Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

800 triệu đồng cho kỳ quan cao nguyên đá... giả

800 triệu đồng là số tiền huyện Ðồng Văn (Hà Giang) chi cho việc xây dựng sân khấu Lễ hội khèn Mông 2013 (diễn ra từ ngày 31/8 - 2/9).

Con số mà bất cứ ai nghe đến cũng tròn mắt ngỡ ngàng. Thị trấn cao nguyên nằm giữa bốn bề là đá tai mèo sao phải dựng một “kỳ quan mới” lẫn lộn đá thật đá giả làm sân khấu cho lễ hội?

Sân khấu biểu diễn tiêu tốn tới 800 triệu đồng của huyện Đồng Văn.

Nhưng 800 triệu đồng được nhiều lãnh đạo huyện Ðồng Văn kể ra với sự hân hoan, tự hào như một thành quả của công cuộc xã hội hóa. Bởi trong số đó, 500 triệu đồng do TP. Ðà Nẵng ủng hộ, 300 triệu đồng còn lại dự kiến cũng sẽ là nguồn xã hội hóa, tạm thời huyện dùng ngân sách ứng trước.

Sân khấu cao nguyên đá giả này cũng là ý tưởng của ông bí thư Huyện ủy Ðồng Văn, được ấp ủ trong vòng hai năm. Việc mong muốn có một sân khấu đẹp tại địa danh du lịch chợ cổ Ðồng Văn rất chính đáng nếu như huyện không mạnh tay chi tới 800 triệu đồng, trong khi những ngôi nhà cổ cách đó vài bước chân đang khắc khoải chờ ngân sách trùng tu. Nhưng quan trọng nhất là sân khấu cao nguyên đá giả này khiến du khách lẫn người dân địa phương... tức mắt hơn là thấy đẹp.

“Nếu bỏ 800 triệu đồng để xây cái sân khấu này thì đúng là không xứng đáng”, một du khách nói. Còn ông Châu, một người dân Ðồng Văn, bức xúc: “Mang đá thật về rồi ghép với một đống bìa xốp sơn màu đá giả, chả ai còn nhận ra đó là cao nguyên đá quê mình cả.

Vả lại, làm giả để làm gì nếu không phải là tìm cách tiêu tiền của dân. Chừng đó mà làm tới 800 triệu đồng thì tôi không thể hiểu nổi!”. Trong khi chợ cổ Ðồng Văn với những mái nhà trình tường phía sau, với vách đá dựng đứng - không gian trình diễn khèn Mông đúng nghĩa nhất lại được dùng cho thuê làm quán cà phê, hàng ăn uống...

“Sân khấu hóa” lễ hội

Mang tiếng là lễ hội khèn của người Mông, nơi nghệ nhân dùng tiếng khèn để thể hiện tâm tình nhưng mỗi bước đi, mỗi màn biểu diễn đều phải tuân theo kịch bản viết sẵn. Phản cảm hơn khi nhiều người chứng kiến cảnh cán bộ văn hóa huyện cầm kịch bản quát tháo các nghệ nhân từ trên núi cao xuống tập dượt, thổi khèn, đi lại theo... chỉ đạo.

Còn lý giải về sân khấu của mình, ban tổ chức cho rằng việc mở hai cửa hang vừa tạo tính thẩm mỹ lại khiến các diễn viên tiện di chuyển. Khi được hỏi về thiết kế của sân khấu mà nhiều du khách cười buồn gọi là “hang đá” này, ông Lương Ðình Nhất (trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Ðồng Văn) khẳng định: “Không có thiết kế gì hết, mọi thứ đều tự làm cho nó tiết kiệm. Còn nếu thiết kế bài bản thì tốn kém hơn rất nhiều. 800 triệu chỉ là chi công vận chuyển, xây lắp thôi”.

Ông Nhất cũng bày tỏ kỳ vọng “kỳ quan mới” của huyện Ðồng Văn sẽ nhanh chóng thu hút khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh. Ðây cũng sẽ là sân khấu tổ chức các hoạt động văn nghệ của huyện Ðồng Văn trong thời gian tới.


 

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm