Thông tin này được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng báo cáo tại buổi họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 22/2.
76% mẫu tầm soát ngẫu nhiên là Omicron
Tại buổi họp, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đưa ra khả năng biến chủng Omicron đang chiếm đa số trên địa bàn.
"Theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại thành phố ngày 10-17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%. Biến chủng Delta chiếm chưa đến 30%", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin.
Nói thêm về phương pháp tầm soát mới, ông Thượng cho biết phương pháp xét nghiệm PCR này cho phép phát hiện cả biến chủng Omicron nhưng có thời gian nhanh hơn, chi phí rẻ hơn giải trình tự gene.
Để khẳng định độ chính xác, ngành y tế đã lấy 26/70 mẫu dương tính để giải trình tự gene, kết quả là 100% mẫu nhiễm biến thể Omicron. Lý giải việc chỉ làm 26 mẫu, ông cho biết việc giải trình tư gene mất nhiều thời gian nên chỉ lấy số mẫu nhỏ.
"Đây là cơ sở khoa học cho thấy biến chủng Omicron tại TP.HCM đang tăng cao, chiếm ưu thế. Điều này cũng một phần lý giải số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng", ông Thượng đánh giá.
Ngành y tế tiến hành giải trình tự gene ngẫu nhiên để xác định ca mắc biến thể Omicron tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong ngày qua, TP.HCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất sau dịp Tết Nguyên Đán với 797 trường hợp (633 người được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, 140 người tại cộng đồng). Tuần qua, biểu đồ số ca F0 tại tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức đều đi lên cho thấy sự gia tăng F0 đồng đều trên toàn địa bàn.
Trong nhiều tuần lễ, thành phố không có phường, xã thuộc cấp độ 3, nhưng tuần qua, một phường tại quận 4 đã tăng lên cấp độ dịch này. Cách đây 3 tuần, TP.HCM chỉ có 3.000-4.000 ca F0, nay tăng lên 15.000, trong đó khoảng 14.000 F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Ca mắc Covid-19 nặng, thở máy chưa có dấu hiệu tăng.
Đề xuất ngừng học trực tiếp nếu trên 100 trẻ em mắc Covid-19 dạng nặng mỗi ngày
Sở Y tế TP.HCM đặc biệt quan tâm đến số ca mắc mới ở trẻ em. Ngày 7-13/2, TP.HCM ghi nhận 449 trẻ mắc Covid-19 tại 117 trường. Tuy nhiên tuần qua, số này tăng lên hơn 6.000 trường hợp tại 201 trường. Nguyên nhân được cho là học sinh đi học trở lại.
Hiện, 3 bệnh viện nhi của TP.HCM đang điều trị 100 F0 là trẻ em, trong đó 15 F0 từ các tỉnh chuyển đến. Hầu hết ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Điều đáng lưu ý, 93% trẻ em trong số này dưới 12 tuổi (nhóm chưa được tiêm vaccine Covid-19).
Ngành y tế đề xuất phương án ngừng cho trẻ tới trường nếu nhiều ca mắc Covid-19 nặng. Ảnh: Phương Lâm. |
Trước tình hình đó, ngành y tế đã xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị F0 là trẻ em theo từng kịch bản, trong đó ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố có sức chứa 450 giường với 150 giường hồi sức hô hấp.
Đáng chú ý, ngành y tế cho biết sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét ngừng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện, mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.
Ngoài ra, Sở Y tế đề xuất không cần thiết phải giải trình tự gene để xác định biến chủng Omicron nữa do tốn thời gian và chi phí. Hiện nay, Omicron được đánh giá đã là biến chủng chiếm ưu thế và có các triệu chứng nhẹ.