Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932) |
Từ một người nghèo khó, làm công cho một hãng buôn của người Pháp, Bạch Thái Bưởi (1874-1932) đã gây dựng được một tài sản to lớn (dù bị người Pháp và Hoa Kiều cạnh tranh quyết liệt) để vươn lên trở thành “ông vua sông biển”, “vua mỏ nước Việt”, đồng thời trở thành niềm tự hào của tầng lớp doanh nhân Việt Nam non trẻ bị thực dân chèn ép lúc bấy giờ…
Vậy điều gì làm nên “huyền thoại” Bạch Thái Bưởi và đâu là nhân tố tạo nên thành công trong sự nghiệp kinh doanh của ông?
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932) |
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Bạch Thái Bưởi khẳng định doanh tài đất Việt (NXB Văn học, 2019), bên cạnh việc dựng lại chân dung Bạch Thái Bưởi “có da, có thịt”, giúp độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về hoạt động của ông trên nhiều lĩnh vực, tác giả Lê Minh Quốc còn phân tích và chỉ ra 9 bài học trên thương trường được rút ra từ sự nghiệp kinh doanh của Bạch Thái Bưởi (tương ứng với 9 chương trong sách) đó là: dám đi bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, dám tin người, dám tiếp thu tân thư, dám vận dụng tinh thần yêu nước, dám cạnh tranh đến cùng, dám sáng tạo, dám mở rộng thị trường, dám đi lại từ đầu. Những bài học này thể hiện bản lĩnh của Bạch Thái Bưởi đến nay vẫn chưa lỗi thời.
Trong 9 bài học quan trọng kể trên, dám tiếp thu tân thư là bài học gắn liền với không khí chính trị và bối cảnh xã hội lúc bấy giờ và có tác động trực tiếp tới nhận thức và làm thay đổi ý thức kinh doanh gắn với tinh thần yêu nước của Bạch Thái Bưởi.
Theo tác giả Lê Minh Quốc, đầu thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi và nhiều nhà tư sản dân tộc Việt Nam đã ý thức rất sâu sắc về một nền văn hóa mới hình thành căn bản từ tân thư do các nhà nho cấp tiến truyền vào Việt Nam trong thời điểm này.
Tân thư là tên gọi chung các sách báo xuất hiện ở Nhật, Trung Quốc và Việt Nam từ những thập niên cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, có nội dung giới thiệu các tư tưởng mới của Âu Mỹ được phổ biến trong nước. Gọi tân thư là để phân biệt với sách báo cũ (cổ thư) có nội dung văn hóa - giáo dục truyền thống.
Trước cái họa mất nước vì hệ tư tưởng phong kiến trong nước đã lỗi thời, vì khoa học tiến bộ của các thế lực xâm lược phương Tây, các sĩ phu yêu nước đã nhanh chóng tiếp thu tân thư nhằm trang bị tư tưởng mới để cứu nước. Kể từ đây, những tư tưởng mới của triết học ánh sáng (thế kỷ 18) của nước Pháp với Lư Thoa (J.J. Rousseau), Mạnh Đức Thư Cưu (Monesquieu)… và tư tưởng của các nhà triết học Âu Mỹ dần dần được các nhà nho tiếp thu.
Một trong những thay đổi lớn nhất, mạnh mẽ nhất, ghê gớm nhất mà các nhà nho sau khi tiếp thu tân thư đã tác động tích cực đến quốc dân là thay đổi quan niệm về nghề buôn. Những quan niệm cũ kỹ xem thường nghề buôn trở thành những lực cản trở bước tiến của xã hội. Các nhà nho cấp tiến, các nhà Tây học đã khởi xướng phong trào Duy Tân rầm rộ từ Bắc chí Nam.
Các chiến sỹ tiên phong của phong trào đã phát động đổi mới triệt để trên mọi mặt. Không chỉ “hóa dân” (mở mang dân trí) chung sức làm cho “cường quốc” (làm cho nước mạnh” mà còn kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích mọi người bước vào công thương nghiệp, dũng cảm kinh doanh, đầu tư cho sản xuất để cạnh tranh với ngoại bang.
Tàu Phi Long của Bạch Thái Bưởi. |
Để đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói chung, các nhà nho Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế… đã đặt nền móng và làm gương trước quốc dân. Các cụ đã vứt bỏ học vị tiến sỹ, phó bảng… thậm chí từ quan để mở trường dạy học theo lối mới.
Theo tác giả Lê Minh Quốc, nếu như các nhà nho cấp tiến, các nhà tây học có công cổ vũ hô hào, tuyên truyền cho một tư tưởng mới thì Bạch Thái Bưởi cùng nhiều nhà tư sản dân tộc khác lại có công biến nó thành hiện thực, thành những việc làm cụ thể.
So với các nhà nho, sự tiếp thu và vận dụng tân thư của Bạch Thái Bưởi có phần thuận lợi hơn, vì ông là người Tây học, người từng có nhiều kinh nghiệm tích lũy trên thương trường, được cọ xát làm ăn, buôn bán trong thực tế… Nhờ những yếu tố này, năm tháng đã chứng minh Bạch Thái Bưởi trở một mẫu doanh nhân điển hình nhất lúc bấy giờ. Điển hình nhất, vì từ đây ông đã suy nghĩ về sự học, sự làm giàu dưới một góc độ khác hẳn. Học không chỉ để thi đậu ra làm quan mà nhằm mở mang tri thức, có tri thức thì mới cứu được nước, làm giàu không chỉ cho riêng mình mà gắn với lợi ích lâu dài của cộng đồng.
Chính vì vậy, dù có trong tay hàng chục vạn bạc và đang tất bật với công việc cầm đồ ở Nam Định nhưng Bạch Thái Bưởi vẫn quan tâm đến thời cuộc. Những bài giảng, những buổi thuyết trình, bình văn tại trường Đông Kinh nghĩa thục đã tạo ra một ảnh hưởng lớn đến ông. Nó khiến ông ý thức hơn việc kinh doanh gắn với yêu nước một cách tự giác và bỏ qua giai đoạn tự phát ban đầu. Không phải ngẫu nhiên mà sau này, hầu hết hoạt động kinh doanh của Bạch Thái Bưởi đều áp dụng triệt để mục tiêu: Việc tân học kíp đem dựng nước/ Hợp doanh hoàn của nước cùng nhau/ Việc buôn ta lấy làm đầu/ Mọi nghề cùng với địa cầu một vai.
Cũng từ đó mà Bạch Thái Bưởi đã góp phần làm thay đổi nhìn nhận của quốc dân đối với thương nhân, thông qua mục tiêu làm giàu không phải là thu vén cho mình mà mà vì lợi ích của đất nước, lợi ích dài lâu của cộng đồng. Điều này cũng giúp cho công việc kinh doanh của ông ngày càng phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vận tải đường thủy và khai thác mỏ. Bạch Thái Bưởi cũng chứng minh người Việt Nam không hề kém cạnh ai trên thương trường và có thể sánh vai với các nước năm châu trên nhiều lĩnh vực. Ông xứng đáng là ngọn cờ đầu trong ngành thương nghiệp nước nhà để các hậu bối noi theo.