Hành hình "phù thủy''
Người dân ở Papua New Guinea lột quần áo của một phụ nữ rồi tra tấn bà bằng thanh sắt đáng sợ. Sau đó họ thiêu sống bằng bằng khí gas trên một đống lốp o tô trước mặt hàng trăm người, BBC đưa tin. Nếu không thấy gas và lốp ô tô, có lẽ bạn sẽ nghĩ cảnh tượng ấy diễn ra trong thế kỷ 16 hoặc 17, chứ không xảy ra vào tháng 1/2013. Giống như phiên tòa xử phù thủy Salem nổi tiếng, những kẻ hung hãn kia chỉ tin rằng cô gái mới 20 tuổi là một phù thủy và họ trả thù cô theo cách ghê rợn.
Hủ tục giết phù thủy vẫn tồn tại ở một số nước châu Phi. Ảnh: blogspot.com |
Papua New Guinea không phải là nơi duy nhất người dân vẫn còn sợ phù thủy. Nhiều xã hội ở châu Phi vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc truy lùng phù thủy và việc đó không chỉ xảy ra ở những nhóm người tách biệt với thế bên ngoài. Chẳng hạn, tổng thống Yahya Jammey của Gambia từng phát động một chiến dịch săn phù thủy vào năm 2009 khiến người dân trong nhiều làng sợ hãi. Ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người khác rời khỏi đất nước vì chiến dịch của Jammey.
Một ví dụ khác là Ấn Độ, nơi khoảng 150 tới 200 phụ nữ mất mạng mỗi năm vì người ta nghi họ là phù thủy. Tại Arab Saudi, luật pháp quy định phù thủy sẽ phải lĩnh án tử nếu người dân đưa họ ra tòa.
Nô lệ
Hàng triệu trẻ em trên thế giới đang phải sống cuộc đời nô lệ. Ảnh: Daily Express |
Ở các nước hiện đại, chúng ta cảm thấy sợ hãi trước việc sử dụng nô lệ của tổ tiên trong quá khứ và chúng ta nghĩ rằng thời kỳ đó chỉ còn là dĩ vãng. Thật không may, thời kỳ nô lệ vẫn kéo dài tới tận ngày nay. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng 10 tới 30 triệu người đang phải sống thân phận nô lệ - con số lớn hơn mọi thời điểm bất kỳ trong quá khứ, Daily Express đưa tin. Như vậy số lượng nô lệ hiện nay đang đạt mức lớn nhất trong lịch sử. Ngay cả trong thế kỷ 18, thời kỳ hoàng kim của hoạt động buôn bán nô lệ châu Phi, người ta chỉ đưa khoảng 6 triệu nô lệ ra khỏi lục địa đen.
Vậy nô lệ hiện đại tới từ đâu? Họ tới từ mọi nơi trên địa cầu. Bọn bất lương trên khắp thế giới bắt cóc hoặc lừa nam giới, phụ nữ và trẻ em rồi buộc họ lao động như nô lệ để trừ nợ. Ngoài ra họ còn có thể phải bán dâm và chịu nhiều hình thức bóc lột khác. Chỉ riêng tại Mỹ, người ta ước tính khoảng 100.000 trẻ em phải bán dâm. Doanh thu của hoạt động buôn người trên khắp thế giới đã đạt 32 tỷ USD mỗi năm. Buôn người sẽ sớm vượt hoạt động buôn ma túy về doanh thu.
Mặc dù nạn buôn bán nô lệ xảy ra ở mọi quốc gia, phần lớn nô lệ sống ở châu Á, nơi 12,3 triệu người đang phải lao động cưỡng bức. Cộng đồng không thể phát hiện các nạn nhân bởi họ làm việc ngoài tầm nhìn của công chúng trong các nhà hàng, nông trại, khách sạn và nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó, những kẻ bắt cóc nô lệ hưởng công sức lao động của những nạn nhân Chúng kiểm soát các nạn nhân bằng những lời đe dọa về việc hành hạ hoặc giết, cưỡng bức hoặc ma túy.
Bán trẻ em
Tình trạng trẻ em phải lao động cưỡng bức đang khá phổ biến tại Ấn Độ. Ảnh: The Hindu Times |
Tất nhiên, bán trẻ em là hoạt động song hành với buôn bán nô lệ, nhưng chúng ta vẫn không thể hiểu tại sao một số phụ huynh sẵn sàng bán đứa trẻ mà họ sinh ra để chúng rơi vào cuộc đời nô lệ với những nỗi thống khổ mà chẳng ai có thể tưởng tượng. Có vẻ như sức mạnh của đồng tiền đã khiến lý trí của họ biến mất.
Một thực tế đáng kinh ngạc là những trang web đề nghị đổi trẻ con lấy tiền vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng internet. Những người đưa ra lời đề nghị kinh khủng như thế lừa bịp để các bậc phụ huynh nghĩ rằng bán con không phải là hành vi ghê gớm. Chúng đăng ảnh những đứa trẻ cười mỉm như thể chúng đang ở trong trại hè, chứ không bao giờ công bố ảnh về những trẻ làm việc 18 tiếng mỗi ngày trong xưởng.