Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 18/11, tỉnh Long An ước có trên 91% doanh nghiệp đã hoạt động lại với khoảng 330.000 lao động (toàn tỉnh có 13.590 doanh nghiệp đăng ký thành lập).
Trong đó, khoảng 3.435 doanh nghiệp ngành sản xuất với 263.166 lao động, khoảng 4.000 doanh nghiệp ngành kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động. Hầu hết doanh nghiệp ở các ngành dịch vụ còn lại (thương mại, nhà hàng, tư vấn, dịch vụ khác) cũng đã đi vào hoạt động nhưng chưa kịp thời gửi phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh về cơ quan quản lý.
Số doanh nghiệp còn lại chưa hoạt động, bao gồm các doanh nghiệp chưa có đơn hàng và các doanh nghiệp ngành khách sạn, lữ hành, du lịch, các dịch vụ trò chơi trẻ em, hồ bơi do còn ngại dịch bệnh nên chưa hoạt động lại.
Tại Bến Tre, đến nay toàn tỉnh có 3.841 doanh nghiệp đang hoạt động với 92.067 lao động (đạt tỷ lệ 89% tổng số doanh nghiệp), 46.072 hộ kinh doanh với 82.902 lao động (đạt tỷ lệ 93,1% tổng số hộ kinh doanh). Trong đó, có 5 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 300 lao động, 3.836 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới với 91.767 lao động.
Về công suất hoạt động (dựa trên số lao động), có khoảng 3.096 doanh nghiệp có công suất hoạt động từ 80% trở lên (một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động hơn 100% công suất để đáp ứng các đơn hàng sau dịch), 694 doanh nghiệp 70-80%, 51 doanh nghiệp dưới 70%. Ngoài ra, trong tổng số 46.072 hộ kinh doanh đang hoạt động, có 43.991 hộ kinh doanh có công suất hoạt động từ 80% trở lên, 2.081 hộ kinh doanh 70-80%.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước ghi nhận 80-90% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong tình hình mới. Doanh nghiệp ngành dừa sản xuất khoảng 50-60% công suất do nguyên liệu dừa trái đang vào mùa treo, sản lượng thấp, giá cao; doanh nghiệp thủy sản nguyên liệu ổn định, tuy nhiên do nhu cầu thị trường giảm nên hiện sản xuất 30-40% công suất, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 80% kế hoạch năm”.
“Doanh nghiệp ngành may hoạt động ổn định trong tình hình mới, tuy nhiên chi phí hàng hóa đầu vào tăng 10-30% và đang bị thiếu hụt nguồn lao động, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 70% kế hoạch năm. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, phát triển sản xuất kinh doanh đang được tập trung triển khai thực hiện”, Bộ Công Thương cho biết.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng có 312 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp với tổng số 48.694 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động được UBND cấp huyện phê duyệt tại Đồng Tháp là 264/431 doanh nghiệp với lao động là 46.365/54.116.
Tại TP Cần Thơ, tính đến ngày 17/11, có 984 (tương đương 84,25%) doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trở lại (tăng 676 doanh nghiệp so với thời điểm ngày 18/10). Còn lại 184 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 15,75%).
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và các hiệp hội ngành hàng đánh giá nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, do vậy, các cấp, ngành, hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nối lại nhanh chuỗi sản xuất, khôi phục nền kinh tế.
Trên cơ sở các đề xuất của các hiệp hội, Cục Công nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.