Sáng 14/7, Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo báo cáo “Bóc lột tình dục trẻ em trong lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia” được tổ chức tại Hà Nội.
Bên lề buổi hội thảo, bà Noriko Shibata, Chuyên gia UNODC về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự đã có những đánh giá về thực trạng lạm dụng tình dục trong du lịch và lữ hành tại khu vực hiện nay.
Bà Noriko Shibata, Chuyên gia UNODC về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự. |
Chia sẻ với Zing.vn, bà Noriko Shibata bày tỏ nỗi trăn trở, lo ngại khi càng nhiều trẻ em nam bị ép tham gia vào hoạt động du lịch tình dục hoặc có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn trẻ em gái. “Trên thực tế, hệ thống pháp luật các nước vẫn chú trọng hơn đối tượng nạn nhân là nữ”, bà nói.
Bên cạnh đó, bà khẳng định gốc rễ của du lịch tình dục trẻ em là vấn đề phức tạp. Vị chuyên gia cho rằng sự thiếu hiểu biết của người dân về quyền trẻ em và đói nghèo là 2 trong nhiều nguyên nhân sâu xa.
"Năm 2015, cộng đồng ASEAN được thành lập, nhiều khách du lịch, những kẻ có âm mưu xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng sự tự do đi lại, đến khu vực này để thực hiện tội ác. Chúng tôi rất lo ngại cho vấn nạn này", bà Noriko cho biết.
Ông Christopher Batt, phụ trách Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam khẳng định các nước trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức để giải quyết vấn nạn tình dục trẻ em.
“Về mặt tuyên truyền giáo dục, nhiều cha mẹ vẫn chưa thấu hiểu những hậu quả mà con cái họ phải gánh chịu khi trở thành nạn nhân của du lịch tình dục. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực thực hiện điều tra, xét xử cần có chuyên môn sâu và sự công tâm", Christopher Batt nói.
Ông Christopher cho rằng chính phủ Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nhiều nước châu Âu. Ở đó, họ thành lập các nhóm điều tra viên chuyên về các tội phạm liên quan đến trẻ em, các cán bộ xã hội giúp phòng chống, phát hiện và truy tố một cách hiệu quả hơn về loại hình tội phạm này.
Trong khi đó đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận định: “Trẻ em là đối tượng đặc biệt, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sống. Lời khai của các em chưa được coi là chứng cứ thuyết phục và không được pháp luật bảo vệ. Tôi nghĩ chúng ta cần có cách nhìn nhận toàn diện, khách quan hơn”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng didnhj Việt Nam không xây dựng du lịch tình dục. |
Hơn nữa, ông Nhưỡng cho rằng Việt Nam nghiêm khắc ngăn chặn các tệ nạn xấu, kiên quyết không xây dựng nền du lịch tình dục, đặc biệt tình dục trẻ em. Bởi điều đó "phá vỡ luân lý thông thường".
Theo số liệu của UNODC, xâm hại tình dục trẻ em và lữ hành có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, điểm nóng là khu vực Đông Nam Á.
Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ước đạt hơn 10 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2015. Đồng thời, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 1.248 vụ và 1.211 trẻ bị xâm hại. Con số này đã giảm so với 2 năm trước. Tuy nhiên, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và khách du lịch xâm hại rất khó xử lý. Thực trạng kinh tế và xã hội đã biến một số khu vực trở thành điểm đến cho vấn nạn “du lịch tình dục”.