Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

8 năm chờ một tiếng gọi của tuyển Việt Nam

8 năm sau khi góp mặt trong đội hình U23 dự SEA Games, tôi vẫn chưa một lần được gọi lên tuyển Việt Nam dù chơi không hề tệ ở V.League.

8 năm sau khi góp mặt trong đội hình U23 dự SEA Games, Nguyễn Hải Huy vẫn chưa một lần được gọi lên tuyển Việt Nam dù không còn nhiều điều cần chứng minh tại V.League.

Mọi người hay hỏi nếu biết mình sẽ gãy chân, tôi có sút không? Tôi nghĩ mình vẫn sút.

Tôi nhớ đó là trận Quảng Ninh gặp Hà Tĩnh tại vòng 3 V.League 2020. Trong một tình huống, khi đối thủ lao vào bằng cả hai chân, tôi sẽ bật lên né tránh. Khi ấy, Quảng Ninh đang bị dẫn bàn. Cơ hội trước cầu môn, bóng trong chân, bàn thắng sắp đến. Có sút không?

Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi chẳng nghĩ được mình sẽ chấn thương thế nào. Tôi chỉ biết mình phải sút.

Nhiều năm trước, tôi từng dính chấn thương rạn xương mác khi va chạm với Cao Sỹ Cường. Năm ấy, tôi vẫn đứng dậy, đá thêm vài phút rồi mới xin ra vì quá đau. Lần này, tôi không làm được. Khoảnh khắc va chạm ập đến, tôi đã cảm nhận một điều gì đó. Nhưng tôi không thể ngờ rằng chấn thương lại nghiêm trọng đến thế.

Đau lắm.

Khi chấn thương đến, tôi đã 29 tuổi, cơ hội không còn nhiều. Năm ấy, phong độ tôi rất cao. Tôi chưa từng cảm thấy mình tiến gần cánh cửa tuyển Việt Nam đến vậy, gục ngã khi giấc mơ đã tới rất gần.

Giấc mơ của tôi đã bắt đầu 15 năm về trước ở Từ Sơn (Bắc Ninh).

Nhà tôi ở Quảng Ninh, cách Hà Nội hơn 200 km. Ngày được gọi lên đội dự tuyển ở Từ Sơn, tôi chỉ còn cách thủ đô một dòng sông Đuống. Tâm trí non nớt của tôi nghĩ như thế là đã “gần” hơn rất nhiều.

Là cầu thủ, đừng ai nói không thích lên tuyển. Lên tới tuyển trẻ mà vẫn nghĩ tập cho xong rồi về, đá cho CLB tới hết sự nghiệp thì bình thường quá. Phải có ước mơ chứ. So với các bạn cùng trang lứa, tôi thấy mình cũng không phải cầu thủ tồi.

Năm ấy, tôi 15 tuổi, lần đầu gặp HLV Phan Thanh Hùng. Thầy khi đó đang làm đội U17 Việt Nam ở Nam Định. Đội dự tuyển ở Từ Sơn được đá giao hữu với U17 Việt Nam. Ai tốt sẽ được gọi bổ sung. Tôi khi ấy bé quá nên không được gọi, nhưng hiểu mình có năng lực, chỉ cần tập tốt, đá tốt, tôi sẽ có cơ hội lên các đội trẻ, rồi tuyển quốc gia sau này.

Năm 2013, tôi đã có mặt trong đội hình U23 Việt Nam dự SEA Games.

Nhưng đó không phải một kỷ niệm đẹp.

U23 Việt Nam của năm ấy mạnh. Đội hình chính với Nguyễn Văn Quyết, Trần Mạnh Dũng, Trần Phi Sơn, Mạc Hồng Quân... thực sự rất hay. Lứa năm ấy cực đều, mỗi vị trí phải có 2-3 người chơi được, thậm chí chơi hay. U23 Việt Nam 2013 có thể chia thành 2 đội hình, đá với nhau ngang ngửa. Đội hình ấy chất lượng không kém lứa vô địch SEA Games vừa rồi. Tôi nhớ chỉ riêng vị trí tiền vệ thủ, ngoài tôi, còn cả Ngô Hoàng Thịnh, Nguyễn Huy Hùng. Chúng tôi đều tin thế hệ mình sẽ làm được điều gì đó đặc biệt.

Có ngờ đâu, thứ để lại chỉ là nỗi tiếc nuối.

Thua người, loại sớm đã là rất buồn, nhưng bị nghi bán độ còn buồn hơn.

Trước khi đi SEA Games, U23 Việt Nam dự BTV Cup ở Bình Dương. Gặp Bangu Atletico, đội chỉ cần hòa là vào bán kết. Chúng tôi dẫn trước 3-1 rồi để đối thủ gỡ lại 3-3. Chúng tôi không ngờ khi trận đấu kết thúc, những lời trách móc ùa đến. Mọi người bảo U23 Việt Nam dàn xếp tỷ số, chỉ trích đội tuyển. VFF đình chỉ thầy Phúc (HLV Hoàng Văn Phúc). Chúng tôi buồn và cực kỳ mệt mỏi bởi SEA Games đã tới rất gần.

Chúng tôi không bán độ. Trận đó, U23 Việt Nam chỉ cần hòa là chắc chắn được vào, thời gian nghỉ giữa mỗi trận rất ít nên tôi đoán nhiều bạn vừa đá, vừa giữ chân. Chứ chúng tôi sao dám làm như vậy. Chúng tôi không thể làm như thế.

Tôi vẫn nhớ không khí ở buổi tập trước trận bán kết với Sinh viên Hàn Quốc. Thầy Phúc vẫn cười, chúng tôi vẫn tập luyện bình thường nhưng không khí trầm lặng lắm. Sao mọi thứ lại trở thành như thế, và tại sao chuyện lại diễn ra ngay trước một trận bán kết?

Chúng tôi mang tâm trạng nặng nề ấy vào trận đấu. May mắn thay, U23 Việt Nam thắng. Cả đội chạy ùa lên khán đài, ôm lấy thầy Phúc. Nhiều cầu thủ bật khóc. Chúng tôi đều được giải tỏa, chúng tôi đã làm cho người hâm mộ hiểu rằng không hề có chuyện kia. U23 Việt Nam không thể giành vinh quang ở SEA Games, nhưng chúng tôi không bao giờ phản bội màu áo Việt Nam.

Tuyen Viet Nam Hai Huy anh 1

Tôi không hề nghĩ rằng SEA Games ấy là lần cuối cùng tôi được khoác lên mình màu áo tuyển quốc gia.

Trở về từ SEA Games, tôi gặp một sự cố. Khi U19 Việt Nam đá giao hữu với đội trẻ Roma ở TP.HCM hồi tháng 1/2014, tôi ngồi xem cùng vợ ở phòng khách tại nhà. Trận đó, U19 Việt Nam thua 1-2. Tôi lên mạng, viết một dòng trạng thái trêu: “U19 Việt Nam đá hay quá cơ, nhưng thua 1-2 rồi”. Đinh Tiến Thành cũng vào bình luận cùng tôi. Cả hai không ngờ dòng trạng thái đó sẽ là nguồn cơn cho bao biến cố.

Hôm sau, cả nước biết chuyện. Báo chí bảo chúng tôi ghen tỵ với U19 Việt Nam, người hâm mộ ùa vào trang cá nhân của tôi chửi bởi, HLV bảo tôi mày luyên thuyên cái gì để người ta phải làm ầm lên như thế?

Nhưng chúng tôi không hề có ý xấu với các em.

Sau sự cố ấy, tôi vẫn tin chỉ cần mình chơi tốt, có phong độ cao, sẽ được lên đội tuyển. Tôi tin vào điều đó và cực kỳ nỗ lực trên sân. Mùa V.League đầu tiên, năm 2014, tôi ghi 7 bàn. Tôi nhớ có một bài báo nói tôi ghi bàn nhiều hơn anh Công Vinh (trước đợt tập trung tháng 6/2014 của tuyển Việt Nam, Công Vinh có 6 bàn - PV). Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn giữ bài báo ấy, thỉnh thoảng vào đọc lại. Nhưng tôi vắng mặt ở AFF Cup năm đó còn bạn tôi Vũ Minh Tuấn, Tiến Thành đều được gọi.

8 năm đã qua, tôi vẫn không được gọi.

Anh em trong nghề đều hiểu chuyện năm xưa chỉ là nói vui, khích bác nhau. Chúng tôi không hề có ý xấu. Vấn đề là tôi nói điều đó đúng lúc U19 Việt Nam được chú ý còn U23 Việt Nam vừa bị loại ở SEA Games. Tôi nghĩ việc mình không được gọi lên đội tuyển có ảnh hưởng từ sự việc năm ấy.

Tôi cứ chờ mãi, đợi mãi. Tôi biết mình phải cố lên, cố mà đá. Chơi thật tốt, thật hay ở V.League, may ra ngày nào đó, họ để ý tới mình. Tôi tự nhủ bản thân và dặn mình không được từ bỏ.

Cố mãi, cố mãi.

Ngày thấy tên mình trên bàn làm việc của thầy Park thì tôi dính chấn thương, chấn thương nặng nhất sự nghiệp.

Ngày tôi chấn thương, thầy Phan Thanh Hùng chết lặng. Tôi không bao giờ quên thầy đã buồn thế nào khi biết tin tôi gãy chân. Tôi cảm nhận được nó. Thầy đã rất hy vọng tôi phát huy được phẩm chất của mình ở đội tuyển Việt Nam. Thầy là thầy tôi, cũng từng là HLV trưởng tuyển quốc gia. Không biết bao nhiêu lần, thầy đã tiến cử, đã hy vọng tôi được lên tuyển.

Bà ngoại kể con tôi cứ hỏi ba ở đâu suốt mấy ngày đầu tôi nằm viện. Mấy ngày liền, chúng không được gặp tôi. Ngày đầu lên viện, bác sĩ bảo chúng:

- Ba con gãy chân, con không được động vào.

Những đêm đầu tiên ở nhà, các con không dám nằm gần bố. Chúng nhớ lời bác sĩ dặn “không được làm ba đau”. Nhưng chúng chỉ biết tôi đau, chứ làm sao biết cụ thể tôi sẽ nghỉ cả năm trời?

Hôm dính chấn thương, tôi nhập Bệnh viện Bãi Cháy. CLB thuê bác sĩ giỏi từ Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Xe chạy xuống Quảng Ninh buổi tối, còn ca mổ kéo dài suốt đêm. Rạng sáng, các bác sĩ trở về. Tôi không biết cụ thể ca mổ tốn kém thế nào, nhưng tôi biết lãnh đạo CLB Quảng Ninh đã bỏ ra không ít.

Ân tình của đội bóng, kỷ niệm ở Quảng Ninh, tôi không quên được.

Tuyen Viet Nam Hai Huy anh 2

Tôi nhớ mãi cái bếp ăn tập thể tại căng tin ở đội trẻ. Các cô nhà bếp chỉ nấu ăn theo giờ hành chính. Hàng ngày, họ dọn cơm tối rồi về từ chiều. Còn chúng tôi tập muộn tới 6 giờ tối. Tập muộn, về tắm rửa, cả lũ xuống nhà ăn thì cơm canh đã nguội. Anh có hiểu cảm giác mùa đông, đi tập về, và đũa cơm nguội, húp thìa canh lạnh ngắt không? Các thầy hay bảo cầu thủ trẻ cần nỗ lực thì mới có tương lai. Nhưng với nhiều bạn bè tôi, nỗ lực trước hết là để được ăn bát cơm nóng.

Đó là chưa nói tới điều kiện ăn ngủ, vệ sinh, chấy ghẻ...

Mặc kệ hết, chúng tôi không bỏ cuộc. Từ hơn 20 người lúc đầu, chỉ còn 5 đứa chúng tôi lên đội một.

Mọi người hay bảo chúng tôi là lứa trẻ hay nhất lịch sử tỉnh. Năm 2009, Quảng Ninh giành HCĐ U19 Quốc gia ở Gia Lai. Năm 2010, cả đội giành tiếp HCĐ U21 ở Bình Dương. Tôi, Vũ Minh Tuấn, Huỳnh Tuấn Linh, Nguyễn Tiến Duy, mỗi đứa đi một đường khác nhau, nhưng đều đứng trong hàng ngũ trẻ Quảng Ninh. Sau này, chúng tôi đưa đội lên V.League.

Quê hương đã cho chúng tôi quá nhiều thứ.

Mùa này, Quảng Ninh chào đón Nguyễn Thanh Hiền trở lại. Hiền bảo CLB Quảng Ninh đã cưu mang bạn ấy năm xưa. Giờ đội bóng gặp khó khăn, bạn ấy muốn đền đáp ân tình xưa. Hiền là người ở xa mà còn như thế, nữa là tôi.

Cuối năm ngoái, đội tuyển Việt Nam có trận giao hữu ở Cẩm Phả. Điều mình chờ, chờ mãi không đến. Khi nó đến, mình lại chẳng thể đón lấy. Tuyển Việt Nam đá trên sân nhà của CLB Quảng Ninh nhưng tôi không thể có mặt.

Nhiều người bảo tuyến giữa tuyển Việt Nam chật chội lắm, nhiều cầu thủ trẻ đang tiến lên còn tôi vừa dính chấn thương. Tôi hiểu điều đó lắm chứ. Tôi cũng chưa nghĩ tới lúc nào mình trở lại phong độ cũ, chưa biết mình sẽ thi đấu các trận tiếp theo ra sao. Nhưng tôi không thể đánh mất mình. Thế thì dễ quá, thế thì làm gì còn cơ hội nào nữa. Điều quan trọng nhất là phải lấy lại phong độ. Sau đấy, lên tuyển sẽ là mục tiêu tiếp theo của tôi.

Khi tôi chấn thương, nhiều anh chị hỏi liệu tôi còn chơi bóng được không? Tôi cười bảo họ: bình thường mà. Cả những lúc đau đớn nhất, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nghỉ chơi bóng.

Ngày xưa, các thầy từng bảo điểm yếu của tôi là thích tấn công quá. Hỗ trợ đồng đội hay trực tiếp ghi bàn, tôi đều muốn tiến lên. Như tôi đã tiến lên sút bóng dù biết đối thủ lao tới, đang đứng lên từ đôi chân gãy lìa, như ngày mai và những ngày sau, tôi vẫn sẽ tiến về phía trước.

'HAGL đá bết bát thế nào, bầu Đức cũng không một lần quát mắng'

"Ngày tôi trở lại, nhiều bạn bè hỏi: Mày gần 40 tuổi, có tất cả rồi, đá nữa để bọn trẻ cười à?”, cầu thủ Việt già nhất V.League Phùng Văn Nhiên bật cười kể lại.

'Tôi từng xin bầu Đức cho lứa Công Phượng đá hạng Nhất'

HLV Guillaume Graechen tiết lộ ông từng đề nghị bầu Đức cho lứa Công Phượng đá hạng Nhất, tích lũy kinh nghiệm trước khi lên V.League ở mùa giải 2015.

Anh Đức: ‘Tôi không nghe lời nên phải rời Bình Dương’

Tuyển thủ Việt Nam tiết lộ CLB Bình Dương kết thúc hợp đồng với anh bằng cách nhắn tin cùng nhiều góc khuất ở đội bóng hàng đầu trong lịch sử V.League.

Nguyễn Hải Huy

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm