Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, đến tháng 4, khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ bị tạm dừng. Trong đó, thị trường Mỹ và EU lần lượt chiếm 51% và 39% kim ngạch xuất khẩu đã gần như đóng băng, còn Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn vài đơn hàng lác đác.
Đối với thị trường nội địa, các sản phẩm từ làng nghề truyền thống có đến 70-80% không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn như khách sạn, công sở giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ.
Tình trạng này khiến hơn 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc cắt giảm 40-80% lao động, giãn thời gian làm việc... Chỉ 7% đơn vị vẫn làm việc bình thường, tạo ra sự đứt gãy toàn chuỗi. Điều này ảnh hưởng đến cả những người cung cấp nguyên phụ liệu, trong đó có người trồng rừng.
"Qua khảo sát bước đầu ở 130 doanh nghiệp, bình quân mỗi đơn vị trong quý I thiệt hại 25 tỷ đồng, tổng thiệt hại 3.000-5.000 tỷ. Doanh nghiệp cũng có áp lực trả nợ ngân hàng, xin giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, BHXH. Mỗi doanh nghiệp sẽ có bản lĩnh khác nhau để xử lý tình huống này", ông chia sẻ.
Hiện nay, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp chậm nộp các loại thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất, đồng thời giãn nợ tín dụng, áp dụng cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo nhẹ nhàng hơn, lãi suất thấp hơn.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn. Ảnh: Văn Giang. |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải năng động, không quá bi quan. "Bây giờ không phải là lúc doanh nghiệp nghĩ đến chuyện đóng cửa rồi phá sản mà phải có tư tưởng tìm cơ trong nguy, ổn định duy trì phát triển trong tương lai", ông nói.
Trong đó, doanh nghiệp nên tìm đến thị trường khác và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Đây là cũng là giải pháp lâu dài cần tính đến, bởi người dân đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao. Ông đề xuất xây dựng các hệ thống siêu thị, phân phối trong nước và chú trọng xuất khẩu tại chỗ, như cung ứng cho doanh nghiệp FDI làm khách sạn, văn phòng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp cần chuyển sang bán hàng online, ứng dụng công nghệ từ quá trình trồng, chế biến đến phân phối.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngành gỗ cần tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Ông dẫn chứng, cần đến 25-26 triệu m3 gỗ nguyên liệu, tức 60% tổng lượng nguyên liệu, để sản xuất khoảng 13 triệu tấn gỗ dăm. Tuy nhiên, mặt hàng này chỉ đóng góp 1,5-1,6 tỷ USD, tức 10% kim ngạch.
Ông cũng đề nghị liên kết chuỗi mạnh mẽ hơn và thiết lập, thực thi hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại để nâng cao chất lượng, uy tín của chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin rằng, nếu dịch Covid-19 qua đi, ngành gỗ vẫn có thể đạt được mục tiêu 12 tỷ USD trong năm nay.