Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội quan sát hai lần nguyệt thực toàn phần, nhật thực một phần và nhiều hiện tượng thú vị khác trên bầu trời trong năm 2018.
Ngày 31/1 - Nguyệt thực toàn phần kết hợp siêu trăng: Năm mới 2018 đem đến 2 cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần. Lần đầu tiên là vào ngày 31/1, khi bóng tối của Trái Đất từ từ che khuất ánh trăng khi xen giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Hơn nữa, trăng tròn đêm 31/1 cũng đồng thời là siêu trăng nên Mặt Trăng sẽ lớn hơn và sáng hơn so với bình thường. Ảnh: NASA.
Ngày 7-8/3 - Các hành tinh thẳng hàng: Các hành tinh bao gồm Sao Thổ, Sao Hỏa và Sao Mộc sẽ xếp thẳng hàng trên bầu trời phía đông nam vào lúc bình minh các ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3. Ảnh: Skychart.
Ngày 15/7 - Mặt Trăng giao hội Sao Kim: Vào lúc hoàng hôn, trăng lưỡi liềm sẽ xuất hiện gần sát Sao Kim trên bầu trời ở phía tây nam. Ảnh: Skychart.
Ngày 27/7 - Nguyệt thực toàn phần: Người yêu thiên văn trên khắp Nam Mỹ, châu Âu, Australia, châu Phi và châu Á sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 vào ngày 27/7. Hiện tượng này sẽ bắt đầu lúc 15h30 (giờ miền đông), tức 3h30 sáng 28/7 theo giờ Việt Nam. Theo Nationala Geographic, Mặt Trăng sẽ đi qua phần tối nhất trong bóng tối của Trái Đất, vì vậy có khả năng lần nguyệt thực toàn phần này sẽ rất tối. Ảnh: NASA.
Ngày 27/7 - Sao Hỏa tỏa sáng nhất: Cùng ngày với nguyệt thực toàn phần, Sao Hỏa sẽ lướt gần Mặt Trăng và hiển thị rõ nhất trên bầu trời trong năm nay. Sao Hỏa sẽ giống như một ngôi sao màu cam rực sáng trên bầu trời phía nam. Ảnh: Skychart.
Ngày 11/8 - Nhật thực một phần: Ngày 11/8, người dân Bắc Mỹ, châu Âu, cũng như Greenland, Iceland, và châu Á sẽ có thể quan sát nhật thực một phần. Những địa điểm có thể thấy nhật thực một phần ngoạn mục nhất là các vùng hẻo lánh ở Nga và vùng đông bắc Trung Quốc. Ví dụ, tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc, Mặt Trăng sẽ che khuất 37% Mặt Trời vài phút trước khi Mặt Trời lặn. Ảnh: AFP/Getty.
Ngày 12-13/8 - Mưa sao băng Perseid: Được coi là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm, Perseid thường có mật độ sao băng lên tới khoảng 60 vệt mỗi giờ. Khả năng quan sát mưa sao băng Perseid sẽ đặc biệt tốt trong năm nay vì đỉnh điểm của nó trùng với thời điểm trời tối, không trăng vào đêm 12/8 và rạng sáng 13/8. Ảnh: National Geographic.
Ngày 12/12 - Đụng độ sao chổi: Nếu các dự đoán ban đầu là chính xác thì Sao chổi 46P/ Wirtanen
có thể sẽ đủ sáng trong tháng 12 để quan sát được bằng mắt thường. Khi đó, nó sẽ trở thành sao chổi sáng nhất nhìn thấy được ở Bắc bán cầu trong hơn 5 năm. Sao chổi băng giá sẽ tới gần Mặt Trời nhất vào ngày 12/12 và đi qua Chòm sao Kim ngưu. Bốn ngày sau, sao chổi sẽ tiến gần Trái Đất ở khoảng cách 11,5 triệu km trên đường ra khỏi Hệ Mặt Trời. Đây là thời điểm dễ quan sát nhất vì nó sẽ đi qua các cụm sao Pleiades và Hyades. Ảnh: Skychart.
Phát hiện lần đầu tiên trên thế giới về hai ngôi sao neutron va chạm gây ra một vụ nổ lớn trải dài qua không gian và thời gian được đánh giá là bước đột phá khoa học năm 2017.
Năm 2017 đánh dấu sự khép lại sứ mệnh Sao Thổ sau 13 năm và sự mở đầu của lĩnh vực thiên văn sóng hấp dẫn với việc phát hiện vụ va chạm của hai ngôi sao chết.