Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12, nhưng đến nay không mấy ai biết, và việc triển khai, áp dụng (nếu có) xem ra còn là... chuyện dài.
Ông Lê Văn Hóa (Phó giám đốc cảng Nhà Rồng - Khánh Hội):
Khó tránh khỏi
Số lao động trong cảng hiện nay dao động theo mùa, khoảng 300-500 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 1/5. Từ nhiều năm trước chúng tôi đã chủ trương sử dụng lao động nữ vào những việc nhẹ nhàng như giao nhận, kiểm đếm hàng hóa. Theo quy định trong thông tư của Bộ Lao động - thương binh và Xã hội, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không được làm công việc mang vác nặng nhọc trên 20kg và lao động nữ không được mang vác trên 50kg.
Trong khu vực cảng chúng tôi quản lý, số lao động nữ không rơi vào hai trường hợp này, tuy nhiên các khu vực lao động dịch vụ bên ngoài thì khó tránh khỏi. Vì vậy khi thông tư ban hành, theo tôi, cần chú ý đến các nữ lao động dịch vụ bên ngoài để bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.
Thạc sĩ xã hội học Trần Thị Nam Trân (giảng viên đại học Sài Gòn):
Phải khảo sát ý kiến người lao động
Thông tư đưa ra nhưng không được phổ biến, sáng nay người dân đọc báo, xem tivi mới biết, thậm chí biết khi nó có hiệu lực rồi. Và nữ lao động thì hoàn toàn không biết gì về thông tư này, nên thậm chí có những việc mà hôm nay người ta vẫn làm. Theo tôi, trước khi đưa ra một thông tư liên quan công việc của người lao động thì phải nghiên cứu công việc khác phù hợp, phải căn cứ vào sức khỏe của từng người, không nên ban hành tùy tiện vì ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, những việc người ta làm được thì lại cấm là không hợp lý.
Theo tôi, cần phải có chính sách cụ thể, phải lấy ý kiến người dân trước khi ban hành bởi việc cấm này không chỉ ảnh hưởng đến một lao động mà còn rất nhiều người khác. Thậm chí tôi cho rằng cần phải căn cứ vào sức khỏe của phụ nữ nữa, bởi có những người là đàn ông nhưng sức khỏe không tốt bằng phụ nữ. Nếu thông tư ra thật sự vì vấn đề sức khỏe cho phụ nữ thì cần phải khám sức khỏe cho phụ nữ nếu họ có nguyện vọng được làm, đó là quyền được lao động của mỗi công dân. Bởi vậy, theo tôi, cần phải khảo sát ý kiến người lao động và cả nguyện vọng của người sử dụng lao động vì nói cấm là cấm thì người ta biết tuyển ai vào giờ này?
Chị Đặng Thị Màu (36 tuổi, quê Cà Mau, kéo cá cho Hợp tác xã bốc xếp thủy hải sản Đoàn Kết ở chợ Bình Điền):
Chắc họ chỉ nói vậy thôi...
Trước đây tôi làm lông vũ cũng độc hại, cực nhọc lắm nhưng không được nhiều tiền. Gần chục năm nay tôi chuyển về làm trong Hợp tác xã bốc xếp thủy hải sản Đoàn Kết ở chợ Bình Điền. Tuy rất cực nhưng thu nhập ổn định. Cứ 11g hằng đêm tôi vào chợ kéo cá, làm đến khoảng 7g sáng cũng được 200.000-250.000 đồng. Mỗi chuyến cá nặng 50-80kg là chuyện bình thường. Hôm nào thấy người khỏe, có nhiều hàng tôi còn có thể kéo được 180kg/ chuyến. Tôi là lao động chính trong nhà, chồng chạy xe ôm ế khách lắm. Nhà có hai vợ chồng, hai đứa con đang tuổi ăn học, tôi lại không có trình độ gì, giờ bảo không làm việc này nữa thì tôi đâu có việc gì để làm. Chắc họ chỉ nói vậy thôi chứ đâu có cấm thật. Tôi không thấy ai bảo gì hết. Đêm nay tôi vẫn đi làm bình thường và vẫn phải làm nghề này đến bao giờ không còn sức kéo nữa thì thôi.
Ông Lê Minh Tiến (giảng viên xã hội học):
“Văn bản không có hiệu lực”
Tôi rất ngạc nhiên với danh sách 77 việc phụ nữ không được làm. Tôi cảm nhận đây có thể tiếp tục là một văn bản không được ứng dụng trong thực tế, làm tăng thêm những “văn bản không có hiệu lực” của Nhà nước và làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Tôi cũng đặt ra câu hỏi là 77 nghề này đã được khảo sát như thế nào, đánh giá về tác động xã hội học ra sao? Việc đưa ra danh sách này dựa trên cảm quan của cơ quan ban hành văn bản hay được đo bằng các thông số điều tra xã hội học hay đo lường bằng thông số khoa học kỹ thuật? Tôi cho rằng cơ quan ban hành cần phải có những câu trả lời cụ thể như vậy mới đưa ra được những quyết định sát với đời sống người lao động.
Bạn đọc Huy Đ:
Thiệt lạ
Trong 77 việc phụ nữ không được làm, tôi thấy có quy định “Các công việc sơn, sửa, xây, trát, vệ sinh, trang trí trên mặt ngoài các công trình cao tầng (từ tầng 3 trở lên hoặc ở độ cao trên 12m so với sàn công tác) không có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố”. Bao năm qua tôi làm thợ hồ, sơn quét các nhà dân. Đòi hỏi có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố với các công trình nhà dân, theo tôi, là việc không thể thực hiện và hiện cũng không ai thực hiện cả.
Tôi đọc báo thấy nói rằng quy định này không mới, mà gần 30 năm trước đã có, nay chỉ cụ thể thêm. Thiệt lạ, một quy định mà 30 năm qua đã có nhưng không ai biết, không áp dụng, nay lại mang ra “cụ thể hóa”. Vậy người ta ra quy định để làm gì cho tốn tiền tốn bạc, tốn thời gian?
Chị Nguyễn Thị Thà (45 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, xã viên Hợp tác xã bốc xếp thủy hải sản Tân Tiến, chợ đầu mối nông sản Bình Điền, TP.HCM):
Không kéo cố thì biết làm sao?
Đêm qua tôi vẫn đi kéo cá như mọi ngày của hơn bốn năm qua, không thấy ban quản lý hợp tác xã hay bất cứ ai nói gì đến quy định mới cả. Thật ra từ khi tôi bắt đầu làm ở đây, họ cũng nói tôi không nên kéo quá nặng. Nhưng để kiếm được chừng 200.000 đồng mỗi đêm, tôi chẳng còn cách nào khác là phải kéo cố. Cá toàn ngâm trong các khay nước rất nặng.
Muốn có 20.000 đồng/chuyến kéo tôi phải chất 80kg, mỗi chuyến mất đến 20 phút, làm đến 7g sáng mới được 180.000 - 200.000 đồng. Tôi không còn trẻ nữa, cố hết sức cũng chỉ kéo được thế thôi. Cũng không muốn làm quá sức nhưng chồng tôi ở quê đau ốm không làm ra tiền, thuốc men liên miên tốn nhiều tiền lắm. Tôi không kéo thì biết làm sao? Tôi vào đây từ năm 2009, năm nay có thêm đứa con trai vào đây, hai mẹ con cùng đi kéo cá, ở quê cũng có ruộng nhưng canh tác kiểu gì cũng không đủ ăn. Ở đội bốc xếp của tôi có đến gần 100 chị em cũng người Thanh Hóa. Chúng tôi làm việc này lâu mãi cũng quen rồi, đâu có thấy làm sao.