Sự trùng hợp khó tin giữa 2 cố tổng thống Mỹ
Hai cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy (trái) và Abraham Lincoln. |
Một loạt những điểm tương đồng khó giải thích giữa 2 vị cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và John F. Kennedy khiến nhiều người nghi ngờ có bàn tay của số phận sắp đặt, theo Oddee.
Tên Lincoln và Kennedy đều có 7 chữ cái. Lincoln vào Quốc hội năm 1846, trúng cử tổng thống năm 1860. John F. Kennedy vào Quốc hội năm 1946, đắc cử tổng thống năm 1960, đúng 100 năm sau đó. Cả hai đều đánh bại một phó tổng thống đương nhiệm và đặc biệt quan tâm tới các quyền dân sự. Phu nhân của hai ông đều sảy thai trong thời gian sống ở Nhà Trắng.
Những kẻ thủ ác ám sát hai ông cùng vào ngày thứ sáu và đều bằng những viên đạn nhằm thẳng vào đầu. Kẻ ám sát Lincoln là John Wilkess Booth sinh năm 1839, còn Lee Harvey Oswald, giết hại Kennedy, sinh năm 1939, nghĩa là cách nhau tròn 100 năm. Tên của cả hai sát thủ đều có 15 chữ cái. Booth chạy trốn từ nhà hát và bị bắt trong một nhà kho còn Oswald tẩu thoát từ nhà kho và sa lưới tại nhà hát.
Viên thư ký của Lincoln tên là Kennedy còn thư ký của Kennedy tên là Lincoln. Cả hai đều có phó tổng thống dưới quyền mang họ Johnson và cũng chính là người kế nhiệm hai ông sau vụ ám sát. Andrew Jackson kế nhiệm Lincoln sinh năm 1808 và Lydon Johnson, kế nhiệm Kennedy, sinh năm 1908. Tên của cả hai đều có 13 chữ cái.
Cặp vợ chồng mới cưới phát hiện gặp nhau trước đó 11 năm
Cặp vợ chồng người Anh xuất hiện trong cùng bức ảnh chụp trước đó 11 năm. |
Cặp vợ chồng son người Anh, Nick Wheeler và Aimee Maiden vừa tổ chức đám cưới. Trước ngày trọng đại diễn ra, hai người tới thăm nhà ông nội của Wheeler. Họ kể lại những chuyện trước đây. Ông của Wheeler vừa nói vừa mang ra những tấm ảnh chụp cách đây 11 năm trước trên bãi biển ở Cornwall ra xem. Aimee Maiden bất ngờ nhận ra cô chính là cô bé 6 tuổi bên góc trái của một tấm ảnh. Aimee cho biết đây là sự trùng hợp khó tin khi cô đã gặp người bạn đời của mình cách đây hơn chục năm trước.
Hai người vốn là những người xa lạ và sống cách xa nhau. Wheeler sống ở Kent, trong khi Maiden lớn lên ở Cornwall, làng biển vùng Mousehole. Tấm ảnh chụp khi Wheeler đi nghỉ ở Cornwall, đó là lúc anh vô tình gặp vợ tương lai. Một năm sau đó, Wheeler chuyển đến Mousehole nhưng vẫn không gặp Maiden cho đến khi học đại học. Ngay sau đó, họ bắt đầu hẹn hò và chuyển đến ở với nhau cách đây 3 năm.
Những câu đố vui trùng với mật mã quân sự
Cựu giáo viên Leonard Dawes nhận biên soạn các câu đố ô chữ cho tờ Daily Telegraph của London, Anh, trong 2 năm. Tháng 5/1944, nhiều người phát hiện các câu đố của Dawes đều chứa các mật mã của 2 cuộc cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử D-Day của Mỹ lên các bãi biển ở Normandie, Pháp. Trong 2 tuần, hầu hết những ô chữ do Dawes đưa ra chứa các đoạn mã bí mật như Juno, Overlord, Sword và Mulberry, mà điều này không ai biết ngoại trừ các quan chức thân cận của tướng Eisenhower.
Cơ quan an ninh và phản gián Anh (MI5) nghi ngờ Dawes là điệp viên của Đức nên đã bắt giữ và thẩm vấn ông. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, họ trả tự do cho Dawes vì không tìm ra những bằng chứng gián điệp mà đó chỉ là những sự lựa chọn ngẫu nhiên.
Cặp vợ chồng đi tới đâu, nơi đó bị khủng bố
Không tặc đâm vào tòa tháp đôi trong vụ 11/9 tại New York, Mỹ. |
Cặp vợ chồng người Birmingham là Jason và Jenny Cairns-Lawrence đã trải qua 3 vụ khủng bố kinh hoàng của thế giới trong suốt 7 năm. Ngày 11/9/2001, hai vợ chồng tới thăm New York khi nhóm không tặc tấn công tòa tháp đôi khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Tháng 7/2005, họ du lịch tới London vài ngày thì một loạt các cuộc tấn công liều chết trên tàu ngầm và xe buýt xảy ra khiến 52 người thiệt mạng. Jason và Jenny tiếp tục tới Mumbai vào tháng 10/2008 và tận mắt chứng kiến vụ khủng bố đẫm máu tại đây. Trong một buổi phỏng vấn, bà Cairns-Lawrence cho biết: "Đó là một sự trùng hợp kỳ lạ bởi các cuộc tấn công đều xảy ra khi chúng tôi tới các thành phố đó".
Tìm thấy em ruột sống ngay cạnh nhà sau nhiều năm mất tích
Khi mới 3 tháng tuổi, một gia đình nhận Rose Davies làm con nuôi. Lớn lên tại Garndiffaith ở xứ Wales, Rose phát hiện ra cô có ba anh em ruột đã thất lạc từ lâu. Rose dễ dàng tìm thấy anh Sid và John, nhưng cậu em Chris vẫn bặt vô âm tín. Trong một lần tình cờ, cô phát hiện Chris và gia đình nhận nuôi em sống ngay bên kia đường, đối điện với nhà của cô.
Hai người phụ nữ xa lạ giống nhau như bản sao
Một lỗi trên máy tính khiến 2 phụ nữ người Mỹ cùng tên là Patricia Ann Campbell mang cùng một mã số Trợ cấp an sinh xã hội. Sau khi cơ quan chức năng triệu tập 2 người để khắc phục nhầm lẫn, họ phát hiện ra nhiều điều tương đồng kỳ lạ. Ngoài việc cùng tên, cả hai cùng sinh ngày 13/3/1941. Hai người cha của họ đều tên Robert Campbell. Phu quân của họ cùng là sĩ quan quân đội và bắt đầu phục vụ trong quân ngũ năm 1959. Họ đều có 2 con ở tuổi 19 và 21. Ngoài ra, những người phụ nữ này còn có chung nghề nghiệp là cán bộ thư viện và cùng có sở thích với các bức tranh sơn dầu.
Hai cha con lạc nhau nhiều năm cùng xuất hiện trên một bức ảnh
Bức ảnh chụp gia đình ông Dick, Lisa xuất hiện ngay phía sau. |
Năm 2007, Michael Dick và gia đình đi du lịch khắp nước Anh để tìm kiếm con gái Lisa, 31 tuổi. Ông đã mất liên lạc với cô khoảng mười năm trước. Báo Suffolk Free Press đã đồng ý giúp ông bằng cách đăng bài tìm kiếm con gái cho ông. Họ lấy bức ảnh ông Dick chụp cùng gia đình ở một thành phố để đưa vào bài báo. Người con gái thất lạc vô tình phát hiện thông tin và đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, Lisa phát hiện một sự trùng hợp khiến cô vô cùng sửng sốt bởi cô cũng xuất hiện trong bức ảnh trên báo, ngay phía sau bố và các chị gái.
Sự trùng hợp hi hữu trong 2 thảm họa hàng không của Malaysia Airlines
Gần đây, phóng viên C.J. Chivers của tờ The New York Times (Mỹ) - người từng đoạt giải Pulitzer - đã phát hiện sự liên quan ngẫu nhiên giữa số 7 và số 17 với hãng hàng không Malaysia Airlines. Ông viết: "Máy bay gặp nạn của Malaysia là Boeing 777, thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 7/7/1997. Nó rơi bởi tên lửa đúng vào ngày 7/7 của 17 năm sau".
Thêm một sự trùng hợp khác khi một tay đua xe đạp người Hà Lan thoát chết trong cả hai thảm kịch MH370 và MH17. Trong chuyến bay MH370 mất tích hồi tháng 3, anh đã quyết định đi chuyến sớm hơn thay vì lên chiếc phi cơ định mệnh. Lần thứ hai, cua rơ này tiếp tục hủy chuyến MH17 ngay phút chót để bay một chuyến khác rẻ hơn. Ở cả 2 lần, anh đều may mắn hơn rất nhiều so với những hành khách xấu số.
Hai người phụ nữ cùng chung số phận
Sự trùng hợp này còn kỳ lạ hơn những câu chuyện trong tiểu thuyết. Hai phụ nữ tên Barbara Forrest và Mary Ashford cùng là nạn nhân của những vụ án giống nhau tại một thị trấn nhỏ ở Erdington, Anh, nhưng cách nhau tới 157 năm. Forrest và Mary có cùng ngày sinh và cùng gặp nạn khi mới 20 tuổi. Trong cả hai vụ việc, kẻ thủ ác hãm hiếp và bóp cổ nạn nhân đến chết và vứt thi thể cách nhà khoảng 300 m. Cảnh sát phát hiện xác hai người phụ nữ xấu số trong cùng ngày 27/5 nhưng một người vào năm 1817 còn một người vào năm 1974. Cảnh sát bắt giữ hai nghi phạm vì cho rằng họ liên quan tới vụ án. Cả hai đều mang tên Thornton và cuối cùng đều trắng án.