Khác với các quốc gia truyền ngai vàng cho người thừa tự, tại Malaysia, vị trí Người đứng đầu Nhà nước hay Yang di-Pertuan Agong được luân chuyển giữa 9 người cai trị.
Theo Bernama, mặc dù Malaysia áp dụng chế độ quân chủ lập hiến và dân chủ nghị viện, việc lựa chọn Yang di-Pertuan Agong, bắt đầu khi Malaysia giành độc lập năm 1957, vẫn có ý nghĩa lớn vì nó phản ánh niềm tin của người dân vào hệ thống dân chủ nghị viện.
Ngai vàng độc nhất, quốc vương luân phiên
Hiến pháp liên bang quy định Yang di-Pertuan Agong, Nhà cai trị tối cao của Malaysia, không được bầu bởi người dân mà bởi 9 người cai trị tại Hội nghị Các nhà vua, để đảm nhiệm chức vụ trong 5 năm.
Khi kết thúc nhiệm kỳ, quốc vương phải rời khỏi ngôi vị để nhường ngôi cho Người cai trị khác dựa theo hệ thống luân chuyển. Trong hệ thống xoay vòng này, ngai vàng vẫn được giữ nguyên nhưng những Người cai trị thì thay phiên nhau.
Các nhà lãnh đạo Malaysia đủ điều kiện để được bầu lên ngôi vua là tiểu vương của các bang Negeri Sembilan, Selangor, Perlis, Terengganu, Kedah, Kelantan, Pahang, Johor và Perak. Ở cấp độ các bang, các Nhà cai trị vẫn duy trì hệ thống thừa kế để xác định người kế vị.
Quốc vương Muhammad V hôn lên thanh bảo kiếm trong lễ đăng quang ngôi vị Yang di-Pertuan Agong thứ 15 tại Hoàng cung Istana Negara, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ngày 24/4. Ảnh: Bernama. |
Kể từ cuộc bầu chọn Yang di-Pertuan Agong đầu tiên, Malaysia đã có 15 nguyên thủ quốc gia, bao gồm vua Muhammad V từ bang Kelantan, người vừa đăng quang ngôi vị Yang di-Pertuan Agong thứ 15 vào ngày 24/4.
Ông là tiểu vương thứ 2 của bang Kelantan lên ngôi Yang di-Pertuan Agong sau ông nội của mình và là người trẻ nhất được bầu trong số các Nhà cai trị hiện tại của 9 bang.
Tunku Abdul Rahman Putra Alhaj, thủ tướng đầu tiên của Malaysia, cùng Ủy ban Lập pháp năm 1957, đã đề xuất và thực thi hình thức luân chuyển đối với Yang di-Pertuan Agong, điều hoàn toàn mới mẻ và chưa từng được thực hiện bởi bất kỳ nước nào trên thế giới.
Điều 32 của Hiến pháp liên bang quy định Yang di-Pertuan Agong là Nhà cai trị Tối cao của quốc gia. Ông có vị trí cao hơn tất cả những người khác trong liên bang Malaysia.
Nhà vua cũng bị xét xử
Sau khi Hiến pháp được sửa đổi vào năm 1993, Yang di-Pertuan Agong, cũng như những Nhà cai trị Malaysia khác, có thể bị buộc tội tại tòa với tư cách cá nhân. Nếu bị buộc tội vì bất kỳ hành vi phạm tội nào theo luật bất kỳ, nhà vua sẽ bị xét xử tại Toà án Đặc biệt do Hội đồng Các nhà cai trị Malaysia lập ra.
Hiến pháp cũng quy định rằng Yang di-Pertuan Agong phải được lựa chọn bởi Hội đồng Các nhà cai trị bằng cách bỏ phiếu kín để đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm.
Tuy nhiên, quốc vương có thể từ chức bất cứ lúc nào bằng cách gửi thư từ chức lên Hội đồng Các nhà cai trị hoặc bị phế truất theo quy định của Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có Yang di-Pertuan Agong nào bị phế truất hoặc từ chức.
Quốc vương thứ 13 của Malaysia, Tuanku Mizan Zainal Abidin (thứ 2 bên trái), chào các quan chức trong buổi lễ chia tay tại Tòa nhà Quốc hội ở Kuala Lumpur, ngày 12/12/2011. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo quy định của Hiến pháp, với tư cách là Nhà lãnh đạo Tối cao, Yang di-Pertuan Agong có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Trong nhiều vấn đề, gần như tất cả quyết định của chính phủ do nhà vua ban hành đều dựa trên lời khuyên của thủ tướng chính phủ hoặc Nội các. Tuy nhiên, nhà vua có thể tự ý hành động để thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Bổ nhiệm thủ tướng chính phủ
- Không đồng ý với yêu cầu giải thể quốc hội
- Kêu gọi tổ chức Hội nghị Các nhà vua nhân danh đặc quyền, địa vị, tính thiêng liêng và sự vĩ đại của Hội đồng Các nhà cai trị, đưa ra các quyết định tại hội nghị và các vấn đề khác theo quy định của Hiến pháp
Một số nhiệm vụ chỉ có thể được thực hiện bởi Yang di-Pertuan Agong, bao gồm triệu tập, đình chỉ và giải thể quốc hội. Ngoài quyền quyết định bổ nhiệm thủ tướng chính phủ, nhà vua cũng có quyền bổ nhiệm các bộ trưởng và thứ trưởng theo chỉ dẫn của thủ tướng.
Bên cạnh chức vụ tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang, nhà vua cũng là lãnh tụ Hồi giáo của các bang không có Nhà cai trị như Melaka, Penang, lãnh thổ liên bang, Sabah, Sarawak và tiểu bang của mình.
Được coi như biểu tượng của công lý, nhà vua có thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán, ban ân xá, đặc xá và đình chỉ đối với tất cả tội phạm đã được tòa án quân sự xét xử và tất cả hành vi phạm tội ở Lãnh thổ Liên bang của Kuala Lumpur và Labuan. Là biểu tượng của danh dự và phẩm giá, nhà vua ban thưởng và tôn vinh những người từ mọi tầng lớp xã hội.