Mở đầu kỷ nguyên mạng xã hội là Classmates. Ra đời năm 1995, website này cho phép tạo hồ sơ cá nhân và kết bạn, từng thu hút đến 50 triệu người dùng. Sau khi bị bán cho United Online năm 2004 và trải qua nhiều bê bối, lượng người dùng Classmates giảm rõ rệt. Hiện tính năng duy nhất của Classmates là tìm bạn thời trung học, chỉ dành cho người dùng Mỹ. Ảnh: Geek Wire. |
Cũng được xem là "ông tổ" mạng xã hội, Six Degrees chỉ tồn tại từ 1997 đến 2001 với khoảng 3,5 triệu người dùng. Tính năng chính của website là gửi và nhận tin nhắn, mỗi người có một trang cá nhân để người khác vào đăng bài. Ảnh: Buffer. |
Trước khi LinkedIn ra đời, Ryze là mạng xã hội cho doanh nghiệp. Ra đời năm 2001, những tính năng của Ryze gồm tạo hồ sơ cá nhân, kết bạn và gửi tin nhắn. Dù công bố có hơn một triệu người dùng, Ryze chưa bao giờ gây tiếng vang lớn. Ảnh: CBS News. |
Ryze đã truyền cảm hứng cho Jonathan Abrams tạo ra Friendster vào năm 2002. Nền tảng này cho phép người dùng tùy chỉnh trang cá nhân, tải lên hình ảnh rồi chia sẻ với bạn bè. Trong thời hoàng kim, Friendster còn là website hẹn hò, viết blog. Trước sự cạnh tranh gay gắt, Friendster chuyển thành nền tảng chơi game năm 2011. Tuy nhiên, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến Friendster dừng dịch vụ vào năm 2015, trước khi đóng cửa hoàn toàn năm 2018. Ảnh: Internet Archive. |
Đã 18 năm từ khi ra mắt, LinkedIn vẫn là mạng xã hội hàng đầu cho các doanh nghiệp cần tuyển dụng và những ai muốn tìm việc làm. Năm 2016, Microsoft mua lại LinkedIn. Tính đến tháng 6/2019, nền tảng này có hơn 630 triệu người dùng tại 150 quốc gia. Ảnh: Contentbuket. |
Ra mắt năm 2003, MySpace nhanh chóng thu hút người dùng với khả năng tùy chỉnh hồ sơ đa dạng, cho phép chia sẻ ảnh, nhạc và video, đồng thời là nơi "đóng quân" của ban nhạc Arctic Monkeys. Năm 2006, MySpace là website được truy cập nhiều nhất thế giới, được định giá 12 tỷ USD năm 2007. Hiện sức hút của MySpace không còn được như xưa. Tháng 4/2019, nền tảng này thừa nhận hơn 50 triệu bài hát được tải lên từ 2003 đến 2015 đã bị mất do sự cố máy chủ. Ảnh: Failed Networked Collaborations. |
Ra đời năm 2004, hi5 là mạng xã hội thu hút nhiều người dùng từ Mỹ Latin, Tunisia, Romania và Mông Cổ. Năm 2007, hi5 là mạng xã hội được truy cập nhiều thứ 2 sau MySpace. Đây là nền tảng đầu tiên tích hợp tính năng bảo mật, cho phép người dùng hiển thị công khai hồ sơ hoặc giới hạn đối tượng nhìn thấy. Năm 2011, Tagged mua lại hi5. Ảnh: Office Chai. |
Không phải Google+, Orkut mới là mạng xã hội đầu tiên của Google khi ra mắt vào tháng 1/2004, trước cả Facebook của Mark Zuckerberg. Dù ra mắt rất sớm, Orkut không thu hút được người dùng và bị khai tử sớm. Ảnh: Vox. |
Không còn lạ gì với chúng ta, Facebook đang là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Ra mắt lần đầu năm 2004, website trở nên phổ biến khi mở cho mọi người đăng ký sử dụng vào tháng 9/2006. Tính đến tháng 12/2019, Facebook có tổng cộng 2,5 tỷ người dùng hàng tháng. Công ty mẹ cùng tên còn sở hữu Instagram và WhatsApp. Thành công của Facebook khiến nhà sáng lập Mark Zuckerberg trở thành nhân vật giàu thứ 8 trên thế giới, sở hữu khối tài sản lên đến 62,3 tỷ USD. Ảnh: Facebook. |
Ra đời năm 2005, Yahoo! 360 được xem là kẻ thách thức ngôi vương của Facebook. Giống Orkut, người dùng chỉ có thể đăng ký Yahoo! 360 nếu được người khác mời. Nền tảng này cho phép tạo hồ sơ cá nhân, đăng blog, tích hợp nhiều dịch vụ như Flickr, Yahoo Music, Yahoo Messenger... Phong trào sử dụng Yahoo! 360 bùng nổ tại Việt Nam từ năm 2006 khi có nhiều người viết blog, chia sẻ nhật ký trên nền tảng này. Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại trong 4 năm trước khi bị đóng cửa vào tháng 7/2009. Ảnh: CBS. |
Ra mắt tháng 7/2005, Bebo là nền tảng được ưa chuộng bởi giao diện trực quan, dễ sử dụng. Đến năm 2008, nền tảng này có hơn 34 triệu người dùng và được xem là đối thủ đáng gờm của Facebook. Tuy nhiên sau khi bị bán cho AOL với giá 850 triệu USD, số phận của Bebo chìm vào bóng tối. Tháng 6/2010, Bebo bị bán với giá chưa đầy 10 triệu USD khi không còn sức cạnh tranh với Facebook. Ảnh: DailyMail. |
Trong bối cảnh Facebook thống trị các nền tảng mạng xã hội, Google+ ra đời vào tháng 6/2011. Với những tính năng tương tự Facebook, lợi thế của Google+ là được tích hợp loạt dịch vụ như Hangouts, Google Drive hay YouTube. Tháng 10/2018, Google+ gặp lỗi nghiêm trọng khiến dữ liệu của nửa triệu người dùng bị rò rỉ. Ngày 2/4/2019, Google+ chính thức ngừng hoạt động, điều đã được dự đoán trước do Google+ không thể lôi kéo người dùng, tạo ra tiếng vang như Facebook hay Instagram. Ảnh: The Next Web. |