Sáng 7/12, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA) đã tổ chức Hội thảo “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em – Từ chính sách đến thực tiễn”, nhằm hưởng ứng ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
"Tội ác rình mò ở mọi nơi"
Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, hơn 800 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên toàn quốc. Thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều vì nhiều lý do và hiện vẫn chưa có số liệu quốc gia một cách chính thức. Điều đáng báo động là chỉ có 10 vụ được xét xử. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.
Số liệu của Bộ Công an cho thấy các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm. Song, phương thức thủ đoạn, đặc điểm tội phạm ngày càng phức tạp. Đồ họa: T.M. |
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), nhận định tội phậm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là các lao động tự do ở các vùng quê nghèo, mà còn là những người có khả năng tài chính và trình độ văn hóa. “Dường như cái ác rình mò ở mọi nơi. Từ người lạ, hàng xóm, bố dượng đến ông nội, bố đẻ cũng là thủ phạm xâm hại các em. Dường như lòng tin trong xã hội bị đẩy đến mức hoang mang, cực độ”, bà chia sẻ.
Đề cập đến các vụ án xâm hại trẻ em thường bị giấu giiếm hoặc “chìm xuồng”, bà Vân Anh đưa ra nguyên nhân chủ yếu là tâm lý e ngại của gia đình nạn nhân khi nhắc đến vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xét xử còn nhiều phiền nhiễu, bản án chưa thích đáng cùng sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khiến những nạn nhân không dám hoặc không muốn lên tiếng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới (CSAGA). Ảnh: T.M. |
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng hệ thống luật pháp của nước ta còn lạc hậu, chưa bám sát thực tiễn xã hội. Do vậy, nạn nhân lựa chọn giải pháp hiệu quả, ít thiệt hại hơn như thương lượng, chịu đựng…
Trao đổi với Zing.vn, ông Tim Krap, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Hà Lan, nhận định rằng vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là câu chuyện cấp bách ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác trong khoảng thời gian rất dài. Theo ông, để giải quyết triệt để, cần có sự chung tay góp sức, đồng lòng của nhà chức trách, những người ban hành luật, chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội.
Khó khăn trong xác minh, điều tra
Cũng tại buổi hội thảo, các đại biểu đồng tình rằng nạn nhân xâm hại tình dục đôi khi ảnh hưởng bởi sự “dán nhãn” của xã hội. Nhiều quan điểm quy kết lỗi cho chính nạn nhân. Vì vậy, điều này vô tình khiến trẻ cảm thấy áp lực trong quá trình lấy lời khai.
Ông Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng P6/C45 (Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) lập luận: “Tâm lý, nhận thức của trẻ chưa ổn định, lại bị dư chấn tâm lý về hành vi xâm hại tình dục nên lời khai thường tản mát, thiếu chính xác. Thậm chí thay đổi lời khai hoặc khai theo ý của người giám hộ nên khó thu thập chính xác”.
Ông Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng P6/C45, nhận định trong quá trình lấy lời khai, nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên còn chưa có kỹ năng làm việc với trẻ em. Ảnh: T.M. |
Cũng theo ông Oanh, nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên chưa được đào tạo tập huấn, không có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý làm việc với trẻ. Điều này vô tình tạo áp lực, khiến trẻ sợ hãi và nghĩ rằng mình trở thành kẻ phạm tội.
Luật sư Nguyễn Văn Tú thì đánh giá công tác lấy lời khai nạn nhân bị xâm hại tình dục còn chưa tốt. "Trẻ em có khả năng ngôn ngữ hạn chế. Mà phần lớn nạn nhân lại phải trình bày vụ việc bằng lời nói, không toát lên được đầy đủ bản chất những nỗi đau mà chúng phải chịu đựng. Cán bộ lấy lời khai nên dùng nhiều phương pháp, gồm cả ngôn ngữ cơ thể. Cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý nghiên cứu đánh giá phản ứng, hành vi của các em, tốt hơn là lắng nghe trình bày", ông Tú nhấn mạnh.