Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính thức, nhưng tới 90% dân văn phòng là “nhà đầu tư”. Đây là thông tin ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank đưa trong một hội thảo về tài chính, bất động sản vừa tổ chức ở TP.HCM.
Theo ông Trung, chưa bao giờ các nhà đầu tư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nở rộ như hiện nay. Tất nhiên, ông cũng nói rõ, họ chỉ cần mua cổ phiếu, đặt cọc tiền mua căn hộ hoặc cùng góp vốn để mua/bán đầu tư là có thể được gọi "nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, gọi là nhà đầu tư nhưng là hình thức của họ chủ yếu là góp tiền mua nhà đất, gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng. Người đầu tư chỉ cần biết lãi suất thực dương, tức là lãi suất lớn hơn lạm phát mỗi năm.
Gom tiền mua bất động sản rồi sang tay kiếm lời là cách phổ biến nhiều người có vốn nhỏ đang đầu tư. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
"Ở Việt Nam không có gì dễ bằng làm nhà đầu tư. Có khi ra ra mua mấy cổ phiếu cũng là nhà đầu tư, đặt tiền mua căn hộ cũng là nhà đầu tư.
Nhiều năm về trước có người mới đặt cọc mua nhà xong, bán lại phiếu đặt cọc đó đã có lời. Câu chuyện ở đây rất đơn giản, bất cứ lĩnh vực gì cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kể cả là nhà đầu tư", ông Trung nói.
Vị này chia sẻ thêm nếu đi nhiều nước trên thế giới thì có thể thấy khát khao đầu tư để kiếm lời của người Việt Nam, đặc biệt người dân đô thị rất lớn. 10 người làm văn phòng thì 9 người muốn đầu tư.
Ngoài chuyện đi làm, cuối tháng nhận lương từ cơ quan thì nhiều người cũng hỏi bạn bè xem ở đâu có bán căn hộ, trái phiếu mua được hay không.
"Ở các nước khác người dân hoặc là người nhân viên làm văn phòng, họ cũng chú tâm vào chuyện làm nhiều hơn là việc họ search trên mạng xem mua căn nhà ở đâu, khu bến Vân Đồn hay Phú Mỹ Hưng… Mua mã cổ phiếu này hay mã cổ phiếu kia thì có lời", ông Trung nói.
Theo nhận định của ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc Coteccons, cả nhà đầu tư bất động sản và người mua nhà, đất hiện nay đã thực tế hơn rất nhiều.
Ông Công cho biết, 5-10 năm trước, các nhà đầu tư bất động sản tìm đến nhà thầu xây dựng với tâm thế khá lãng mạn khi muốn đầu tư những dự án bất động sản để đời.
“Bây giờ họ đã thực tế hơn rất nhiều. Khi họ gặp chúng tôi, đặt vấn đề liệu dự án xây xong bán được không, giá tối đa có thể bán được là bao nhiêu, 18-20 triệu/m2 bán được không. Họ trao đổi với chúng tôi rằng từ hệ số chiều cao xây dựng họ được cấp phép, làm sao để tối ưu hóa diện tích sử dụng", ông Công cho biết.
Vị này giải thích rằng, những vấn đề chủ đầu tư đặt ra với nhà thầu như thế tức là chủ đầu tư bây giờ đã bớt cái tôi đi, tập trung nhiều vào nhu cầu thực tế của khách hàng, tập trung vào thiết kế, công năng, dịch vụ tiện ích bao quanh căn hộ.
Cũng vì vậy mà các chủ đầu tư, nhà thầu hiện nay cạnh tranh với nhau về giải pháp thiết kế, về công năng cũng như tiện ích của một căn hộ.
Ngoài ra, phân khúc thị trường trung bình, hợp túi tiền và hợp thị hiếu người mua luôn chiếm tỷ trọng cao trong nhiều năm qua. Xu hướng này đặc biệt thể hiện rõ tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Ông Công cho biết nhiều chủ đầu tư lớn đang ấp ủ phát triển những khu đô thị lớn quy mô cả trăm nghìn căn hộ, với giá bán trung bình có thể phù hợp với nhiều đối tượng, từ sinh viên mới ra trường, giới văn phòng hay những người di cư từ nông thôn lên thành phố.
"Xu hướng căn hộ cho thuê 2 phòng ngủ được đánh giá là tốt hơn 1 hay 3 phòng ngủ”, ông Công cho hay.