, nhà chức trách nhanh chóng phong tỏa khu vực để kiểm soát ca bệnh. Tính đến nay, ngoài Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), nhiều ổ dịch cũng được phong tỏa để kiểm soát như thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh); Bệnh viện Bạch Mai; Bar Buddha (TP.HCM), thôn Văn Lâm 3 (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận); thôn Chí Trung (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), thôn Pín Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)…
Trong số đó, ổ dịch tại Bạch Mai khiến chính quyền Hà Nội lo lắng nhất. Bởi đây là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng đến điều trị, số lượng bệnh nhân rất đông. Kể từ khi phát hiện ca bệnh là điều dưỡng của bệnh viện cho đến khi có quyết định phong tỏa, hàng nghìn bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành đã ra vào nơi đây.
Hà Nội đã sốt sắng chỉ đạo tìm tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để yêu cầu cách ly, xét nghiệm. Thủ tướng trong cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tháng 3 cũng đề nghị có phương án riêng với ổ dịch này để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Dù nỗ lực là vậy, nhưng liên tiếp những ngày sau đó, các ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai ngày nào cũng xuất hiện, điển hình là nhóm bệnh nhân của Công ty Trường Sinh - đơn vị cung cấp nước sôi, thực phẩm cho bệnh viện.
Chỉ trong 1 tháng, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng từ 17 lên 268. Nhưng tất cả đã được kiểm soát sau Chỉ thị 16 chưa có tiền lệ của người đứng đầu Chính phủ: Cách ly xã hội.
“Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”, đó là lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào chiều 30/3.
Lời kêu gọi được phát đi ngay trước thời điểm Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về cách ly xã hội trong 2 tuần, từ 1/4 đến 15/4.
Thủ tướng yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; hạn chế các chuyến bay nội địa; tạm dừng giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người…
Cách ly xã hội cũng là giải pháp "chưa từng có", nhưng đã được người đứng đầu Chính phủ lựa chọn, quyết định sau rất nhiều cuộc họp, thảo luận với bộ ngành và các địa phương. Xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc" và xem 2 tuần này là thời điểm “vàng”, quyết định việc chặn dịch Covid-19, các địa phương trong cả nước đồng loạt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, 2 thành phố lớn nhất cả nước Hà Nội, TP.HCM ra lệnh tạm đóng cửa tất cả khu vui chơi giải trí và khu di tích, các cửa hàng kinh doanh, cơ sở làm đẹp... Nhiều trường hợp người dân không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường đã bị xử phạt.
Khi vẫn đang trong thời gian cách ly xã hội, người dân ra đường ngày một đông khiến lãnh đạo Chính phủ, Hà Nội lo lắng về nguy cơ lây nhiễm.
“Người dân ra đường đông, các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ với Zing về nỗi lo này.
Theo ông, chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của cả nước bị phá vỡ.
Sau ngày 15/4, nhận thấy tình hình dịch tại nhiều nơi vẫn có diễn biến phức tạp, Thủ tướng ra quyết định cách ly xã hội thêm 1 tuần với 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và có nguy cơ. Còn lại các nơi khác được nới lỏng hơn.
Với việc nhiều ngày không có ca nhiễm mới kể từ khi áp dụng tốt chính sách cách ly xã hội, Thủ tướng vẫn lưu ý tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn.
Vì diễn biến dịch phức tạp ở các nước, Thủ tướng đề nghị không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4; hạn chế các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam và chỉ duy trì 10 chuyến bay nội địa trong ngày giữa 3 địa phương Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Quan điểm xuyên suốt được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến là đưa sức khỏe người dân lên ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”, Thủ tướng nhắc quan điểm này ở hầu hết cuộc họp Thường trực Chính phủ.
Để có được kết quả trong chống dịch, ngoài chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của lãnh đạo Trung ương, Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng còn có công sức của các lực lượng như vũ trang, y tế. Và đặc biệt, có sự đóng góp, chung sức chống dịch của người dân trên mọi miền Tổ quốc.
“Nếu không có sự đồng thuận toàn xã hội, của người dân sẽ không bao giờ làm được điều đó. Kết quả ngày hôm nay minh chứng cho sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, sự đồng cam cộng khổ và sẻ chia của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.