Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9 nhóm được tăng lương cơ sở từ 1/7

Nghị định mới của Chính phủ quy định 9 nhóm người lao động thuộc cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7.

Các lực lượng vũ trang được tăng lương cơ sở từ 1/7. Ảnh: Việt Linh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7.

Theo đó, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được áp dụng cho 9 nhóm người lao động.

Nhóm một là cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Nhóm 2, là cán bộ, công chức cấp xã. Nhóm 3 là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhóm thứ tư là người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nhóm 5 là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Nhóm 6 là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhóm 7 là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Công an nhân dân và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

Nhóm 8 là người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Nhóm 9 là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Nghị định nêu rõ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng của nhóm này tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022.

Về kinh phí thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, nguồn tăng lương được sử dụng từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được giao.

Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại, sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.

Ngoài ra, các cơ quan Trung ương được dùng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

Các địa phương được dùng các nguồn tăng lương gồm:

10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023. 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán. Trừ một số khoản thu về xổ số, tiền sử dụng đất, thu cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp...

Nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết.

Tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 sau khi trừ chi phí liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ, thu phí. Với số thu từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của bệnh viện công lập, được sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.

Ngân sách Trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thực hiện các quy định trên.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7. Với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước năm 1995, mức tăng là 20,8%.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm