Sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, 8 hiệp hội gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng góp ý.
Các hiệp hội này cho rằng dự thảo của Bộ Y tế khá rõ ràng khi đưa ra 5 chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo.
Đồng thời, nhiều quy định mang mục tiêu "Zero Covid" (nghĩa là đưa số ca mắc Covid-19 về 0), chứ chưa hoàn toàn "sống chung với Covid" nên chưa phù hợp.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine, có thể dẫn đến lãng phí không cần thiết.
Thứ hai, nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vaccine sẽ có nguy cơ "vỡ trận", do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn.
Thứ ba, việc chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn).
Ngoài ra, nhiều quy định cũng chỉ phù hợp với chủ trương cũ Zero Covid, chưa phù hợp với chủ trương “sống chung với dịch”, chưa phù hợp với mức độ phủ vaccine và năng lực y tế, ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Các hiệp hội cho rằng nếu thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine, có thể dẫn đến lãng phí không cần thiết. Ảnh: Việt Linh. |
Từ đó, các hiệp hội đề xuất với Thủ tướng “áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế”, gồm chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý I/2022, vùng nào phủ vaccine sớm hơn thì mở cửa sớm hơn) và giai đoạn sống chung với Covid-19 (dự kiến từ giữa quý I/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vaccine sớm hơn).
Trong giai đoạn chuyển tiếp, lại tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp. Vùng 1 là vùng đang bùng phát dịch hiện nay, đề xuất cho phép người đã tiêm đủ vaccine, F0 đã khỏi được đi làm. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vaccine.
Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.
Còn vùng 2 là vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (thấp hơn 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), cần phòng chống dịch theo điểm chứ không phong tỏa diện rộng.
Trong khi đó, tại giai đoạn sống chung với dịch, 8 hiệp hội đề xuất mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vaccine cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1; giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, nhưng có điều chỉnh nới rộng (sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch).
Ngoài ra, bỏ toàn bộ giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh); bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến, bỏ xét nghiệm diện rộng; cho phép F0 điều trị tại nhà; triển khai tiêm vaccine cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn.
Tại dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra 5 chỉ số để đánh giá mức độ thích ứng an toàn.
Trong đó, 3 tiêu chí bắt buộc gồm tỉnh/thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 3% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch. Thứ hai, ít nhất 95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Thứ ba, 100% các trạm y tế xã có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động. Hai tiêu chí còn lại là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19.