Khởi công từ năm 2012, nhưng 3 năm sau, cơ quan chức năng của TP Hà Nội mới chính thức có kết luận kiểm tra và đình chỉ thi công nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Và mất thêm 5 năm nữa để các đơn vị hoàn thành việc phá dỡ các hạng mục sai phạm.
Chuyên gia nhìn nhận việc chính quyền kiên quyết xử lý sai phạm tại công trình này là đáng hoan nghênh. Song, công trình 8B Lê Trực thực sự đã để lại nhiều bài học đau xót và là "vết sẹo lớn" trên bộ mặt đô thị thủ đô.
Cắt tường, sàn nhưng giữ lại khung
Hiện trạng công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5 m, còn diện tích sàn tăng 2.800 m2.
Sau khi tháo dỡ các hạng mục sai phạm, TP cũng cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18; dầm, cột, vách tường xây lồng ô cầu thang bộ bởi nếu phá tiếp có nguy cơ mất an toàn đến tòa nhà. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ được phép hoàn thiện thành bồn hoa, cây cảnh, không dùng cho mục đích khác.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bày tỏ sự khó hiểu khi nói về việc "cắt gọt" kiểu này. Rõ ràng, việc xử lý như vậy là không triệt để khi công trình vẫn cao vượt 5,5 m và diện tích sàn tăng 2.800 m2 so với giấy phép.
Đơn vị thi công cắt từng tấm sàn của tầng 18 nhà 8B Lê Trực nhưng vẫn giữ lại hệ khung. Ảnh: Hải Nam. |
"Việc tháo dỡ cho đến nay mới đảm bảo tính răn đe, nhưng lại không đảm bảo về chiều cao. Vẫn còn hệ khung của các tầng sai phạm chưa bị tháo dỡ. Như vậy, việc xử lý là chưa triệt để", ông Tùng nói với Zing.
Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thừa nhận việc cắt dỡ tầng 18 và 19 của nhà 8B Lê Trực là công việc rất phức tạp, đòi hỏi nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng vì nó liên quan đến yếu tố an toàn, kết cấu của cả tòa nhà. Tuy nhiên, xử lý mà vẫn để lại phần sai phạm thì nên xem lại hướng xử lý này đã hợp lý chưa.
"Nhà nước hoàn toàn có thể phạt tiền chủ đầu tư, rồi thu hồi diện tích sai phạm phục vụ mục đích công ích, hay đấu giá để sung công quỹ. Tháo dỡ tường, sàn để trơ ra khung như vậy thật sự rất mất mỹ quan đô thị", vị chuyên gia nhận xét.
Bên cạnh đó, KTS Phạm Thanh Tùng đề nghị hết sức thận trọng với ý kiến trồng cây, làm bồn hoa tại các hạng mục sai phạm chưa được tháo dỡ. Các đơn vị chức năng nghiên cứu kỹ bởi công năng của các tầng này không phải để trồng cây.
"Thiết kế ban đầu là sàn căn hộ, liệu có chịu được trọng lượng của cây cối không? Rồi trồng cây thì phải tìm giải pháp chống thấm, chống dột, phương án gia cố các hạng mục...", ông Tùng nói và khẳng định đây không phải giải pháp khả thi.
Không còn cách xử lý nào khác
Zing liên hệ với một số chuyên gia về xây dựng, kết cấu hạ tầng. Họ đều có chung nhận định việc xử lý sai phạm theo kiểu gọt tầng ở nhà 8B Lê Trực vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho hay ở tầng 18 có kết cấu rất quan trọng là hệ thống dầm treo của tòa nhà.
Tháo dỡ hệ thống dầm treo là can thiệp trực tiếp vào sơ đồ kết cấu tòa nhà. Xử lý không cẩn thận có thể ảnh hưởng lâu dài, thậm chí không đảm bảo an toàn.
Cách đây 5 năm, giá trị căn hộ tại nhà 8B Lê Trực khoảng 5-7 tỷ đồng/căn. Ảnh: Hải Nam. |
Để xử lý được, ông cho rằng phải thay đổi sơ đồ chịu lực của cả hệ kết cấu. Từ dầm treo phải chuyển sang hệ kết cấu chống đỡ. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn phải tính toán lại toàn bộ kết cấu tòa nhà từ dưới móng lên trên. Để làm móng đỡ các trụ cột này thì phải khoan thêm cọc nhồi và phải đánh giá xem móng cũ còn truyền tải được không.
Rõ ràng, với mức độ rủi ro cao như vậy, việc cắt dỡ tầng 18 và 19 mà không can thiệp đến hệ thống chịu lực là giải pháp khả thi duy nhất.
"Giải pháp kỹ thuật là cực kỳ phức tạp và phải trả giá rất đắt về kinh tế. Nhưng đây cũng là bài học cho chủ đầu tư, việc xây dựng sai phép không chỉ cần xử lý bằng phạt tiền mà cần yêu cầu họ thanh toán toàn bộ chi phí xử lý sai phạm họ gây ra", ông Chủng nhấn mạnh.
"8B Lê Trực làm suy giảm uy tín của chính quyền"
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng công trình 8B Lê Trực để lại nhiều "bài học đau xót đối với Hà Nội". Công trình làm suy giảm uy tín của chính quyền thủ đô trong mắt người dân, là "vết sẹo lớn" trong bức tranh quy hoạch.
"Chưa khi nào mà đến Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo và chỉ đạo nhiều lần như ở công trình này. Không nước nào như thế cả, Thủ tướng quản lý cả một đất nước. Không thể để sai phạm xây dựng ở địa phương mà cứ đẩy lên Thủ tướng được", vị chuyên gia bức xúc và nhấn mạnh đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm.
Qua vụ việc này, ông Tùng mong Hà Nội siết lại kỷ cương, đặc biệt trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đây cũng là dịp cơ quan chức năng rà soát lại các quy định của pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong quản lý quy hoạch, đô thị.
Những lùm xùm ở đây không chỉ làm đau đầu cơ quan quản lý, làm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp mà còn làm xấu đi hình ảnh Hà Nội trong mắt các nhà đầu tư. Ông Tùng cho rằng nếu các chính sách không nhất quán, quản lý không thống nhất, rất khó để doanh nghiệp coi Hà Nội là điểm đến lý tưởng trong tương lai.
Sau khi có kết luận kiểm tra năm 2015, hàng loạt cán bộ, công chức liên quan tại địa phương, Sở Xây dựng đã bị xử lý. Năm 2016, Chủ tịch UBND phường Điện Biên nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, cách chức vụ Chủ tịch UBND Phường, chuyển công tác khác.
Ngoài ra, tổ trưởng Tổ TTXD phường Điện Biên bị buộc thôi việc, đội phó Đội TTXD quận bị cảnh cáo, cho thôi giữ chức vụ và 4 chuyên viên phải chuyển công tác khác.
Liên quan vụ việc này, 4 cán bộ ở sở Sở Xây dựng cũng bị khiển trách. Trong đó, một phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng theo dõi địa bàn và một đội trưởng Đội TTXD quận cho thôi giữ chức vụ.