Thầy giám thị của trường đã đến lớp học và mời các em lên phòng giám thị để kiểm tra. Ảnh: Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner. |
Theo một bài viết trên mạng xã hội, khi lớp đang học, thầy giám thị xuất hiện, xin phép giáo viên bộ môn đang đứng lớp cho vài học sinh nam qua phòng giám thị để kiểm tra đột xuất cặp sách.
Tại phòng giám thị, sau khi đã kiểm tra cặp của học sinh, thầy giám thị này lại yêu cầu học sinh lột đồ hết ở trên người để thầy kiểm tra. Sau đó, nhóm học sinh báo ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, ban giám hiệu cho rằng học sinh đã vi phạm trước đó nên đương nhiên phải kiểm tra kỹ.
"Ban giám hiệu xin lỗi và nói rằng sẽ làm việc lại với giám thị cũng như sẽ kỷ luật, trước khi bạn mình nhận được lời xin lỗi, những bạn đấy phải xin lỗi ban giám hiệu, trong khi các bạn đang là nạn nhân, và các bạn cũng không nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ chính thầy phụ trách việc kiểm tra cặp ngày hôm đấy", trích bài viết về vụ việc.
Trao đổi với Zing, bà Võ Thị Lan Hương , Phó hiệu trưởng phụ trách trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp, TP.HCM), xác nhận sự việc trên xảy ra tại trường vào ngày 12/4.
Cụ thể, thời gian gần đây, nhà trường phát hiện một số học sinh mang thuốc lá điện tử đến trường, một số em vi phạm nhiều lần. Do sắp thi, nhà trường không thể đình chỉ hay đuổi học các em, thay vào đó, trường kiên nhẫn giáo dục học sinh.
Cuối giờ chiều 12/4, nhận được tin báo một số nam sinh lớp 10, 11 mang theo thuốc lá điện tử vào lớp học, thầy giám thị của trường đã đến lớp học, mời các em lên phòng giám thị để kiểm tra.
Kiểm tra cặp không thấy, thầy yêu cầu 8 nam sinh (3 em lớp 10, 5 em lớp 11) cởi đồ. Việc này chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thầy giáo cũng không trực tiếp kiểm tra mà quay lưng và nhờ một học sinh khác theo dõi. Các em này cũng đã nhiều lần vi phạm nội quy trước đó.
Tối cùng ngày, ban giám hiệu nhận được tin phản ánh từ một số phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Ngay ngày hôm sau (13/4), nhà trường đã yêu cầu thầy giám thị viết bản tường trình, đồng thời lập biên bản để có căn cứ xử lý. Thầy giám thị cũng đã nhận ra hành vi sai trái, không đúng của mình.
Lãnh đạo nhà trường cùng thầy giám thị đã có lời xin lỗi công khai tới học sinh, phụ huynh về những gì đã xảy ra. Dù đau lòng, phụ huynh thông cảm, cho rằng nhà trường nên rút kinh nghiệm và xử lý nội bộ, họ không can thiệp.
Được biết, thầy giám thị này mới tốt nghiệp năm ngoái và làm việc tại trường theo hợp đồng thỉnh giảng từ tháng 9/2022. Bà Hương nhận định thầy giáo này không đủ kinh nghiệm, không lường trước được hậu quả khi xử lý tình huống.
Hiện tại, thầy giáo đã gửi đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, ban giám hiệu vẫn yêu cầu thầy quay trở lại để nhận quyết định kỷ luật nghiêm khắc từ nhà trường.
"Đây là sự việc đau lòng, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, học sinh. Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo đến cơ quan và chờ hướng xử lý", bà Hương nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên